Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Dẫu không cân sức thì cuộc chiến vẫn phải tiếp diễn

(MangYTe) Người làm báo được xếp cạnh những thợ trèo cột điện cao thế, nhân viên lấy nọc rắn độc… trong TOP những nghề nguy hiểm. Nếu ai chưa hình dung được họ phải đối mặt với những nguy cơ gì, hãy bắt đầu bằng việc đọc lá thư của Tòa soạn Vietnam News, nơi có phóng viên vừa nhiễm Covid-19.

1. Ngày 30/3/2020, Việt Nam News (thuộc Thông tấn xã Việt Nam) đã đăng thư gửi bạn đọc, cho biết quyết định tạm dừng báo in khi một phóng viên của báo có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (Covid-19, SARS-CoV-2) hôm 29/3.

"Nhiều người đã tiếp xúc với cô tại cơ quan giờ sẽ phải cách ly tại các trung tâm y tế hoặc tại nhà riêng. Do đó, chúng tôi không thể mang đến cho bạn bản in, bản cứng của bản tin tiếng Anh như thường lệ. Chúng tôi chân thành xin lỗi và mong quý độc giả thông cảm trong thời điểm thử thách này", Việt Nam News viết.

Trước đó, ngày 29/3, Bộ Y tế công bố 14 ca bệnh Covid-19, trong số này có nữ phóng viên T.H. (43 tuổi) của Việt Nam News. Ngày 12/3, chị H. đã có cuộc phỏng vấn với một cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đến ngày 26/3, vị cựu đại sứ này có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Đến 29/3, chị H. có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, là bệnh nhân 183 ở Việt Nam.

Đáng chú ý, gần ngay sau cuộc phỏng vấn hôm 12/3, chị H. có đến cơ quan làm việc tại tầng 10 tòa nhà 79 Lý Thường Kiệt trong một số ngày, có tiếp xúc với các đồng nghiệp cùng phòng. Ngày 27/3, cơ quan chức năng đã khử trùng tiêu độc tại tòa nhà 79 Lý Thường Kiệt và khu vực có nhà riêng của chị H. ở Cầu Giấy, Hà Nội. Tòa nhà này cũng bị phong tỏa tạm thời lúc trưa 29/3 và sau đó gỡ bỏ quyết định phong tỏa cả tòa nhà, hiện chỉ còn phong tỏa tại một số khu vực có liên quan.

Chị H. mới là nhà báo đầu tiên của Việt Nam nhiễm Covid-19, nhưng đủ khiến dư luận xã hội giật mình, bởi ngoài lực lượng chức năng, nhà báo là những người bám sát cuộc phòng chống dịch Covid-19 nhất. Từ bệnh viên tới khu cách ly tập trung, từ nhà riêng của người về từ vùng dịch tới khu vực dân cư bị tạm thời phong tỏa… đâu đâu cũng có bóng dáng họ với ống kính, cây viết trên tay.

2. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, các nhà báo, phóng viên đã liên tục theo dõi, đưa tin về các ca mắc mới, các biện pháp phòng chống dịch... Họ đã có mặt ở các điểm nóng Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy... để tìm hiểu, kiểm chứng, xác minh thông tin, để đồng hành với các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ,...

Trước thông tin đồng nghiệp dương tính với Covid-19, nhà báo Minh Tân (báo Khoa học Phổ thông) lo lắng: "Nghề báo là nghề nguy hiểm. Thậm chí còn nguy hiểm hơn nếu là nhà báo, phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại vùng dịch, tâm dịch… để đưa thông tin đến bạn đọc, bởi trang bị phòng chống dịch của nhà báo, phóng viên thường không thể tốt bằng các nhân viên y tế".

Cũng theo nhà báo Minh Tân, hiện nay chưa có phụ cấp cho nhà báo, phóng viên trực tiếp làm việc ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như những người tham gia phòng chống dịch, là nhân viên y tế, quân đội, công an, cộng tác viên, tình nguyện viên... Nghị quyết 37/NQ-CP 2020 về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành ngày 29/3/2020 vừa qua cũng không thấy đề cập tới việc hỗ trợ người làm báo.

Việt Nam News đã phải tạm ngừng xuất bản báo in khiến việc phát hành quảng cáo gián đoạn, các nhà báo, phóng viên cũng ngay lập tức giảm nguồn thu, nhưng không thể ngừng lao động để đăng tải các tin tức, bài phân tích, bình luận có giá trị tới bạn đọc trên các nền tảng trực tuyến. Có nghĩa, Việt Nam News cũng như các cơ quan báo chí khác, nguy cơ các nhà báo, phóng viên bị nhiễm Covid-19 là luôn hiện hữu, bởi dòng chảy thông tin không thể dừng lại.

3. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn tiến khó lường trên toàn cầu, từ Trung Quốc sang khắp châu Á, châu Âu, Mỹ, Úc,… dẫn tới nhịp sống báo chí thế giới đảo lộn, các chuyên mục phụ gần như "đóng băng" nhường chỗ cho tin dịch bệnh. Tại Việt Nam, tình hình cũng không có khác biệt. Tuy vậy, không ít ý kiến chất vấn rằng: Tại sao thông tin dịch bệnh đã có Bộ Y tế và bộ phận truyền thông của các cơ quan hữu trách cập nhật hàng giờ, các nhà báo, phóng viên lại phải lao vào các ổ dịch, khu vực cách ly, phong tỏa?

Dễ thấy rằng công tác phòng chống Covid-19 đang được xem là một cuộc chiến, thì việc chạy đua thông tin trên nền tảng trực tuyến cũng là một cuộc chiến cam go không kém, khi tin giả, tin thất thiệt ào ạt, có thể xóa nhòa nỗ lực của các cơ quan hữu trách và cộng đồng. Báo chí, với khả năng và kỹ năng tìm hiểu, kiểm chứng, xác minh thông tin đang lãnh trách nhiệm đối đầu với những kẻ nằm nhà tung tin thất thiệt, giúp người dân vững tin hơn, cơ quan hữu trách bớt vất vả hơn trong rà soát, khoanh vùng, truy tìm và cách ly người nghi nhiễm, khu vực nghi nhiễm, thực hiện phòng, chống, dập dịch.

Như lá thư của Việt Nam News, tòa soạn báo cam kết rằng "trải nghiệm" này chỉ củng cố quyết tâm của báo để trở lại mạnh mẽ hơn, thì người làm báo giữa tâm dịch cũng vậy, khó khăn mất mát sẽ giúp họ thêm cẩn trọng, thêm quyết tâm trong trận chiến chống lại dịch bệnh, chống lại tin giả, tin thất thiệt, là những quà tặng cả về vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, an ninh, quân đội, tình nguyện viên… đang căng mình trên tuyến đầu chống dịch.

Dẫu biết, đó là cuộc chiến không cân sức.

Kiên Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/dau-khong-can-suc-thi-cuoc-chien-van-phai-tiep-dien-post75708.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY