12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Để bảo toàn tính mạng cho sản phụ

(SKGĐ) Thời gian gần đây nhiều trường hợp sản phụ tử vong do tai biến sản khoa khiến nhiều thai phụ và gia đình hoang mang như ngồi trên lửa. Điều khó chấp nhận với họ nhất là “Kết quả mọi lần siêu âm đều bình thường, cớ sao tử vong”. Sự thật, để mẹ tròn con vuông, xin các gia đình cũng đừng chỉ trông chờ vào những phiếu siêu âm.

 

Khám thai không chỉ siêu âm

Một thói quen của các bà bầu hiện nay là lùng xục, hì hục xếp hàng đợi vài tiếng, đặt hẹn bằng được các bác sỹ siêu âm nổi tiếng để xem hình thái thai, dị tật thai nhi nhưng lại quên mất việc cần khám thai. Chị Trần Ngọc Linh (Đội Cấn, Hà Nội) đang mang bầu ở tuần thứ 36 nhưng con số lần khám thai của chị thì lại vô cùng ít ỏi. Chị cho biết hầu hết các lần hẹn khám thai, chị chỉ chủ yếu là siêu âm thai xem em bé phát triển thế nào, có dị tật gì không, giới tính gì, bao nhiêu gram chứ chưa bao giờ đo vòng bụng hay đo khung chậu, khám phần phụ... Nếu quan sát tại các phòng khám thai, bạn dễ thấy cảnh các bà bầu xếp hàng la liệt vào siêu âm xong là về, có thêm màn thử nước tiểu, đo huyết áp nữa là cùng.

Thầy thuốc ưu tú, BS. CKII. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phụ trách Sản & Phụ khoa, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc (Hà Nội) nhấn mạnh thói quen các thai phụ chỉ quan trọng việc siêu âm thai chứ không để ý khám thai là rất nguy hiểm. Khám thai gồm đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, nghe tim thai, đo chiều cao tử cung, khám âm đạo, thử nước tiểu, đo vòng bụng, đo khung chậu... Khám thai giúp bác sỹ dự báo tình hình thai kỳ của cả mẹ con chính xác hơn, đặc biệt là tiên lượng cho cuộc sinh nở chính xác hơn.

Nếu thai phụ thấp dưới 150cm, khung chậu trung bình nhỏ thì chỉ nên sinh thường nếu cân nặng của thai nhi dưới 2,5kg, nếu sinh thường khi thai to hơn dễ dẫn tới mất cân xứng đầu chậu gây vỡ xương chậu và nguy hiểm cho con. Việc khám âm đạo trong suốt thai kỳ giúp phát hiện các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa để lường trước các vấn đề như vỡ ối sớm, sinh non do viêm nhiễm phụ khoa...

Viêm nhiễm phụ khoa có thể gây hại cho cả mẹ và thai nhi: Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai có thể truyền sang con, hay bệnh sùi mào gà ở thai phụ có thể gây chảy máu khó cầm, phải mổ lấy thai hoặc lây bệnh cho con trong quá trình sinh... Nếu mắc nấm, chlamydia, thai phụ có thể bị viêm màng ối, đẻ non, truyền nấm cho con...

Mổ - sớm hay muộn đều có nguy cơ cao

Thế nhưng thực tế, đang có nhiều người tin rằng  mổ sẽ an toàn, tránh tai biến sản khoa, vì thời gian qua nhiều ca sản phụ tử vong được cho là “mổ muộn”.

Thực tế hiện nay có hai xu hướng ngược nhau trong cách hành xử thái quá của bác sĩ sản khoa. Một là các bác sĩ thái quá trong việc “động tí là bắt mổ”. Hai là kiểu bác sĩ thái quá trong quan niệm đẻ thường là tốt nhất, gia đình sản phụ đề nghị được mổ cũng không đồng ý.

Mổ đẻ cũng có rất nhiều nguy cơ cho mẹ và bé. Tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trẻ tử vong từ lúc sinh ra cho đến 28 ngày sau sinh) ở các ca mổ lấy thai cao hơn so với các ca sinh thường. Tỷ lệ tử vong mẹ cũng tăng gấp bốn lần nếu mổ lấy thai so với sinh thường. Trong trường hợp mổ chủ động, tỷ lệ tử vong mẹ cũng tăng 2,84 lần so với sinh thường. Các ca có chuyển dạ rồi mới mổ lấy thai nguy cơ tử vong cao gấp 1,9 lần so với sinh thường; những trường hợp có suy hô hấp thì tử vong lên tới 2,6 lần.

Ngược lại thai quá to mà các bác sĩ vẫn để sinh thường thì nguy cơ vỡ khung chậu cao. Vì vậy khi mẹ có vấn đề sức khỏe (đái tháo đường, tử cung có sẹo, xương chậu hẹp, bệnh tim), thai có vấn đề (bất thường tim thai, bất thường khi theo dõi, thai ngược, co thắt tử cung kém, thai to), bạn hãy cầu viện tới mổ đẻ.

Để nắm rõ cả quá trình thai kỳ nhằm tiên lượng chính xác khi sinh, bạn nên chọn một bác sỹ khám thai từ đầu và chọn để đỡ luôn khi lâm bồn. Bởi họ chính là người nắm rõ tình hình sức khỏe thai kỳ của bạn nhất nên có thể tiên lượng chính xác các vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển dạ của bạn.

Thuyên tắc ối chỉ là hy hữu

Các ca sản phụ tử vong vừa qua, nhiều trường hợp được kết luận là thuyên tắc ối. Thuyên tắc ối có thể gọi là ba từ kinh hoàng nhất trong sản khoa vì có tỷ lệ tử vong rất cao lên tới hơn 90%. Biến cố xảy ra thường trong giai đoạn cuối của chuyển dạ, với cơn co tử cung mạnh và ối vỡ. Nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp, thai phụ sẽ bị đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu và tử vong. Nửa giờ trước khi xảy ra thuyên tắc ối, sản phụ có thể hoàn toàn khỏe mạnh. Tỷ lệ tử vong cao, thấp, nhanh chậm phụ thuộc rất lớn vào thành phần có trong nước ối.

Tuy nhiên thuyên tắc ối lại rất ít gặp. Tỷ lệ thuyên tắc ối ước tính 1/30.000 - 1/8.000 sản phụ trong thai kỳ. Chính vì vậy dù nó là một cơn ác mộng với cả bác sỹ và thai phụ nhưng các bà bầu không nên quá ám ảnh vì tỷ lệ vô cùng hiếm gặp này.

Hiện nay, trong các nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ, băng huyết là nguyên nhân hàng đầu với 41%; sản giật, tiền sản giật là 21,3%, nhiễm khuẩn sản khoa là 16,6%.

 Kinh nghiệm của những “mẹ tròn”

Chị Đào Thanh Mai (Kiểm toán viên, Hà Đông, Hà Nội): Yên tâm hơn khi có người nhà vào phòng sinh cùng.

Tôi đăng ký sinh dịch vụ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nên được cho người nhà vào phòng sinh. Tôi đề nghị chồng vào cùng. Tôi bị vỡ ối từ 2h sáng mà 8h sáng mới được cho lên bàn đẻ. Rồi bé Nhím nhà tôi lại bị suy tim thai. Các nữ hộ sinh thì chạy tán loạn đi tìm bác sĩ. May lúc đó có chồng tôi bên cạnh và giục tôi hít thở theo chồng: hít sâu vào, thở ra nhẹ nhàng. Đến khi bác sĩ vào tới nơi và đưa ra thang máy chuyển mổ cấp cứu thì tim thai đã ổn định. Lúc ấy mới thấy có chồng bên cạnh giá trị thế nào.

Chị Lê Lan Hương (Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM): Sinh con ở bệnh viện tư chất lượng cao

Mình chọn sinh con ở bệnh viện tư. Các bác sĩ ở đó dịu dàng lắm. Y tá chăm sóc mình nhẹ nhàng. Mà ở đó không có kiểu dúi tiền vào tay bác sĩ để tắm cho con hay để thay băng cho mình. Mình thấy yên tâm ngay từ khi vào viện. Lúc bác sĩ đưa con ra khỏi cơ thể, mình xúc động, khóc nấc lên, lại được bác sĩ vỗ về... Yêu ngày sinh ra con quá!

Chị Lại Ngọc Minh (Từ Sơn, Bắc Ninh): Tránh nơi quá tải

Theo tôi nếu bạn là thai phụ bình thường, không thuộc nguy cơ cao thì đơn giản chọn một nơi sinh con đừng quá tải. Những nơi được coi là chuyên môn tốt nhất thì luôn quá tải. Mặc dù hồ sơ của tôi cũng có dòng chữ “người nhà bác sĩ” và phong bì đầy đủ nhưng vẫn thấy bị bỏ mặc, hờ hững vì hóa ra có rất nhiều hồ sơ khác cũng có dấu “người nhà bác sỹ”. Bác sỹ quá bận nên không có thời gian quan tâm tới mình.

Bảo Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/de-bao-toan-tinh-mang-cho-san-phu-9983/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY