Thực tế cho thấy nhiều gia đình vẫn còn thờ ơ trước sự hiện diện của ruồi, muỗi, gián, kiến, mối... trong ngôi nhà của mình. Thậm chí có người cho rằng “gián là biểu tượng của tiền, của sự giàu có”. Cũng có trường hợp muốn diệt côn trùng tận gốc nhưng nhiều gia đình không tìm được kết quả như ý. “Tôi đã dùng nhiều biện pháp để trừ gián (long não, phèn chua…) nhưng không ăn thua gì. Vắng bóng được vài ngày là thấy chúng lại xuất hiện”, chị Thu Hồng (Q.Bình Thạnh, Tp.HCM) chia sẻ.
Khi không mang mầm bệnh (virus, ký sinh trùng…) côn trùng là nguyên nhân mang đến nhiều phiền toái cho cuộc sống (muỗi, kiến, gián …) và đôi khi còn gây thiệt hại đến tài sản của gia đình bạn (mối). Khi chúng mang mầm bệnh, côn trùng trở thành vật chủ trung gian truyền một số bệnh dịch nguy hiểm (sốt rét, sốt xuất huyết…). |
Đuổi côn trùng không quá khó
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, ô nhiễm môi trường và tốc độ đô thị hóa cao đã dẫn đến môi trường sống của nhiều loại sinh vật bị xâm hại, trong đó có côn trùng khiến chúng có xu hướng xâm nhập vào khu vực dân cư, nhà ở để tìm chổ trú ẩn.
Hầu hết các loại côn trùng đều thích trú ẩn ở những nơi tối tăm, ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém. Do đó, nếu ngôi nhà của bạn không được thường xuyên quét dọn, thức ăn trong khu bếp không được che đậy cẩn thận; bụi rậm xung quanh nhà không được dọn dẹp thường xuyên… thì đó là một trong những nguyên nhân để côn trùng chọn nhà bạn làm nơi trú ngụ, và một khi chúng đã định cư thì bạn thật khó để đuổi chúng đi hết.
Ảnh minh họa |
Để đảm bảo cho ngôi nhà của bạn sạch và hết côn trùng thì điều quan trọng nhất là hãy thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong gia đình; thức ăn và thùng rác thực phẩm phải được che đậy cẩn thận; các khe hở, vết nứt trên tường phải được lấp kín; thường xuyên kiểm tra các đường ống thoát nước, nếu phát hiện có sự rò rỉ thì phải sửa chữa ngay, phát quang bụi rậm... và có kế hoạch phun thuốc diệt côn trùng đúng cách khi cần thiết.
Thời điểm thích hợp để phun thuốc diệt côn trùng
- Để phòng chống bệnh do côn trùng truyền, nên tổ chức phun hóa chất diệt chúng trước mùa truyền bệnh (có thống kê) khoảng 1 tháng dưới sự giám sát của cán bộ y tế. Nên phun định kỳ hàng năm để phòng chống an toàn, không nên đợi đến lúc có dịch lây lan mới phun thuốc diệt.
- Đối với phòng chống bảo vệ cá nhân và gia đình thì thời điểm phun tốt nhất là đảm bảo mọi người ra khỏi nhà trong thời gian ít nhất 1 tiếng sau khi phun thuốc. Thời gian hiệu lực bảo hành cho các yêu cầu phun thuốc không có mùi tương tự như việc phun kết hợp với thuốc có mùi (tối thiểu 03 tháng).
- Trung bình từ 4-6 tháng nên phun thuốc diệt côn trùng một lần.
Ảnh minh họa |
Phun thuốc diệt côn trùng an toàn
- Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn chai hóa chất diệt côn trùng hoặc theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Nên đeo khẩu trang, găng tay trong quá trình phun thuốc.
- Khi phun thuốc, nên để khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi hãy mở cửa cho thoáng khí.
- Nên áp dụng cách phun giật lùi theo khoảng cách 0,5-1m để tránh thuốc bay vào mắt.
Những lưu ý: - Chỉ nên mua hóa chất diệt côn trùng của những nhà sản xuất có thương hiệu và được phép lưu hành của Bộ Y tế. Không nên mua hóa chất diệt côn trùng không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. - Khi xịt thuốc nên đậy kín thức ăn nước uống, phủ kín bàn ghế, giường tủ… - Đưa người nhà ra ngoài khi phun hóa chất diệt côn trùng. Chỉ để người thân trở về nhà ít nhất là 1 tiếng đồng hồ sau khi phun thuốc. - Sau khi phun thuốc cần lau rửa bàn ghế, lau dọn những vết hóa chất diệt côn trùng còn sót lại. Lưu ý dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng. |
P. Hậu (thực hiện)
Bài viết được thực hiện với sự cố vấn của
Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Tp.HCM
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: