Tâm linh hôm nay

Đạo đức - Thiền định - Trí tuệ: Ba nền tảng an lạc giải thoát (I)

Phật giáo là một hệ thống triết lý sống cao thượng sản sinh từ Ấn Độ. Và từ đó, theo hai con đường khác nhau, Phật giáo truyền bá sang các quốc gia trong khu vực và dần dần lan rộng tới các châu lục khác trên thế giới.

 >>Lời Phật dạy

Ở mỗi quốc gia, do sự tiếp biến văn hóa mà Phật giáo có thể có những điểm bất đồng. Tuy vậy, về cơ bản, triết lý sống của Phật giáo đều đặt trên một nền tảng chung mang tính thống nhất.

Nền tảng đó chính là các nguyên tắc đạo đức, các phương pháp đưa tới sự chú tâm và tuệ giác giải thoát. Trong đó Bát chánh đạo được xem là nền tảng căn bản nhất.

1. Đạo đức Phật giáo và các phương diện biểu hiện của nó trong Bát chánh đạo

Đạo đức là một phạm trù có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong Phật giáo. Nó đóng vai trò nền tảng giúp con người thăng hoa trên con đường hướng đến đời sống giác ngộ, giải thoát.

Chánh Ngữ

Bài liên quan

Xây dựng chánh ngữ để ứng phó khủng hoảng truyền thông

Chánh ngữ là lời nói chân chính, lời nói đưa đến . Trong kinh Tăng Chi, đức Phật liệt kê bốn phương diện khác nhau đưa tới sự tịnh hạnh hay sự đúng đắn, chân chính của lời nói:

“Một là từ bỏ nói dối, nói láo;

 Hai là từ nói hai lưỡi;

 Ba là từ bỏ nói lời độc ác;

 Bốn là từ bỏ nói lời phù phiếm”.

Đó là việc nhìn nhận chánh ngữ ở phương diện tiêu cực. Từ một phương diện khác mang tính tích cực, đức Phật khuyến khích hành giả cần phải nỗ lực ở 4 phương diện:

 “- Ở đây, có người đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo. Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”; nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”; nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì.

- Người ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi. Nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không đi đến chỗ kia nói, để gây chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không đi nói với những người này, để gây chia rẽ ở những người kia. Như vậy người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

- Người ấy đoạn tận lời nói độc ác, từ bỏ lời nói độc ác. Người ấy chỉ dùng những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người.

- Người ấy đoạn tận lời nói phù phiếm. Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, lợi ích”.

Như vậy, chánh ngữ thực chất là lời nói xuất phát từ tình thương và tuệ giác. Nó mang tính chất chân thật và đưa tới sự đoàn kết, hòa hợp; lời nhu hòa, êm ái và cuối cùng là lời có ích thiết thực đối với đời sống chuyển hóa nội tâm.

Chánh Nghiệp

Bài liên quan

Con đường Bát chánh đạo của Phật tử Lê Phước Vũ

Chánh nghiệp là hành động đúng đắn, chân chính. Truyền thống Phật giáo thường hiểu chánh nghiệp là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Điều này có nghĩa là, trong Bát chánh đạo, chánh nghiệp chỉ chú trọng tới thân nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ vào tinh thần giáo pháp của đức Phật và thực tiễn, ta có thể mở rộng chánh nghiệp ở ba phương diện: thân, khẩu và ý.

Trong đó ý đóng vai trò quan trọng nhất. Chính tâm thức hay ý dẫn dắt các hành động của thân và khẩu.

Trong Kinh Pháp Cú có chép:

“Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động,

Khổ não bước theo sau

Như chiếc xe theo chân con vật kéo”.

” Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An lạc bước theo sau,

Như bóng không rời hình”.

Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ hành vi và ngôn ngữ. Tùy thuộc vào sự tác ý, tư duy của mỗi người mà gặt hái hoa trái hạnh phúc hay khổ đau. Do đó, thực tập chánh nghiệp chính là nuôi dưỡng tâm ý chân chính. Không tạo điều kiện, cơ hội cho thân, khẩu, ý hoạt động theo chiều hướng tiêu cực, nhiễm ô.

Chánh mạng

Bài liên quan

Chánh niệm trong cuộc sống

Chánh mạng là chi phần thứ ba thuộc về đạo đức trong Bát chánh đạo. Chánh mạng là sống bằng các phương tiện, nghề nghiệp, điều kiện sống chân chính. Nói rộng ra, chánh mạng là từ bỏ cuộc sống không trung thực, giữ và hướng cuộc sống của mình phù hợp với chánh pháp. Đối với người cư sĩ, chánh mạng là sống bằng các điều kiện có được từ các nghề nghiệp chân chính. Trong Phật giáo, những nghề nghiệp chân chính là những nghề không vi phạm vào các nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực tạo nên nhân cách cao thượng. Trong kinh Vinajjā, đức Phật cho biết có năm loại ngành nghề mà một người cư sĩ không nên tham gia vì chúng là tà mạng. Năm loại nghề nghiệp đó là:

“Buôn bán thịt,

Buôn bán người,

Buôn bán vũ khí,

Buôn bán rượu, các chất gây say, nghiện

Buôn bán chất độc”.

Nói cách khác, thực tập chánh mạng là tránh xa các nghề nghiệp nuôi sống có thể gây tổn hại đến cá nhân và tha nhân. Trong ý nghĩa đó, thực chất rất khó để có một bản liệt kê đầy đủ và chính xác các ngành nghề thuộc chánh mạng hoặc tà mạng. Bởi vì, trên thực tế, ranh giới thiện ác; tốt xấu rất mong manh. Không dễ để phân định rạch ròi nghề nghiệp nào hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Tốt – xấu, thiện – ác còn phụ thuộc vào thái độ, tâm lý, mục đích, động cơ của các hoạt động liên quan tới nghề nghiệp của cá nhân.

Tuy vậy, khi nhận thấy những nghề nghiệp nào có thể gây nguy hại tới bản thân mình, gia đình và xã hội thì ta biết chắc là nghề nghiệp đó không phù hợp với người Phật tử. Ngược lại, nghề nghiệp nào có thể mang tới lợi ích cho mình, gia đình và xã hội thì chúng ta nên lấy đó làm phương tiện nuôi sống. Vì đó chính là chánh mạng theo tinh thần của lời Phật dạy.

Đối với người tu sĩ, chánh mạng là sống đúng theo tiêu chuẩn nuôi sống của người xuất gia. Điều kiện để thực hành chánh mạng lý tưởng là thiết lập đời sống thiểu dục tri túc. Thiểu dục tri túc là sống biết đủ, biết chấp nhận những cái đang có để duy trì mạng sống nhằm mục đích tu học đạt tới an lạc, giải thoát. Thông thường, thiểu dục tri túc thường được hiểu như là cách sống đơn giản, vừa đủ đối với việc ăn, mặc, chỗ ở và Thu*c men, tức thiên về đời sống vật chất.

Bài liên quan

Cầu nguyện là chánh tín hay mê tín?

Thời đức Phật tại thế, các đệ tử của Ngài nuôi sống bản thân bằng cách khất thực. Ai cúng dường thứ gì thì các thầy ăn thứ ấy, dĩ nhiên là theo một số nguyện tắc nhất định. Chỗ ở cũng hết sức đơn giản, có khi là gốc cây, có khi là am thất bằng các vật liệu thô sơ. Càng về sau, điều kiện tu học càng phát triển, đời sống của tu sĩ có phần đầy đủ hơn. Tuy vậy đối với một tu sĩ chân chánh mà nói, vẫn phải sống trong điều kiện vừa phải và bằng các phương tiện chân chánh, chủ yếu là từ chế độ cúng dường từ các Phật tử tại gia. Các phương tiện khác như cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, truyền bá mê tín dị đoan, mai mối… xuất hiện trong đời sống sinh hoạt Phật giáo sau này là hoàn toàn không phù hợp với lý tưởng xuất gia của người tu sĩ, với bất kỳ lý do nào.

Đạo đức trong Bát chánh đạo là các giá trị được thiết lập trên nền tảng của sự tu tập, chuyển hóa thân, khẩu, ý thông qua thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Tuy vậy, sự hoàn thiện này không diễn ra một cách độc lập mà diễn ra đồng thời với các chi phần khác của Bát chánh đạo. Trong đó, chánh niệm, thuộc về thiền định, đóng vai trò then chốt trong Bát chánh đạo.

Minh Chính (TH)

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/dao-duc--thien-dinh--tri-tue-ba-nen-tang-an-lac-giai-thoat-i-d36696.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY