12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Để táo bón không còn là nỗi lo

(SKGĐ) Dù không nguy hiểm, nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, táo bón sẽ trở thành mãn tính và dẫn đến nhiều bệnh khác, đặc biệt là bệnh trĩ.

Lười, chủ quan thành ra bệnh trĩ

Chị Hoàng Thị Lan (35 tuổi ở Tân Phú, Tp.HCM) là công nhân khu công nghiệp Tân Bình được 3 năm nay, do đặc trưng công việc nên chị thường có thói quen “nhịn” đi vệ sinh để không gián đoạn việc đang làm. Việc nhịn đi vệ sinh (nhất lòa đi ngoài) lâu dần khiến chị Lan bị táo bón kinh niên. Chị thường xuyên không có nhu cầu đi ngoài suốt 3-4 ngày liền, đến lúc muốn đi thì lại đi rất khó khắn và thường phải mất đến cả chục phút kèm theo cảm giác đau rát, đôi khi chị còn đi ngoài ra cả máu.

Vì bận bụi công việc nên chị cũng mặc kệ các triệu chứng trên và không đi khám. Nhưng gần đây, chị hay bị ngứa ngáy, đau hậu môn, mỗi lần đi vệ sinh lại sợ xanh mặt vì thấy máu tươi nhỏ giọt, cơ thể thì luôn ở tình trạng mệt mỏi, da mặt xanh xao… Mạnh dạn đi khám, bác sỹ kết luận chị Lan bị trĩ nội, độ II, cần điều trị bằng thủ thuật chích xơ kèm thuốc uống và thuốc bôi.

Bác Nghiêm Văn Hòa (60 tuổi ở Q.4, Tp.HCM) cũng bị táo bón gần 5 năm nay nhưng chưa 1 lần nào chịu để con cháu đưa đi khám. Bác chủ quan cho rằng đó là bệnh người già, khám chữa làm gì cho tốn kém, để tiền đấy cho bác bồi bổ sức khỏe còn hơn. Không biết có phải vì bác bồi bổ nhiều dưỡng chất quá không mà mỗi lần đại tiện bác phải ôm cái nhà vệ sinh đến 30 phút, có khi cố rặn nên chảy cả máu.

Vợ và các con bác Hòa cũng mua thuốc nhuận tràng và thường xuyên nấu những món ăn mát để bác tiêu hóa tốt hơn. Nhưng vốn chỉ thích ăn thịt, lười ăn rau, củ, quả nên thuốc nhuận tràng cũng chẳng có tác dụng gì. Tình trạng táo bón lâu ngày của bác Hòa đã biến chứng sang thành bệnh trĩ, bác cũng lờ mờ nhận ra vì mỗi lần đi vệ sinh, búi trĩ xa ra cả ngoài hậu môn, khiến bác rất khó chịu. Gần đây, máu tươi thường xuyên ra theo phân, lại kèm đau lâm râm vùng bụng dưới khiến cả nhà rất lo lắng. Đến khi đi khám và soi trực tràng, bác Hòa mới tá hỏa khi bác sĩ kết luận: trĩ nội - ngoại hỗn hợp độ III - IV, phải nhập viện ngay để phẫu thuật cắt búi trĩ.

Thay đổi lối sống

Lưu ý

- Hạn chế uống rượu, cà phê, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ và hút thuốc lá, thuốc lào.

- Không ăn các chất cay nóng làm cản trở sự kích thích nhu động ruột như: gừng, ớt, quế, hạt tiêu...

- Muốn phòng ngừa táo bón phải ăn đúng giờ, tốt nhất là ăn rải bữa (4-5 bữa/ngày) để cơ thể hình thành phản xạ tiêu hóa cũng như phản xạ đi vệ sinh đúng giờ.

- Không nên sử dụng bất kỳ một loại thuốc chữa táo bón nào kéo dài quá 8-10 ngày, vì các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ, dùng lâu có thể gây biến chứng cho đường ruột, có hại cho gan, thận và đặc biệt nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề táo bón.

TS.BS. Hoàng Lam Dương, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết tình trạng táo bón lâu ngày dẫn đến bệnh trĩ hiện rất phổ biến. Điều đáng nói là khá nhiều người vẫn rất chủ quan khi bị táo bón nên khiến số bệnh nhân bị trĩ có xu hướng gia tăng. Táo bón thời gian quá dài sẽ làm áp lực bụng tăng cao, làm phần trực tràng hậu môn bị xung huyết, tĩnh mạch trực tràng bị gập phình, cơ vòng quanh hậu môn bị nhão ra, niêm mạc trực tràng và tầng cơ bị lòi ra, ống hậu môn sẽ theo phân dịch chuyển xuống dưới, từ đó dễ gây ra bệnh trĩ.

Triệu chứng thường thấy nhất của bệnh trĩ là đại tiện ra máu, thường là màu đỏ tươi, xảy ra ngay sau khi đại tiện. Hiếm khi trĩ gây xuất huyết ồ ạt nhưng lâu ngày có thể nguy hiểm đến tính mạng vì cơ thể bị thiếu máu. Nếu thấy cơ thể thường xuyên bị táo bón kèm các dấu hiệu như trên, bạn nên đi khám ngay để có phương pháp điều trị sớm, nhằm loại trừ ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng tiềm ẩn.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón có thể là do: ăn uống không hợp lý, ít vận động, stress, uống thuốc tây liên tục, ngoài ra cũng có thể là triệu chứng khởi đầu của một bệnh lý thực thể nào đó tại đường tiêu hóa (ví dụ như ung thư đại trực tràng), các bệnh toàn thân (suy giáp trạng, tăng canxi máu), hay một số bệnh lý thần kinh (như bệnh Parkinson)… Hoặc có thể do rối loạn chức năng vận chuyển của ruột.

Để giải quyết vấn đề táo bón, đầu tiên phải tìm ra căn nguyên, khi căn nguyên gây nên táo bón không phải là do các bệnh lý thực thể, bạn có thể khắc phục chứng táo bón bằng những phương pháp dưới đây:

Ăn nhiều chất xơ

Hầu hết các loại rau xanh và hoa quả đều là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ hòa tan và không hòa tan. Vì vậy, bạn hãy chọn những loại rau xanh và hoa quả mà bạn thích và ăn với lượng nhiều hơn để cung cấp nhiều chất xơ hơn cho bạn. Ngoài ra cũng nên bổ sung thức ăn có chứa men vi sinh như sữa chua, pho mát, dưa muối… hằng ngày.

Ngoài ra, những người thường xuyên bị táo bón nên ăn những loại thức ăn như: trái cây khô, hạt ngũ cốc, bánh mỳ đen, gạo lứt…vì những loại thức ăn này chứa nhiều chất xơ và chất pectin. Những chất này rất cần thiết cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột hoạt động và phát triển.

Duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể

Nếu bạn là người lười uống nước thì bạn nên thay đổi thói quen này vì nó là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta bị táo bón. Hãy tưởng tượng là, phân cần một lượng nước đủ để việc thải ra được dễ dàng, nếu tỷ lệ nước trong phân giảm xuống thì khối phân sẽ khó di chuyển, nếu tỷ lệ nước cạn kiệt có thể khiến khối phân hoàn toàn bị tắc dẫn đến tình trạng táo bón. Vì thế, bạn nên uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày dưới tất cả các hình thức như uống nước lọc, ăn sinh tố, ăn canh… để cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Tăng cường vận động

Ít vận động cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng táo bón. Tăng cường vận động, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông sẽ cải thiện đáng kể tình trạng của các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có chứng táo bón. Ngoài ra, nên thường xuyên xoa nhẹ ở vùng bụng để tăng cường nhu động ruột.

Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày

Bạn nên tự tập cho mình thói quen đi toilet vào một giờ giấc nhất định trong ngày, lúc mà bạn có đủ thì giờ. Thường sau bữa ăn là tốt nhất. Nếu không quen, bạn hãy tập vào ngồi trong toilet chừng mười phút để đi đại tiện mỗi ngày. Sau vài ba ngày, bạn sẽ có thói quen đi đại tiện vào giờ đó.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/de-tao-bon-khong-con-la-noi-lo-16030/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY