12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Đề phòng với VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN khi thời tiết chuyển lạnh, hanh khô

Viêm đường hô hấp trên là một bệnh phổ biến và không gây nguy hiểm tức thì nhưng có thể nặng thêm lên ở những đối tượng dễ mẫn cảm, gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

Theo BS. Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y): Bệnh viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông, mùa hanh khô, trùng với mùa của bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu thường là trẻ em. Tính trên toàn thế giới, hàng năm có hàng triệu trẻ em mắc bệnh.

Bên cạnh đối tượng là trẻ em, những người dễ mẫn cảm với viêm đường hô hấp trên bao gồm người bị bệnh bạch cầu (leukemia), suy tủy, suy giảm miễn dịch sau ghép tạng, điều trị ức chế miễn dịch ở những bệnh tự miễn, HIV… Vì thế, ở những đối tượng này cần được chăm sóc dự phòng, đặc biệt vào mùa lạnh, mùa hanh khô.

Thủ phạm nào gây viêm đường hô hấp trên?

Bằng những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học, người ta thấy đa phần nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên là các virus. Ngoài ra, chúng ta có thể gặp các nguyên nhân khác như vi khuẩn, nấm, bụi, khí độc.

Có thể kể ra đây một số loại virus điển hình như: virus Rhino, Corona, Á cúm Parainfluenza, Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV.

Một số loại vi khuẩn cũng thường gặp trong bệnh viêm đường hô hấp trên là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm...

Ảnh minh họa

Chớ coi thường viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp trên bao gồm các bộ phận: mũi, hầu, họng, xoang và cả thanh quản.

Các biểu hiện bệnh viêm hô hấp trên như: cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp.

Bệnh được chia thành 2 loại:

- Viêm đường hô hấp trên cấp tính: Triệu chứng đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao và rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi (nhất là trẻ em). Bệnh nhân còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn.

- Viêm đường hô hấp trên mạn tính: Khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ chuyển thành mạn tính. Triệu chứng là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi. Đặc biệt ở trẻ em, nước mũi chảy thường xuyên một hoặc cả hai bên mũi.

Virus là nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm đường hô hấp trên. Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau: có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra).

Trong đa số các trường hợp, các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường tự khỏi trong 1-2 tuần. Viêm đường hô hấp trên là tình trạng nhẹ nhất trong các bệnh lý hô hấp. Tuy nhiên, nếu không điều trị, kiểm soát kịp thời, bệnh sẽ không chỉ dừng ở viêm đường hô hấp trên mà còn viêm nhiễm xuống đường hô hấp dưới hay viêm nhiễm sang các cơ quan khác…

Điều trị viêm đường hô hấp trên

Cho đến nay, bệnh viêm đường hô hấp trên đã có nhiều phương án điều trị. Nhưng vì chủ yếu là do virus gây ra nên tất cả những phương án đó đều là những phương án điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên.

Viêm đường hô hấp trên đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Mặc dù các bệnh này có mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là những căn bệnh phổ biến nhất khiến chúng ta phải ngừng lao động và trẻ em thì không thể đến trường và có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.

Các thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm dòng NSAID nhằm ngăn chặn sốt quá cao và tai biến co giật do sốt cao.

Thuốc kháng histamin nhằm ngăn chặn giải phóng quá nhiều chất trung gian hóa học gây viêm do cơ chế phản ứng đôi khi là quá mức.

Còn lại là dựa vào sức đề kháng của người bệnh và chờ cho đến khi cơ thể tự đào thải virus.

Đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp trên

Với chứng bệnh này, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu để ứng phó. Vì đây là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nên phải:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

- Giữ đôi bàn tay luôn sạch sẽ (rửa tay bằng xà phòng) khi ăn uống sẽ loại trừ virus khỏi bàn tay. Do đó virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp.

- Đeo khẩu trang cách ly với mầm bệnh.

- Tránh làm việc, học tập trong môi trường nhiệt độ quá cao.

- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, mưa…

Tất cả những cách dự phòng trên, tuy đơn giản nhưng lại giúp phòng tránh tốt với những bệnh thuộc về hệ hô hấp.

Ăn sữa chua giảm nguy cơ mắc các bệnh

Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều chuyên gia nước ngoài đã khẳng định hiệu quả của sữa chua trong việc giúp con người tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp trên. Với trẻ em, sữa chua không những không gây viêm họng hay lạnh bụng mà còn có thể giúp trẻ ngăn ngừa các chứng bệnh này nếu phụ huynh cho con ăn sữa chua đúng cách (lấy sữa chua khỏi tủ lạnh và cho trẻ ăn ở nhiệt độ thường).

T.H

Theo tạp chi Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/de-phong-voi-viem-duong-ho-hap-tren-khi-thoi-tiet-chuyen-lanh-hanh-kho-8410/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY