Sức khỏe hôm nay

Để con hết nhức mỏi chân về đêm

(SKGĐ) Ở độ tuổi phát triển nhanh về thể lực, đặc biệt là chiều cao, nhiều trẻ thường than thở bị nhức mỏi chân tay về đêm khiến cha mẹ lo lắng.

Mẹ ơi con mỏi chân!

Chị Nguyễn Thị Mây ở Q.Tân Bình, Tp.HCM có con gái 9 tuổi. Thời gian gần đây bé Lan nhà chị thường kêu nhức mỏi hai chân về đêm, tối đi ngủ cứ đòi mẹ xoa bóp. Ban đầu chị nghĩ đó là do con gái phải đi bộ đến trường và chạy nhảy nhiều nên chỉ xoa bóp qua loa một lúc rồi bảo con ngủ. Nhưng hơn một tuần nay, hầu như đêm nào bé Lan cũng than mỏi chân và dù mẹ đã chịu khó xoa bóp rất lâu nhưng bé vẫn thút thít khóc than đau và không ngủ được. 

Sau mấy đêm mẹ mất ngủ, con cũng mất ngủ, chị Mây bắt đầu lo lắng mang con đi khám ở một số nơi nhưng các bác sĩ đều bảo không có gì nghiêm trọng. Đó chỉ là hiện tượng nhức mỏi chân tay do bé đang ở giai đoạn phát triền chiều cao mà thôi.

Bé Nam nhà chị Hằng ở Sóc Sơn, Hà Nội, năm nay Nam 10 tuổi cũng được mẹ đưa đến Viện Nhi Trung ương khám vì thường xuyên kêu than nhức mỏi tay chân trước lúc đi ngủ. Nhiều lần Nam nói với mẹ là bị đau ở bắp chân, cổ chân, còn các khớp thì không. Lắm đêm, đang ngủ chị Hằng cũng phải dậy xoa dầu vì con bị đau không ngủ được. Sau khi chụp X-quang và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân các bác sĩ kết luận do trong quá trình phát triển của xương các chất cần thiết của xương như sắt, canxi không được cung cấp kịp thời nên trẻ thường xuyên đau nhức ở cẳng chân, cánh tay.

Đừng quá lo lắng

BS. Vũ Văn Thân, nguyên là cán bộ công tác tại Học viên Quân y cho biết: Trẻ bị mỏi chân liên quan tới quá trình tạo xương và phát triển chiều cao của trẻ nhỏ. Quá trình này diễn ra theo những giai đoạn khác nhau của trẻ nhỏ. Ở giai đoạn đầu mà mạnh nhất là từ 5-7 tuổi và lúc dậy thì, xương và chiều cao của trẻ sẽ phát triển nhanh nhất, đặc biệt là xương ở các chi nên trẻ có cảm giác mỏi chân, buồn bực, khó chịu. Giai đoạn tiếp theo xương vẫn phát triển bình thường nhưng chậm hơn và kết thúc vào khoảng 20-25 tuổi. Thời điểm này do xương phát triển chậm, cộng với sức đề kháng của cơ thể tốt hơn nên chân không còn cảm giác đau nhức như các giai đoạn trước.

Triệu chứng nhức mỏi chân tay có thể xuất hiện sớm ở những trẻ hiếu động, chạy nhảy nhiều làm các cơ hoạt động quá mức. Khi đó, cần tránh những tổn thương do va đập hay viêm nhiễm cho trẻ nếu không có thể dẫn đến gãy xương hoặc bong gân... Ngoài ra nhức mỏi chân tay về đêm ở trẻ còn xuất hiện ở những trẻ có xương phát triển quá nhanh so với hệ cơ. Một khi hệ cơ phát triển không “theo kịp” (xương dài ra nhưng các sợi dây cơ chạy dọc theo ống xương không dài bằng sẽ gây đau bắp, bụng chân, tay hay còn gọi là đau cơ. Ở cả hai trường hợp này, các phụ huynh cần chú ý bổ sung thêm các vi chất cần thiết cho sự phát triển của xương và hệ cơ như: sắt, canxi… cho trẻ để hạn chế triệu chứng nhức mỏi tay chân.

Nhiều bậc phụ huynh đã rất lo lắng vì không hiểu sao vào ban ngày con mình vẫn chạy nhảy nô đùa bình thường, chẳng nghe kêu nhức mỏi, nhưng cứ về đêm, cứ gần giờ đi ngủ là bắt đầu kêu khóc. Trẻ thường nhức mỏi vào ban đêm vì đó là thời điểm xương phát triển nhanh nhất trong ngày.

Bác sĩ Thân khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi con bị đau chân vì đây là giai đoạn phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Tuy vậy, nếu trẻ bị nhức mỏi chân kèm theo các triệu chứng bị sụp mi mắt (một hoặc hai bên) có thể là bệnh nhược cơ. Nếu trẻ bị đau vùng thắt lưng kéo dài, đau cả vùng xương chậu và xương cụt, đau khi ngồi lâu, cứng và tê xuống hai chân… hoặc sau khi đã bổ sung đủ chất trong một thời gian dài mà trẻ vẫn có dấu hiệu bất thường thì phải mang trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được khăm khám.

Một số cách giúp phát triển xương tốt

Xây dựng thói quen ăn uống cho trẻ: Trẻ có thói quen không tốt là hay kén ăn và chỉ thích riêng món nào đó. Đối với những trẻ kén ăn, các bậc phụ huynh không nên bắt ép mà nên kiên trì giúp trẻ dần bỏ thói quen ăn uống bất hợp lý. Không nên để trẻ có thói quen chỉ thích ăn một loại đồ. Điều này sẽ khiến hệ tiêu hóa của trẻ mất cân bằng, gây ra tình trạng thiếu chất làm ảnh hưởng đến phát triển chiều cao.

Tăng cường hoạt động thể lưc: Trẻ nhỏ sẽ ăn uống, hấp thụ và tiêu hóa các dưỡng chất tốt hơn khi thường xuyên vận động. Vận động nhiều cũng làm cho xương rắn chắc, phát triển cân đối hơn. Ngoài ra, giấc ngủ của trẻ cũng sẽ sâu hơn sau mỗi khi luyện tập sức khỏe. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên để trẻ vận động quá sức.

Ngủ đúng giờ giấc: Xương phát triển nhanh là nhờ các hormon tăng trưởng, sau 10 giờ đêm lượng hormon được tiết ra nhiều nhất. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp não kích thích hormon tăng trưởng. Vì vậy nên để trẻ ngủ đúng giờ, tuyệt đối không để trẻ thức khuya.

Bổ sung khoáng chất

Phụ huynh cần bổ sung cho trẻ những chất dinh dưỡng cần thiết như: canxi, phospho, magiê, vitamin A, B, C, D… khi trẻ đang ở trong độ tuổi phát triển chiều cao. Đây là những nguyên tố rất quan trọng giúp xương phát triển nhanh và chắc chắn.

Nắm bắt thời gian phát triển của trẻ

Chiều cao của trẻ tăng nhanh nhất vào khoảng tháng 4-5 hàng năm, trung bình đạt 7,3cm. Chiều cao của trẻ thường tăng chậm nhất vào tháng 10 hàng năm, trung bình chỉ đạt 3,3cm. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo thời gian này để chăm sóc trẻ tốt nhất.

Loan Trần

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/de-con-het-nhuc-moi-chan-ve-dem-7461/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY