Tâm sự hôm nay

Để không đổ bệnh trong “tháng ăn chơi”

Mùa lễ hội, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân thường bận rộn với kế hoạch vui chơi, tiệc tùng, lễ hội...

Tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt đó, chúng ta thường quên rằng cơ thể vẫn cần được bổ sung dinh dưỡng để duy trì sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những tư vấn hữu ích giúp mỗi người nâng cao sức khỏe, tránh bệnh tật “ghé thăm”.

Để không đổ bệnh trong “tháng ăn chơi”PGS.TS. Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Đừng để “no dồn đói góp”

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, bình thường chúng ta có thói quen ăn uống tối thiểu 3 bữa 1 ngày. Nhưng ngày lễ tết thì “no dồn đói góp”, thay đổi bữa ăn, thành phần cơ cấu bữa ăn nên thay đổi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ví dụ vui quá thì ăn nhiều, hoặc mải vui quên ăn... nên cơ thể phải dùng chất dinh dưỡng dự trữ để sử dụng, cung cấp liên tục để cơ thể vận hành được.

Cho nên việc thay đổi thói quen ăn uống ảnh hưởng đến cơ thể, từ cung cấp và đào thải các chất dinh dưỡng. Với người có bệnh mạn tính thì ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nói chung và bệnh mạn tính nói riêng.

Ăn uống khoa học, hợp lý

Người xưa có câu, “vui như tết”, “vui như hội” nhưng muốn vui thì phải khoẻ mà muốn khỏe thì phải ăn uống đúng cách. Và trong những ngày lễ tết thì ăn thế nào cho khoa học, hợp lý là điều cần được lưu tâm. Theo chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS. Lê Bạch Mai, nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý không thể vì ngày lễ tết mà bị phá vỡ. Không phải vì lễ tết mà chúng ta lãng quên chính bản thân mình.

Chúng ta vẫn cần cung cấp đủ các chất đạm, béo, đường, bột đường, vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng cần cân đối năng lượng và chất sinh năng lượng, tránh quá tải bộ máy tiêu hóa, cân đối chất đạm động vật và thực vật với tỉ lệ 50/50. Ngày Tết đừng vì có nhiều chất béo từ động vật mà lãng quên chất béo từ thực vật (như trong đậu nành...).

Bên cạnh đó cần cân đối vitamin và chất khoáng để không làm giảm nguồn canxi, giữ cơ thể cân bằng... Nên duy trì thói quen uống sữa hàng ngày, cân bằng canxi và phốt pho...

Theo các chuyên gia, nguy cơ mắc bệnh mùa lễ hội thường xuất phát từ chế độ dinh dưỡng không điều độ, mất cân đối, ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, nhiều đạm, thực phẩm nhiều đường ngọt (như: bánh kẹo, nước ngọt) thậm chí sử dụng rượu bia triền miên. Trong khi đó lại “bỏ quên” những thực phẩm có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp như: Rau xanh, quả chín.

Thay vì quan tâm số lượng, hãy chú ý chất lượng bữa ăn

PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh, chúng ta không chỉ quan tâm đến số lượng bữa ăn, mà cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn, cung cấp dinh dưỡng đủ để cơ thể duy trì lao động trí óc, vận động hàng ngày. Nhớ là không nên bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng vì điều này sẽ làm mất đi thói quen thường ngày, nhất là với bệnh nhân đái tháo đường khiến đường huyết hạ thấp phải dùng đường dự trữ trong cơ thể. Khi cơ thể điều hòa không còn bình thường nữa thì dễ gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe...

Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, chú ý không ăn nhiều trong bữa tối dẫn đến quá tải bộ máy tiêu hóa...

Dự trữ thức ăn: Tiện lợi nhưng phải bổ dưỡng

Rất nhiều chị em nội trợ thường có thói quen mua đồ trữ trong tủ lạnh để khỏi tốn nhiều thời gian đi chợ, khi cần ăn gì chỉ mang ra chế biến. Nhưng cũng cần lưu ý đến cách trữ đồ trong tủ lạnh như thế nào để vẫn đảm bảo dưỡng chất. Về vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng: Ăn thực phẩm tươi là tốt nhất nhưng trong thời đại bận rộn thì nhiều người bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cho tiện lợi. Cần chú ý để riêng đồ chín và sống; dùng dụng cụ bảo quản phù hợp. Thực phẩm protein thì nên bảo quản ngăn đá, không nên để ngăn mát.

Nên để miếng bé vừa ăn, phù hợp với lượng ăn để tránh rã đông rồi tái đông trở lại một lượng lớn thức ăn.

Rau không để quá 2 ngày vì sẽ mất đi vitamin và chất khoáng.

Thực phẩm chế biến rồi để trong tủ lạnh thì trước khi ăn cần đun lại sôi để tránh ăn phải thực phẩm mất an toàn. Đồ ăn sẵn cần chú ý đến hạn sử dụng...

Chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để tránh vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong mùa lễ hội, PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo người dân nên chọn ăn những thực phẩm vốn đã quen thuộc, đừng dùng thực phẩm lạ để tránh dị ứng, đảm bảo an toàn.

Khi đi lễ hội, du lịch, có thể chuẩn bị một số món ăn mang đi, nhưng thường thức ăn nếu để quá 2 giờ là đã mất ATVSTP rồi nên người dân cũng cần chú ý.

Bên cạnh đó cần lựa chọn đồ uống có nguồn gốc, uy tín, xem lượng phù hợp với năng lực tiêu thụ đồ uống của bản thân để bảo vệ đường tiêu hóa. Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sẵn, uy tín có thể mang theo để nếu lỡ bữa thì có thể dùng.

Trong mỗi chuyến đi cũng nên chuẩn bị sẵn oresol mang theo suốt hành trình, bất kỳ trường hợp tiêu chảy nào cũng dùng được. Thứ hai là kẽm, có thể bổ sung cho cơ thể khi bị vấn đề về tiêu chảy. Chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề phòng bệnh, chủ động bảo đảm an toàn từ trước.

Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, người dân hãy cùng thực hiện:

1. Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn thêm các bữa phụ để đảm bảo năng lượng và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Với trẻ dưới 2 tuổi, duy trì chế độ bú mẹ kết hợp với các bữa ăn bổ sung hợp lý theo hướng dẫn.

2. Tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: Thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, đậu đỗ,... để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

3. Ăn nhiều rau quả tươi các loại như: Rau lá có màu xanh đậm, củ quả có màu vàng và đỏ, quả chín. Rau quả cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng khả năng đề kháng chống lại nhiễm khuẩn.

4. Không ăn kiêng nếu không có chỉ định của thầy Thu*c, cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong 1 bữa và trong 1 ngày.

5. Hạn chế ăn các thực phẩm có hại cho cơ thể (thực phẩm ăn liền; thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều mỡ động vật, đường, hoặc nhiều muối; thực phẩm để quá lâu không còn tươi...). Đảm bảo thức ăn phải được nấu chín và tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu.

6. Uống đủ lượng nước theo nhu cầu (mỗi ngày từ 2 - 2,5lít, ít nhất 1,5 lít), nên uống nước ấm. Chú ý không chờ tới lúc khát mới uống, thay vào đó uống thường xuyên mỗi lần một chút cho vừa đủ.

7. Với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già có thể sử dụng thêm các loại đa vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất, bột đa vi chất) hoặc các sản phẩm được làm giàu dinh dưỡng khác theo tư vấn của nhân viên y tế.

8. Bảo quản thực phẩm sống, chín trong các dụng cụ chứa khác nhau và ở các vị trí khác nhau.

9. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Không sờ tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế nhiễm mầm bệnh.

10. Duy trì vận động và các hoạt động thể lực. Hạn chế uống rượu bia, tránh tụ tập đông người để phòng nhiễm bệnh.


Lê Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/de-khong-do-benh-trong-thang-an-choi-n186459.html)

Chủ đề liên quan:

ăn chơi bệnh tr đổ bệnh không đ

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY