Mông xinh của bé kêu khổ
Làn da của bé vốn rất mỏng manh và nhạy cảm (da trẻ con mỏng gấp 5 lần da người lớn), chưa có nhiều khả năng chống lại vi khuẩn và các chất độc hại. Trong khi đó, để sạch và tiện cho người lớn thì các bé được (thực ra là bị) đóng bỉm thường xuyên. Vùng da phần mông của bé bị cọ xát với bỉm có thể gây trầy xước.
Ngoài ra, nếu bố mẹ không thường xuyên kiểm tra, thay tã, bỉm cho bé thì làn da non nớt của bé còn phải tiếp xúc lâu với phân và nước tiểu. Khiến da bị kích ứng và sinh ra hăm đỏ, đau rát. Ban đầu lớp da tại vùng tiếp xúc sẽ hơi đỏ, nặng hơn có thể nứt nẻ, đóng vẩy và có thể dẫn tới mưng mủ ở khu vực da bị hăm.
Tắm xong chưa lau khô đã vội quấn tã ngay cũng có thể khiến da bé bị hăm. Trường hợp dùng tã vải, bé có thể bị hăm do phản ứng với các hóa chất trong bột giặt đã sử dụng để giặt giũ, hoặc là thuốc tẩy vải.
Các bé bị tiêu chảy cấp sau 2-5 ngày cũng thường xuất hiện các triệu chứng của hăm da. Mẹ sẽ thấy ở vùng quấn tã, xung quang bộ phận sinh dục da của bé bị đỏ lên, kèm theo mùi khai. Các đốm đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan dần ra tới mông và đùi. Da vùng quanh hậu môn có màu đỏ tươi, sau thành loét đỏ, chảy nước, chảy máu, diễn tiến có mủ. Cảm giác đau rát ở vùng bị hăm khiến bé quấy khóc nhiều, kém ăn, khó ngủ.
Vì vậy, bố mẹ nên điều trị tích cực ngay khi bệnh mới chớm hoặc tốt nhất là phòng ngay từ đầu để bảo vệ mông xinh cho bé.
Ảnh minh họa |
Đa dạng thuốc trị hăm
Các bậc phụ huynh khi tìm hiểu thị trường thuốc chống hăm, trị hăm cho bé rất dễ bị “choáng” trước sự đa dạng của nó. Có rất nhiều sản phẩm với nhiều tên gọi khác nhau nhưng có thể quy thành các dạng như sau: bột, kem, nước, hồ, mỡ….
Các sản phẩm trị hăm đều có chung một cơ chế là chủ động tạo một lớp màng bảo vệ để ngăn cách da bé khỏi các tác nhân kích ứng từ phân và nước tiểu. Nhưng mỗi loại lại có những đặc tính riêng. Vì vậy bố mẹ cần nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn thuốc chống hăm cho bé để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Các sản phẩm chống hăm dạng kem và dạng nước có chung đặc điểm là đều thuộc dạng bào chế dầu trong nước, chỉ khác nhau ở tỷ lệ giữa dầu và nước mà phân ra dạng kem hay dạng nước. Hai loại này dễ tan trong nước nên sẽ tan theo nước tiểu của chính bé nên khi bé tè thì lớp màng bảo vệ cũng bị trôi theo.
Ngoài hai dạng trên thì còn có thuốc chống hăm dạng bột, mà phấn rôm là một ví dụ. Trước đây phấn rôm được sử dụng khá phổ biến, nhưng thời gian gần đây các loại phấn rôm gần như không mấy được tin dùng.
Lý do là có một số nghiên cứu khoa học cho thấy thoa phấn rôm gia tăng tình trạng bí bức cho da bé, đồng thời các phân tử phấn rời rạc không tạo thành lớp màng bảo vệ, tạo khoảng trống cho các enzyme trong chất thải xâm nhập vào da bé.
Chưa kể, phấn rôm thường bị vón cục khi gặp mồ hôi, gây bít lỗ chân lông. Ngoài ra trong các loại phấn rôm còn chứa chất tạo mùi, dễ gây kích ứng làn da. Các hạt phấn li ti dễ gây nguy hiểm cho phổi khi bé hít phải hoặc có thể rơi vào mắt bé.
Theo BS. Nguyễn Thị Thanh, trưởng khoa Dịch vụ I, Bệnh viện Nhi đồng II, “trong các loại thuốc chống hăm thì thuốc chống hăm dạng mỡ được ưu tiên sử dụng hơn vì có khả năng tạo lớp màng bảo vệ da bé khỏi tác nhân gây kích ứng hiệu quả.
Ngoài ra, sản phẩm rất lành tính do không chứa chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản. Bố mẹ có thể sử dụng thuốc mỡ hàng ngày để phòng ngừa cho bé”. Thuốc mỡ có tỷ lệ dầu – nước khá thích hợp, ít tan trong nước nên giúp thuốc lưu lại trên da lâu hơn, giữ lớp màng ngăn bảo vệ hiệu quả hơn.
Để an toàn mẹ nên chọn loại kem chống hăm hữu cơ (organic cream) dịu nhẹ với làn da bé. Loại kem này có thể chứa calendula (chất được chiết xuất từ cúc vạn thọ). Tuy nhiên, nếu những nốt hăm đỏ nặng hơn nên tìm kem chống hăm có chứa kẽm. Không chỉ tốt cho da, kem chống hăm chứa kẽm còn bảo vệ làn da bị thương khỏi tác động của nước tiểu hay phân.
Xử lý đúng cách khi bé bị hăm
Khi thoa thuốc chống hăm cho bé, mẹ cần chú ý không dùng lại ngón tay đã chạm vào vùng da bị hăm để tiếp tục lấy kem từ lọ, tuýp kem; mà nên sử dụng một ngón khác.
Thỉnh thoảng hãy để cho da bé được “thở” bằng cách không đóng bỉm cho bé, nhằm tạo điều kiện cho da bé tiếp xúc với không khí. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn. Mẹ cũng không nên quấn tã quá chặt sẽ khiến cho tình trạng hăm tăng nặng.
Bên cạnh sử dụng các loại thuốc chống hăm, mẹ có thể áp dụng các biện pháp dân gian như rửa cho bé bằng nước lá chè xanh, nước lá trầu không hoặc nụ vối đã được đun sôi, để ấm vừa.
Trường hợp bé bị hăm tã kéo dài trên 5 ngày mà các biện pháp vệ sinh sạch sẽ, thay tã, bỉm thường xuyên, bôi thuốc chống hăm không giúp giảm tình trạng hăm, kèm thêm một trong các triệu chứng dưới đây, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn:
- Trẻ bị sốt
- Trẻ bị nổi nhiều mụn mủ
- Vùng hăm tã da đỏ tấy, có khuynh hướng lan rộng
- Trẻ có tiêu chảy.
Hăm tã, bỉm có liên quan đến chế độ ăn Các loại thực phẩm bé ăn hàng ngày cũng là yếu tố góp phần khiến trẻ dễ bị hăm hơn. Bởi một số loại thực phẩm có thể làm thay đổi thành phần phân của bé, khiến da dễ bị hăm hơn khi tiếp xúc với phân. Loại bỏ một số thức ăn có tính axit cao như quả mâm xôi, việt quất, cam, cà chua… có thể giúp tình trạng hăm của bé được cải thiện. Với những trẻ đang bú mẹ, mẹ cũng cần chú ý đến chế độ ăn của mình để tránh những thực phẩm nói trên. |
Bảo Anh
Chủ đề liên quan: