Tình yêu và giới tính hôm nay

Đã đến lúc mẹ sống cho bản thân

Không phải người phụ nữ nào cũng có thể dứt ra khỏi những nỗi lo lắng cho gia đình để giành thời gian chăm sóc cho bản thân dù đó là điều thực sự cần thiết.

Ảnh minh họa

Quẳng gánh lo đi mà vui sống

Sáng nào bà Mai (Hà Đông - Hà Nội) cũng tỉnh giấc từ rất sớm, mùa đông cũng như mùa hè, đâu tiên, bà giặt một chậu quần áo to đùng của cả nhà. Lẽ ra việc này con dâu bà phải làm, nhưng nó chẳng bao giờ giặt tay, cứ tống tất cả vào máy nên quần áo nhàu nhò, khéo còn chả sạch.

Bà Mai vừa tiếc tiền điện vừa sợ hỏng quần áo nên toàn tự giặt quần áo cho cả nhà. Giặt xong quần áo, bà lại hăm hở lao vào bếp nấu bữa sáng. Đợi đến lúc bà nấu xong, con dâu mới lò dò xuất hiện, trên tay là đứa con nhỏ đang mắt nhắm mắt mở, hậm hừ, khóc lóc. Thế là bà lại bế cháu, đánh răng, rửa mặt cho nó để con dâu ăn sáng. Ăn sáng xong, con dâu vứt cả cháu và bãi chiến trường chén bát lại cho bà rồi vội vã đi làm.

Vừa dọn dẹp xong đống bát, thằng con trai và đứa con gái của bà lại lò dò xuất hiện, mồm ngoác ra đòi ăn sáng… và tất nhiên, bà Mai lại cố gắng đáp ứng tối đa những yêu cầu đó. Trong lúc mọi người ăn sáng, bà lại chuyển qua chăm sóc cho thằng cháu đích tôn. Ăn xong, tất cả lại vội vã bỏ đi, bỏ lại cho bà bát đĩa và thằng cu con đang ngồi bô… Bà vừa trông cháu vừa dọn dẹp, tay làm, miệng lẩm bẩm: “tao có phải là osin đâu mà sao khổ thế này?”

Đến trưa, bà lại vừa trông cháu vừa nấu cơm, buổi trưa chỉ có con trai và con gái về ăn, con dâu ở lại cơ quan, chiều mới về. Thương con gái chiều lại phải đi học nên bà toàn bảo nó ăn xong rồi đi ngủ và người dọn dẹp không ai khác chính là bà. Chiều đến, đợi con dâu đi làm về trông cháu, bà lại tất bật chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Ăn xong, con dâu ôm cháu lên phòng, con gái nằn nì, ỉ ôi, nhờ mẹ rửa bát… thương con, bà lại làm nốt những việc còn lại. Mãi đến 9h tối bà mới về phòng nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau, một hành trình giống hệt ngày hôm trước lại diễn ra. Từ ngày chồng bà mất, niềm vui lớn nhất của bà là chăm con, chăm cháu, bà không dám lơ là công việc nhà vì sợ các con làm ăn cẩu thả, bà chẳng yên tâm để bất kỳ ai chăm cháu, nấu cơm… Có thể các con đều nghĩ bà Mai thích làm mọi việc nên nhận làm hết, nhưng chúng không biết rằng, tối nào, sau khi đóng cánh cửa phòng riêng, bà cũng bần thần, chán nản, nghĩ ngợi mông lung…

Giá mà chồng bà còn sống, bà sẽ mặc kệ hết mọi việc, tống lũ con ra ở riêng để chỉ dành thời gian chăm sóc cho chồng và bản thân. Nhưng điều đó bây giờ là không thể. Bà đành dành hết thời gian và công sức cho các con cháu vì nếu không làm gì bà sẽ buồn chết mất.

Dạo gần đây, ở thôn thành lập câu lạc bộ cho người cao tuổi, nghe hàng xóm rủ, bà Mai cũng thử đến đấy vài lần. Nhưng bà Mai không lần nào được ngồi hết cả buổi sinh hoạt vì thằng cháu hiếu động, chỉ ngồi được một lúc là khóc, đòi về. Bà bực lắm nhưng cũng chả biết làm thế nào, đành đi về, rồi đợi đến chiều, sang nhà mấy bà hàng xóm hỏi xem hôm này phổ biến việc gì.

Khi câu lạc bộ phát triển hơn, họ tổ chức các lớp tập thể dục dưỡng sinh buổi sáng sớm, những buổi sinh hoạt văn thơ buổi tối, thậm chí còn tham gia làm tình nguyện ở trại trẻ mồ côi gần đầy vào cuối tuần. Bà Mai thích lắm, nhưng còn e ngại, không biết ai sẽ làm việc nhà, ai sẽ chăm cháu… Thấy bà Mai cứ bần thần, cô con dâu cũng hỏi han, tâm sự, khi biết bà muốn tham gia câu lạc bộ với bạn bè thì rất hưởng ứng.

Từ hôm ấy, cô con dâu dậy sớm hơn và cố gắng làm bớt phần việc nhà mà trước nay bà Mai vẫn làm để bà có thời gian đi tập dưỡng sinh. Thằng cháu cũng đã đến tuổi đi mẫu giáo nên bố mẹ nó cũng nhất trí cho con đi lớp để bà có thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Cô con gái cũng hứa sẽ chăm chỉ rửa bát, quét nhà để mẹ không phải lo lắng…

Từ ngày mở rộng các mối quan hệ giao lưu với các bạn bè đồng lứa và tham gia các hoạt động xã hội bà Mai tươi tỉnh hẳn ra, thậm chí trông còn trẻ hơn vài tuổi vì lúc nào nụ cười cũng nở trên môi bà. Mới đây, bà Mai còn khoe với cả nhà là đội tập thể dục dưỡng sinh của phường được chọn đi thi tỉnh, bà và mọi người đang cố gắng tập luyện để giành giải cao trong cuộc thi. Bây giờ buổi tối ở nhà bà Mai rất nhộn nhịp, cả nhà vừa xem phim ngoài phòng khách, vừa nhìn và góp ý để bà Mai tập những động tác dưỡng sinh mềm mại hơn, thằng cháu nhỏ vừa uốn éo theo những động tác của bà vừa cười khanh khách…

Những định kiến hẹp hòi

Cũng trong hoàn cảnh tương tự nhưng bà Thanh (Q.5, Tp.HCM) không được may mắn như bà Mai. Ngày nào chồng bà Thanh cũng đi làm từ sáng sớm, các con bà cũng lần lượt đi làm, các cháu đã lớn cũng đi lớp, chỉ còn mình bà Thanh ở nhà. Bà cứ quẩn quanh chỗ này chán lại ra chỗ kia, lúc nào trông cũng vật vờ như cái bóng không hồn.

Lúc mọi người ở nhà, quây quần vào buổi tối thì bà Thanh lại cảm thấy nhà quá đông đúc, ồn ào đến nhức cả đầu. Vì chẳng ai để ý đến bà nên bà thường cáu gắt quát con, quát cháu để được chúng nó để ý. Nhưng vốn bản tính nói nhiều nên mỗi lần bà càu nhàu, chồng bà chẳng thèm bắt lời, con dâu thì phật lòng, con trai thì bực tức, các cháu cũng phát chán lên với bà…

Không tìm được tiếng nói chung trong gia đình, bà thường xuyên sang nhà hàng xóm chơi, rồi đến nhà bạn bè ngày xưa chơi, có lần bà còn đi du lịch với mấy người bạn thời đại học cả tuần liền khiến mọi người trong gia đình rất lo lắng. Sau mỗi lần đi chơi về bà lại vui vẻ, trẻ trung hơn, bà còn chăm chút cho hình thức bên ngoài để bắt nhịp cùng với những người bạn của mình. Đợt này, trông bà, ai cũng thấy trẻ trung, khỏe khoắn hơn rất nhiều.

Tuy vậy, chồng và các con bà Thanh lại tỏ ra không hài lòng gì với niềm vui mới của bà. Thậm chí, các con bà có có ý định sinh thêm đứa nữa để bà phải ở nhà trông cháu, theo chúng thì bà già rồi, cứ ra ngoài gặp bạn bè rồi đi chỗ nọ chỗ kia sẽ khiến người ta dị nghị, ảnh hưởng đến gia đình. Chồng bà tuy không phản ứng mạnh nhưng cũng tỏ ra lạnh nhạt, chắc ông nghĩ rằng, bà đã tìm được niềm vui mới từ nơi khác…

Có thể vì các chồng và các con bà Thanh đã quen với hình ảnh bà lẫm lũi chăm sóc chồng con và các cháu mà quên mất rằng bà cũng cần được vui chơi, cần có niềm vui riêng khi chồng con bận tối mắt tối mũi ở bên ngoài. Nếu họ nghĩ cho bà một chút, rất có thể họ đã cảm thấy thật vui vì bà Thanh đã tự biết tìm niềm vui riêng cho mình, điều mà lẽ ra họ phải làm cho bà. Mong những người chồng, những người con nghĩ nhiều hơn cho vợ và mẹ mình một chút, để những người phụ nữ đã phải vất vả cả đời được sống thật vui vẻ, thoải mái lúc về già.

An Bình

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/da-den-luc-me-song-cho-ban-than-15638/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY