12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Đi du lịch – đừng ham ngon mà mang bệnh vào thân

(SKGĐ) Du lịch là một cơ hội để nghỉ ngơi, nhưng nếu không cẩn thận, bạn có thể biến chuyến đi ấy thành chuyến “viếng thăm” bệnh viện chỉ vì “miếng ăn”…

 

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ chuyến du lịch

Trao đổi về những nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, BS. Nguyễn Ngọc Hiến (Khoa Nội chung, Viện Y học Hàng không) cho biết, đặc điểm môi trường và cộng đồng người ở địa điểm du lịch có những đặc thù riêng nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm là không nhỏ.

Theo bác sĩ Hiến thì đi du lịch nguy cơ về ngộ độc vi sinh (virus, vi khuẩn…) lớn hơn ngộ độc hóa chất. nguyên nhân là cộng đồng người ở điểm du lịch là cộng đồng người từ nhiều nơi đi đến từ những vùng đang có dịch bệnh, đi qua vùng có dịch bệnh hay bản thân mang mầm bệnh nhưng chưa có những biểu hiện triệu chứng lâm sàng… Trong điều kiện như thế, mầm bệnh từ cơ thể người bệnh có thể phát tán ra môi trường, thông qua nhiều con đường, những vi khuẩn virus từ mầm bệnh này có thể tiếp xúc với thực phẩm và gây bệnh cho người ăn phải chúng.

Tại các địa điểm du lịch, du khách thường tập trung đông, nếu người kinh doanh hàng ăn uống vì lợi nhuận mà coi nhẹ các khâu lựa chọn hoặc bảo quản thực phẩm cho sạch, an toàn thì đây cũng là một mối nguy cơ rất lớn. Thực tế thì ở nhiều địa phương đã phát hiện những quán cơm, nhà hàng chọn thực phẩm kém chất lượng, kém an toàn nhưng giá rẻ để chế biến cho thực khách. Bình thường đã thế thì du khách khó lòng mà tin tưởng được mức độ an toàn của thực phẩm ở những vùng du lịch, nơi được liệt vào hàng đầu của dịch vụ chặt chém và chạy theo lợi nhuận.

Một vấn đề không nhỏ nữa, đó là nguy cơ từ đồ đặc sản. Trước hết là những đặc sản là món ăn chưa được chế biến chin như các món gỏi, tiết canh… Bác sĩ Hiến phân tích, ở đây là vấn đề sức đề kháng của hệ tiêu hóa. Với những món tái, sống như thế này, nếu những người dân địa phương hoặc những người từng ăn qua thì cơ thể của họ đã được làm quen, do đó, những lần sau họ ăn không có vấn đề gì.

Nhưng với những người có hệ tiêu hóa yếu, hay những người chưa từng thử qua thì khi ăn có thể gặp phải dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn. Đó là cơ thể phản ứng với những chất lạ đưa vào cơ thể, để báo cho chúng ta biết là cần dừng lại, cơ thể không tiếp nhận được. Trong các món tái sống, nguy cơ giun sán vẫn còn, do đó, khi cơ thể chưa được làm quen, chưa có những đề kháng với chúng thì dễ gây nhiễm độc.

Những du khách khi đi du lịch thường có tâm lý thích khám phá, thích thử nhiều món lạ và đặc sản thì càng không thể bỏ qua, và quà cáp mua về cũng sẽ là “đặc sản”. Hàng đặc sản phục vụ cho đối tượng lớn như thế nên dễ có trường hợp người kinh doanh làm ăn theo kiểu chộp giật, trà trộn cả hàng kém chất lượng, hoặc dùng các thủ thuật để tăng số lượng sản phẩm. Ví dụ như các loại hoa quả thì tiêm hóa chất để chín mau, hải sản thì tẩm ướp phơi sấy mất vệ sinh, đồ khô thì bảo quản bằng hóa chất, rau phun thuốc kích thích…

Ở Việt Nam, hàng rong, hàng quán vỉa hè không hề thiếu ở khắp từ thành phố đến thôn quê. Các khu du lịch lại càng phát triển rầm rộ. Nếu ở những khách sạn lớn, điều kiện vệ sinh đảm bảo, quy trình kiểm tra nghiêm ngặt thì du khách có thể yên tâm hơn (nhưng không phải là không có). Còn với những hàng quán vỉa hè, người bán tận dụng bất kì địa điểm nào để bán hàng. Nguy cơ dễ đến từ những hàng ăn, uống bến cống rãnh, những địa điểm vứt rác la liệt, hay những khay đồ uống, thức ăn không được che chắn…

Những hàng quán như thế, người đi qua đi lại, bụi bẩn với đầy rẫy vi khuẩn, virus, hay ruỗi muỗi đậu vào chính là ổ dịch cực kỳ lớn. Khi chúng từ không khí bám vào thức ăn, chúng gặp được môi trường dinh dưỡng lý tưởng như các món xào món rán thì chúng sẽ phát triển mạnh mẽ. Càng tai hại hơn khi những thức ăn này người bàn hàng không bán hết, lại để sang ngày khác và khi thực khách ăn phải thì chẳng khác gì “ăn bệnh” vào người.

Đảm bảo an toàn thực phẩm khi đi du lịch

Bác sỹ Hiến cho biết, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh đều có thể làm chết vi khuẩn. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là phải ăn chín uống sôi, đặc biệt những người có hệ tiêu hóa kém càng phải tuân thủ nguyên tắc này.

Thứ hai là không nên ăn lẫn lộn nhiều loại thực phẩm. Bác sĩ Hiến cho rằng, chất lạ tạo thành từ việc ăn hỗn tạp nhiều loại thực phẩm có thể gây các hệ quả cho đường tiêu hóa như đầy bụng, sinh hơi. Ví dụ bạn vừa ăn một bữa ăn nhiều protein, sau đó bạn lại tráng miệng bằng kem, cà phê, đồ ăn lạnh… sẽ làm cho protein chậm tiêu hơn, từ đó mà sinh ra đầy bụng, đau bụng… Bạn chỉ nên ăn những món ăn quen, nếu thử món lạ thì chỉ nên ăn một món, tránh ăn nhiều loại cùng lúc.

Thứ ba, nên chọn địa điểm ăn uống sạch sẽ, chú ý xem người chế biến có mang những phương tiện bảo quản hợp lý không, ví dụ như mang bao nilon khi chế biến món ăn, không cầm bốc lẫn lộn thức ăn chín, thức ăn sống… Không nên ăn những quán ăn vỉa hè, những địa điểm không đảm bảo vệ sinh, như những hàng quán gần cống rãnh, gần bãi rác…

Thứ tư, rửa tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để cách li vi khuẩn với thực phẩm mà bạn ăn vào. Cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn.

Thứ năm, cần có thái độ tốt hơn để không lây bệnh cho người khác. Khi bạn và người thân có triệu chứng bệnh, nghi ngờ mắc bệnh có thể lây cho người khác thì bạn tự bảo vệ, ý thức được việc những người mang mầm bệnh không triệu chứng. Bạn cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị triệt để trước khi đến nơi đông người, nhất là các địa điểm du lịch

Lê Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/di-du-lich-dung-ham-ngon-ma-mang-benh-vao-than-14295/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY