Kinh tế xã hội hôm nay

Đà Nẵng dừng hoạt động cửa hàng ăn uống bán qua mạng, mang về: Người đồng tình, người phản ánh bất cập

Nhiều người dân đồng tình với chính quyền TP Đà Nẵng về việc lo ngại xếp hàng mua đồ ăn, thức uống mang về sẽ dẫn đến tập trung đông người, shipper có thể là nguồn lây. Tuy nhiên, cũng có một số người phản ánh sự bất cập khi áp dụng ngừng bán hàng qua mạng.

Cấm bán hàng online nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng

Kể từ 0 giờ ngày 1/4, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu trong thời gian cách ly toàn xã hội 15 ngày, tất cả các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm dừng hoạt động; các bán qua mạng hoặc bán mang đi, chỉ được phép hoạt động đến 0h ngày 2/4.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết ban đầu các quán ăn được yêu cầu tạm dừng phục vụ tại chỗ kể từ 15 giờ ngày 29/3 đến hết 15/4, chỉ cho phép bán qua mạng, bán mang đi.

Không chỉ cấm cửa các hàng quán, dịch vụ không thiết yếu, từ 0h00 ngày 2/4, chính quyền TP Đà Nẵng cấm tất cả hàng ăn uống bán qua mạng hoặc mang đi.

Clip: Chủ 1 quán ăn nổi tiếng ở quận Thanh Khê chia sẻ về việc cấm bán hàng mang về và qua mạng ở Đà Nẵng.

Việc cấm bán hàng online, hàng mang đi của Đà Nẵng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế và thực hiện theo công văn của UBND TP Đà Nẵng, sở đã yêu cầu các cửa hàng ăn uống tạm dừng việc bán hàng qua mạng hoặc bán mang đi để phòng, chống dịch.

Mặc dù, không khẳng định sẽ dừng hoạt động của shipper, tuy nhiên ông Bắc nói dừng hoạt động các cửa hàng ăn uống đồng nghĩa với không còn hoạt động giao đồ ăn, thức uống. Còn giao hàng từ các siêu thị, chợ... vẫn diễn ra bình thường.

"Quy định trên nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng", ông Bắc, nói.

Theo Lãnh đạo sở Công thương, thứ nhất là do thói quen của người dân lúc đứng đợi mua đồ ăn, thức uống mang về, nhất là trà sữa và cà phê tại một địa điểm không đảm bảo khoảng cách an toàn, quá ồn ào và nhiều người không đeo khẩu trang, hoặc kéo khẩu trang xuống nói ra nói vào trong lúc mua hàng nên khó có thể kiểm soát được. Trong khi thức uống không phải là mặt hàng thiết yếu, có thể đi siêu thị mua về nhà tự pha.

Hiện tất cả quán cà phê, trà bánh, cửa hàng lớn nhỏ đã đóng cửa. Đà Nẵng chỉ còn các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhà Thu*c, trạm xăng, gas hoạt động.

Lý do thứ hai là các shipper cũng có thể là nguồn lây trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, bởi hàng ngày họ nhận và đi giao quá nhiều đơn hàng, tiếp xúc với rất nhiều người. Trong đó, có một số shipper không đeo khẩu trang, ý thức phòng, chống dịch còn chưa tốt.

"Một ngày shipper đi biết bao nhiêu chỗ, bao nhiêu khu dân cư. Nếu lỡ có một người nhiễm thì nguy cơ rất cao. Chỉ có 15 ngày làm việc này nên mong người dân thông cảm. Mục đích cuối cùng là để chúng ta cùng nhau thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch chứ không có gì khác", ông Bắc, chia sẻ.

Cửa hàng trà sữa Gong Cha ở đường Nguyễn Văn Linh vốn là nơi thu hút hàng trăm người dùng mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện cửa hàng này đã đóng cửa.

Quán trà sữa nổi tiếng cạnh đó cũng đã đóng cửa theo lệnh cấm của thành phố.

Cũng theo ông Bắc, Đà Nẵng chỉ yêu cầu tạm dừng hoạt động các cửa hàng bán qua mạng, bán hàng mang đi đối với các mặt hàng không thiết yếu như đồ ăn nhanh, trà sữa, cà phê, các loại đồ ăn vặt... Còn một số chợ, siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm vẫn bán hàng online và phân công người giao hàng tại nhà cho dân.

"Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố chiều 31/3, nhiều ý kiến cho rằng nếu không có shipper ăn uống thì người dân sẽ ra đường đi chợ nhiều hơn. Nhưng chúng tôi khuyến khích người dân chỉ đi ra chợ mua thực phẩm và về nhà chế biến, có thể đi chợ một ngày mua đồ cho vài ba ngày.

Các siêu thị trên địa bàn cũng đã công khai hotline để người dân biết và đặt hàng qua mạng. Lúc này chúng ta nên bình tĩnh, tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch và hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết. Người dân cũng không nên tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm vì hàng hóa còn rất đầy đủ và dồi dào" , ông Bắc, thông tin.

Người đồng tình, người phản ánh bất cập

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua, hầu hết các cửa hàng ăn uống ở Đà Nẵng đã đóng cửa, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cấm của thành phố. Tuy nhiên, chủ trương chống dịch này của Đà Nẵng cũng đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Chị Võ Thị Thủy (trú quận Thanh Khê) cho biết, bản thân chị rất ủng hộ chủ trương cấm bán hàng mang về và online, bởi việc tập trung đông người đến xếp hàng để mua thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh dịch.

"Chúng ta đang kêu gọi nhau ở nhà để tránh dịch thì tại sao lại để các shipper suốt ngày lang thang ngoài đường? Trong khi đó, lẽ ra những shipper mới chính là những người cần 'tự cách ly' trong thời gian nhạy cảm này, bởi họ là một trong những người thường đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người nhất", chị Thủy, chia sẻ.

Ghi nhận của PV, tại các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng, hầu hết các cửa hàng ăn uống, bán cà phê, bánh ngọt, trà sữa hiện nay đã khóa cửa, dừng hẳn hoạt động.

Đồng quan điểm với chị Thủy, anh Nguyễn Văn Sơn (trú quận Hải Châu) cho biết: "Trong thời gian cách ly toàn xã hội thì tốt nhất là mọi người nên tự nấu ăn tại nhà. Việc đến các quán ăn để chờ mua đồ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây dịch. Như 'ổ dịch' Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng được cho là bị lây lan từ các nhân viên cung cấp các suất ăn đó thôi. Tôi nghĩ thời điểm này, người dân nên thông cảm và đồng hành cùng thành phố phòng chống dịch".

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có nhiều ý kiến phản ánh những bất cập của việc cấm bán hàng mang về, cấm bán hàng online của Đà Nẵng. Chị Lê Thị Thu, trú quận Liên Chiểu cho biết: "Tôi thấy việc này hơi bất cập, bởi tôi nghĩ nếu không có bán hàng mang về thì người dân sẽ ra đường đi chợ nhiều hơn và cũng tiềm ẩn nguy cơ lây dịch nhiều hơn. Nhiều hàng quán ăn uống phải đóng cửa theo lệnh. Nhưng ngược lại, các cửa hàng, tiệm bánh mì trên địa bàn lại tấp nập khách hàng, người người chen chúc nhau để mua được vài ổ bánh mỳ về ăn sáng, càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Không chỉ vậy, những người dân, đặc biệt là người làm việc tại công sở như tôi cũng ít có sự lựa chọn hơn về thực phẩm trong thời gian cách ly xã hội".

Cùng suy nghĩ, chị Thu Minh, chủ quán cơm gần trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thở dài cho biết: "Trong tình hình dịch bệnh vốn đã khó khăn, thời gian này quán tôi chỉ bán cơm mang về nhưng cũng phải đóng cửa. Nếu tình trạng này kéo dài thì có lẽ tôi phải trả lại mặt bằng, vì không còn đủ khả năng để bù lỗ nữa".

Anh Duy Thuận, chủ 1 quán ăn vặt nổi tiếng tại quận Thanh Khê cho biết, việc cấm bán hàng mang về và bán hàng qua mạng đang khiến người kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền mặt bằng.

Một quán cơm trên đường Trần Phú cũng phải đóng cửa để phòng dịch.

Còn anh Duy Thuận, chủ 1 quán ăn vặt nổi tiếng tại quận Thanh Khê, cho biết: "Bản thân tôi đồng tình việc ngừng bán hàng tại chỗ để tránh tập trung đông người. Tuy nhiên, việc cấm bán hàng mang về và bán hàng qua mạng thì khá bất cập. Việc cấm như thế này ảnh hưởng đến những người kinh doanh như chúng tôi rất nhiều. Bởi, tiền mặt bằng mỗi tháng phải trả hàng chục triệu đồng, nếu tình hình này kéo dài thì nhiều chủ cửa hàng như tôi sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Do đó, tôi hi vọng thời gian đến, thành phố sẽ xem xét và có phương án hợp lý hơn".

Trong 15 ngày cách ly toàn xã hội, Đà Nẵng cho phép mở cửa dịch vụ khám chữa bệnh; ngân hàng; bưu chính viễn thông; cấp điện, nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất...

Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá... vẫn mở cửa và chỉ được bán lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Theo Trí Thức Trẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/da-nang-dung-hoat-dong-cua-hang-an-uong-ban-qua-mang-mang-ve-nguoi-dong-tinh-nguoi-phan-anh-bat-cap-20200405211936971.chn#mingid_comments_content)

Tin cùng nội dung

  • Mangyte cho tôi hỏi, bị viêm dạ dày có cần phải kiêng cữ loại thức ăn gì hay không? Ăn món gì thì hạn chế được bệnh?
  • Nhiều người có sở thích ăn đồ nóng vì cho rằng ăn “toát mồ hôi” mới khỏe, mới ngon. Nhưng ít người biết rằng thói quen này có thể khiến mình dễ bị mắc bệnh ung thư thực quản.
  • Ba tôi 60 tuổi, gần đây bị đau nhức bên hông, BS nói là bị đau thần kinh tọa. Gia đình muốn đưa ông đi châm cứu nhưng không rõ nơi nào uy tín. Nhờ Mangyte chỉ giúp. Chúng tôi xin cảm ơn! (Hoài Văn - Đà Nẵng)
  • Đọc các câu tư vấn và các thông tin về Thu*c điều trị đột quỵ tại TPHCM, chúng tôi thấy rất phấn khởi vì y học phát triển, tay nghề của các BS TPHCM tiến quá nhanh. Đặc biệt, theo dõi chùm bài của TS.BS Nguyễn Huy Thắng, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, chúng tôi thấy phục TS Thắng quá!
  • Chào mangyte.vn, Chị tôi bị đau bụng, đến bệnh viện bác sĩ chỉ hỏi sơ sơ rồi kêu đi chụp X-quang, rồi đi siêu âm. Siêu âm trắng đen không ra bệnh thì bảo siêu âm màu, sau đó chuyển qua Trung tâm Medic để siêu âm tiếp tục. Chị tôi mất 1-2 tiếng cho một lần kiểm tra, xét nghiệm như thế. Tôi muốn hỏi làm sao chấn chỉnh việc lạm dụng xét nghiệm để bệnh nhân đỡ mất thời gian và công sức? Cảm ơn mangyte.vn! (Thanh Thanh - TPHCM)
  • Ung thư và điều trị ung thư bằng các phương pháp như xạ trị, hóa trị...có thể gây ra các rắc rối cho cơ thể, kể cả việc ăn uống hằng ngày
  • Dân gian có câu “đói quanh năm, no 3 ngày tết”, để chỉ rằng dù trong năm có thiếu thốn đến mấy, nhưng 3 ngày tết vẫn phải no đủ để “lấy hên” cho một năm mới no ấm và đủ đầy.
  • Chế độ ăn DASH là chế độ ăn ngăn ngừa cao huyết áp. Chế độ ăn DASH tuân thủ theo các nguyên tắc như sau: Ít muối, chất béo bão hoà, cholestorol và các chất béo khác....
  • Ăn uống đầy đủ khi mang thai không chỉ đơn giản là bạn ăn nhiều hơn. Bạn cũng phải cân nhắc đến việc bạn ăn gì khi mang thai. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng để phục vụ cho sự phát triển của thai nhi.
  • Chế độ ăn, bao gồm những loại thức ăn và độ thường xuyên bạn dùng chúng, đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì sức khoẻ răng miệng. Bánh kẹo từ lâu đã được xem là có liên quan đến bệnh sâu răng, nhưng có nhiều thứ khác ngoài bánh kẹo có thể ảnh hưởng xấu tới răng. Nhiều loại thức ăn và đồ uống, đặc biệt là các loại có nhiều đường, đều thúc đẩy nhanh quá trình sâu răng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY