Vậy thai nhi 24 tuần tuổi có những đặc điểm về kích thước, hình dáng, cân nặng như thế nào? Mẹ bầu mang thai 24 tuần tuổi cần chú ý những gì để con phát triển ổn định, mẹ khoẻ mạnh?
Để biết câu trả lời cho những câu hỏi trên, bạn đọc đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé.
Chiều dài, cân nặng: Thai nhi 24 tuần tuổi sẽ có chiều dài khoảng 32cm, cân nặng khoảng 0,6 - 0,7kg. Lúc này, hình dáng và trọng lượng của thai nhi sẽ tương đương với một chiếc bắp ngô lớn.
Làn da: Dày hơn nhưng vẫn còn nhăn nheo do chưa tích đủ lớp mỡ cần thiết. Làn da của bé sẽ căng đầy, mịn màng ở tuần từ 36 trở đi.
Mắt: Đã bắt đầu dần hé mở, có các hoạt động chớp mắt. Lông mi ở mắt cũng bắt đầu rõ ràng kể từ tuần thai này.
Tai trong: Phát triển hoàn thiện, nhờ vậy bé có thể kiểm soát sự cân bằng của cơ thể khi ở trong bụng mẹ.
Các bộ phận khác: Các bộ phận như tay, chân, tai, mũi… gần như hoàn thiện, tương đồng với hình dáng của một em bé sơ sinh.
Não bộ: Não bộ là một trong số các bộ phận phát triển mạnh mẽ nhất ở tuần 24. Thể tích, kích thước của não tăng đáng kể trong tuần này. Cùng với đó, hệ thần kinh cũng hoàn thiện, giữ vai trò chỉ huy các hoạt động của cơ thể.
Phổi: Chất hoạt động bề mặt bắt đầu được tạo ra; các nhánh chính của phổi cũng đang dần hình thành. Đây là điều cần thiết để giúp phế nang dễ dàng phồng lên, đảm bảo cho quá trình hô hấp sau khi sinh ra.
Vị giác: Chồi vị giác bước vào giai đoạn hoàn thiện, vị giác dần rõ nét.
Ở tuần thai thứ 24, thai nhi của bạn dường như năng động hơn với vô số các hoạt động trong bụng mẹ như nuốt nước ối, nhắm mở mắt, nhào lộn, thúc vào bụng mẹ…
Mang thai tuần 24, mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được các lần thai máy, thậm chí là tính được số lần trung bình của một ngày. Mỗi mẹ bầu sẽ có sự cảm nhận hoạt động của thai nhi khác nhau. Trong đó đa phần mẹ bầu thấy rằng thai hoạt động mạnh mẽ hơn vào ban đêm.
Kích thước bụng: Ở tuần thai thứ 24, kích thước bụng của mẹ đã lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, mẹ có thể đo và đánh giá sự thay đổi qua từng ngày. Điều này nhằm đáp ứng cho việc thai nhi ngày một lớn hơn trong tử cung.
Lồng ngực to lên: Không chỉ bầu ngực to mà ở tháng mang thai thứ 6, lồng ngực của mẹ cũng sẽ to hơn, tiếp tục phình ra. Lý do của việc này là bởi đây là thời điểm mẹ cần hô hấp nhiều hơn, lồng ngực to lên để đáp ứng nhu cầu tăng kích thước của phổi.
Ngón chân, ngón tay có xu hướng phù: Ở tuần mang thai thứ 24, lượng máu mẹ bầu cần mỗi ngày sẽ tăng lên khoảng 25% so với lúc trước mang thai. Điều này nhằm đảm bảo nuôi dưỡng thai nhi được tốt, hạn chế nguy cơ sinh non cũng như chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở sau này.
Dễ chóng mặt, choáng váng: Sự thay đổi về kích thước, sức khỏe khiến mẹ bầu có thai 24 tuần dễ bị chóng mặt, ngất xỉu, nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột. Vì vậy khi đứng lên ngồi xuống, mẹ nên vịn và thực hiện động tác chậm rãi.
Tình trạng táo bón: Tình trạng táo bón nghiêm trọng ở bà bầu sẽ quay lại vào thời điểm này. Bởi vậy, mẹ cần chú ý bổ sung nhiều chất xơ, uống đủ nước để đảm bảo không gây khó chịu. Ngoài ra nếu trường hợp táo bón quá nghiêm trọng, mẹ có thể trao đổi với các bác sĩ để tìm ra phương án cải thiện phù hợp.
Cơn co thắt Braxton Hicks: Đây còn gọi là những cơn đau chuyển dạ giả. Cơn co thắt Braxton Hicks là một hiện tượng bình thường và có thể gặp ở bất kỳ bà bầu nào. Khi gặp những cơn đau này, nhất là sau mỗi lần cúi người xuống, đứng thẳng lên, sau khi quan hệ tình dục, khi leo cầu thang… mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé.
Trường hợp cơn đau khiến mẹ khó chịu, kéo dài, xảy ra liên tục, mẹ cần tới bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán và tìm phương án cải thiện.
Rạn da: Tuần thai 24, mẹ sẽ bị rạn da nhiều hơn. Đi cùng với hiện tượng này là các triệu chứng như ngứa, bong tróc da… Nếu gặp phải điều trên, mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống rạn… để cải thiện.
Mất ngủ nhiều hơn: Đây là hiện tượng rất dễ gặp ở các thai phụ 24 tuần tuổi. Bên cạnh việc mất ngủ, mẹ có thể gặp các hiện tượng thường xuyên tỉnh giấc, chuột rút nửa đêm về sáng…
Để cải thiện tình trạng này, mẹ hãy tranh thủ chợp mắt bất cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, phương án sử dụng gối bầu, kê một chiếc gối mỏng ở chân khi ngủ cũng là gợi ý phù hợp khi mang thai 24 tuần.
Thực hiện xét nghiệm tiểu đường: Xét nghiệm này sẽ được chỉ định thực hiện trong tuần từ 24 - 28. Việc làm xét nghiệm tiểu đường sẽ giúp các bác sĩ biết được chính xác mẹ có mắc tiểu đường thai kỳ hay không.
Để làm xét nghiệm, thông thường mẹ sẽ được uống một cốc nước đường. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu để kiểm tra. Lưu ý khi làm xét nghiệm tiểu đường, mẹ không nên ăn quá nhiều, quá muộn vào ngày hôm trước để tránh làm sai lệch kết quả.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể thực hiện việc xét nghiệm tiểu đường bằng cách trích máu ở đầu ngón tay, ngón chân.
Để hạn chế nguy cơ tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu mang thai 24 tuần cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý. Mẹ nên hạn chế sử dụng đồ ăn ngọt, quá nhiều đường, đồ ăn nhanh hay các chất kích thích khác.
Khám thai đúng lịch: Tuần 24 cũng là mốc khám thai mà mẹ nên theo sát và thực hiện. Ở tuần thai này, các bác sĩ sẽ vừa kiểm tra sự phát triển của thai nhi, vừa theo dõi sức khỏe của người mẹ để chắc chắn sự ổn định. Những nội dung sẽ có trong lần khám thai tuần 24 thường là:
- Đo cân nặng và huyết áp
- Kiểm tra nước tiểu để đo lượng đường và đạm
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi
- Đo bề cao tử cung và sờ nắn bên ngoài (cảm nhận từ bên ngoài) để đánh giá sơ bộ sự phát triển của thai nhi
- Đo chiều cao của đáy vị (đỉnh của tử cung)
- Kiểm tra độ sưng của tay và chân, kiểm tra việc giãn tĩnh mạch ở chân của mẹ bầu.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng: Mang thai tuần 24, mẹ bầu sẽ cần nhiều năng lượng, dinh dưỡng hơn cho cả mẹ và bé. Vì vậy ở giai đoạn này, mẹ cần đảm bảo cân đối các nguồn dưỡng chất, tránh ăn quá ít hay quá nhiều một món.
Nguồn dưỡng chất mà mẹ có thể bổ sung trong giai đoạn này có thể kể đến như:
Thực phẩm giàu sắt: Cải bó xôi, các loại cá như cá hồi, cá mòi, thịt gia cầm, thịt đỏ… Ở giai đoạn mang thai tuần 24, mẹ bầu cần tối thiểu 60mg sắt mỗi ngày. Thiếu sắt có thể gây thiếu máu, tăng nguy cơ sinh non, mẹ dễ bị hoa mắt chóng mặt.
Ngoài thực phẩm giàu sắt, mẹ cũng cần bổ sung nguồn sắt tổng hợp để đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể. Mẹ nên chọn sắt hữu cơ, dạng nước thì sẽ dễ hấp thu, hạn chế táo bón hơn so với dạng viên vô cơ.
Thực phẩm giàu acid: Giúp hạn chế các nguy cơ dị tật ở thai nhi cũng như hình thành các tế bào hồng cầu mạnh mẽ cho cơ thể. Acid folic ở tuần mang thai này nên được bổ sung qua viên uống và các loại thực phẩm như ngũ cốc, các loại rau xanh đậm, trái cây họ cam quýt…
Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C có trong hầu hết các loại trái cây, rau xanh. Mẹ nên bổ sung đầy đủ vitamin C mỗi ngày để tăng đề kháng cho cơ thể cũng như giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Thực phẩm giàu Canxi: Đảm bảo cho hệ xương, cơ khớp của bé phát triển đầy đủ, ổn định. Khi mẹ bổ sung đủ canxi trong thai kỳ, nguy cơ sâu răng, khung xương yếu… của trẻ sau khi ra đời cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, bổ sung đủ canxi cũng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương ở thai phụ, hạn chế tình trạng đau lưng, đau mỏi người trong suốt quá trình mang thai cũng như sau khi sinh.
Những thực phẩm giàu canxi mà mẹ bầu có thể lựa chọn đó là sữa, các loại hải sản… Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung canxi từ đường uống.
Tập thể dục thường xuyên: Bước sang tuần mang thai thứ 24, mẹ bầu đã cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Tuy nhiên, mẹ đừng vì vậy mà bỏ qua việc tập luyện nhé.
Việc duy trì các hoạt động thể lực vừa sức, liên tục sẽ giúp đảm bảo sức khỏe của người mẹ. Đồng thời, đây cũng là phương pháp tốt để kích thích sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Thai nhi 24 tuần tuổi đã gần như hoàn thiện về hình dáng cũng như các hệ cơ quan trong cơ thể. Ở tuần thai này, mẹ cũng đã bắt đầu cảm thấy nặng nề và dễ mệt nhiều hơn. Vì vậy, mẹ bầu cần xây dựng một chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý; tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết khi mang thai.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: