12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Đại dịch COVID-19 và những sang chấn tâm lý có thật

Đại dịch COVID-19 không chỉ đe dọa đến sức khỏe thể chất, tính mạng con người mà còn gây ra những sang chấn tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống mỗi người.

Sang chấn tâm lý được định nghĩa là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng của một người, tổn thương thể chất nghiêm trọng hoặc chứng kiến ​​một cái chết bất ngờ, đe dọa tính mạng ngay lập tức hoặc tổn thương thể chất đối với người khác.

Sang chấn tâm lý là phổ biến, ước tính lên đến 60-85% số người đã trải qua một sự kiện chấn động trong cuộc đời. Các phản ứng đối với sang chấn là phổ biến và có thể bao gồm suy nghĩ ám ảnh, ác mộng, tránh nhắc nhở về chấn thương, tự trách bản thân, lo lắng về vấn đề an toàn, cáu kỉnh và mất tập trung.

Thông thường, sang chấn tâm lý kéo dài trong khoảng thời gian 1 tháng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sang chấn kéo dài hơn và được gọi là rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Sang chấn tâm lý và đại dịch COVID-19

COVID-19 đã nhanh chóng trở thành một trong những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe người dân trên toàn thế giới. Nó không chỉ gây ra những lo ngại về sức khỏe thể chất mà còn gây ra các vấn đề về tâm lý khi mọi người phải đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc những cái chết bất ngờ.

Các nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 không chỉ thường xuyên tiếp xúc với virus mà họ còn chứng kiến ​​sự gia tăng bệnh tật, tử vong và thiếu hụt nguồn cung cấp vật tư. Ngoài ra, những bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 nặng phải nhập viện bị cô lập với xã hội, khó chịu về thể chất và nỗi sợ hãi về sự sống còn. Những phơi nhiễm này làm tăng nguy cơ phát triển những rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD).

Hơn nữa, những rủi ro này có thể tăng cao hơn trong những tuần tiếp theo khi những bệnh nhân COVID-19 phục hồi thiếu sự hỗ trợ xã hội ngay lập tức do yêu cầu tự cách ly.

COVID-19 làm tăng nguy cơ phát triển những rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD) - (Ảnh:cerdify)

Đặc biệt liên quan đến đại dịch COVID-19, quá trình điều trị kéo dài trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) như nhiễm trùng huyết, và nhất là đặt nội khí quản, có liên quan đến một số tỷ lệ cao nhất của rối loạn tâm lý trong y tế. Do đó, một khi bệnh nhân đã ổn định về mặt y tế, điều quan trọng là phải đánh giá và chăm sóc các phản ứng tâm thần sau sang chấn tâm lý như đối với PTSD thường gặp.

Khi không được điều trị, rối loạn tâm lý sau sang chấn có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ. Những người bị PTSD không thể vượt qua nó và trong một số trường hợp, PTSD có thể nguy hiểm và thực sự trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Rối loạn tâm lý sau sang chấn có liên quan đến sự đau khổ đáng kể và làm gián đoạn chức năng xã hội và nghề nghiệp, gây ra các vấn đề lớn trong các mối quan hệ và công việc.

Biểu hiện của sang chấn tâm lý hoặc rối loạn tâm lý sau sang chấn

COVD-19 gây căng thẳng, lo âu và sợ hãi: Đại dịch COVID-19 đối với người bệnh và cộng đồng đều gây tâm lý lo lắng, sợ hãi mình có thể mắc bệnh. Những người mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong, nhất là những người cao tuổi, người có bệnh nền... Đi cách ly phải xa người thân, trẻ em đi cách ly không được gần bố mẹ, người trong gia đình mắc bệnh sẽ bị kỳ thị... Đó là những chấn thương tâm lý nghiêm trọng COVID-19 đang phủ lên tâm lý của hầu hết mọi người.

COVID-19 gây tổn thương não: Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, có đến 30% bệnh nhân mắc COVID-19 có các di chứng về tâm lý sau khi khỏi bệnh. Người mắc COVID-19 thể càng nặng thì rối loạn tâm lý càng tăng.

Bên cạnh đó, một số trường hợp mắc COVID-19 còn có biểu hiện giảm trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ - dù mức độ không nặng nhưng cũng dẫn đến nhiều phiền toái. Các tác động trực tiếp của bệnh lý này đối với cơ thể là gây tổn thương phổi, đường hô hấp, các cơ quan khác trong đó có não cũng bị tổn thương.

COVID-19 gây ảnh hưởng kinh tế: Dịch bệnh khiến hầu như các ngành nghề sản xuất kinh doanh đều bị ngưng trệ. Nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ đóng cửa, doanh nghiệp ngừng sản xuất, người buôn bán nhỏ mất việc. Vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn... đóng cửa. Trước tình trạng đó, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý người trường thành bị ảnh hưởng nặng nề.

COVID-19 làm tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý người trường thành bị ảnh hưởng nặng nề - (Ảnh: Freepik)

COVID-19 khiến mọi người hạn chế giao tiếp: Việc không hoặc ít giao tiếp với mọi người xung quanh tạo nên sự khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, chia sẻ. Lâu dầu, những khó chịu này sẽ gây nên căng thẳng, u uất kéo dài, là nguyên nhân gây stress, lo âu, trầm cảm và mất ngủ gia tăng.

Đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Do đó, chúng ta cần chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, cần tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch để tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng. Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/dai-dich-covid-19-va-nhung-sang-chan-tam-ly-co-that-31462/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY