Sức khỏe hôm nay

Điểm mặt những nỗi khổ khó nói của chị em sau sinh

Phụ nữ sau sinh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề 'khó nói', chính vì thế, các ông chồng cần tâm lý và quan tâm đến cảm xúc của chị em nhiều hơn.

Chảy máu rất nhiều

Dù là bạn đẻ thường hay đẻ mổ thì máu cũng sẽ chảy ồ ạt một vài tuần đầu sau sinh. Quá trình chảy máu này hay còn gọi là sản dịch sẽ kéo dài ít nhất khoảng 2-3 tuần, thậm chí với nhiều người đến cả 6 tuần sau sinh.

Bạn cần có kế hoạch chuẩn bị những miếng băng vệ sinh loại to vì băng vệ sinh thông thường hoặc tampon không thể sử dụng trong thời gian này. Băng vệ sinh thông thường sẽ không đủ sức chứa lượng sản dịch còn tampon lại dễ gây nhiễm trùng cho cổ tử cung của phụ nữ sau sinh lúc này chưa phục hồi hẳn.

Đáy quần con của bạn sẽ ở trong tình trạng là một “mớ hỗn độn”. Phụ nữ sau sinh có thể sẽ cảm nhận được cảm giác sưng tấy, khô rát, cảm giác được cả vết khâu đang căng “như muốn bục chỉ” sau mỗi lần vận động dù đã cố gắng nhẹ nhàng. Có rất nhiều cách để giúp bạn giảm đau như vừa đi tiểu vừa dội nước, chườm đá, tắm trong thư thế đứng…

Bạn vẫn còn rất béo

Phụ nữ sau sinh sẽ rơi vào “thảm cảnh” không biết mặc đồ gì khi đứng trước gương bởi vì cơ thể của bạn vẫn còn rất béo và chưa phục hồi hoàn toàn. Những bộ quần áo thời con gái sẽ chẳng thể “ních” vừa còn những bộ đồ bầu thì quá rộng và bạn cũng không muốn mặc chúng nữa.

Tốt nhất bạn nên chọn mua sẵn vài bộ quần áo mặc nhà cộng thêm 1-2 bộ để đi ra ngoài thật rộng rãi để mặc sau sinh cho thoải mái vận động, chăm sóc bé.

Nếu bạn có kế hoạch giảm cân thì những bộ đồ đó sẽ nhanh chóng không được dùng đến nữa vì vậy đừng quá mất nhiều tiền “đầu tư” vào quần áo sau sinh.

Dễ đối mặt với chứng trầm cảm sau sinh

Tâm lý phụ nữ sau sinh thường biến chuyển phức tạp và với chiều hướng xấu. Sự thay đổi nội tiết sau sinh cộng với nỗi mệt mỏi khi chăm con đôi khi khiến bạn cảm thấy tủi thân và ngồi khóc. Trầm trọng hơn, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh.


Ngực cứng và căng tức

Nỗi khổ của phụ nữ sau sinh khác khiến các mẹ khó chịu và đau đầu đó là việc bầu ngực lúc nào cũng nóng hổi và căng tức vì sữa. Thậm chí, bạn còn có cảm giác ướt át, khó chịu khi sữa chảy ra áo.

Cách tốt nhất là bạn nên dùng sự trợ giúp từ những miếng lót thấm sữa và loại áo ngực chuyên dùng cho con bú để không phải mệt mỏi vì tháo ra mặc vào thường xuyên mỗi khi cho bé bú. Sử dụng máy hút sữa để dự trữ lượng sữa dư thừa khi bé bú không hết.

Tóc bạn sẽ rụng nhiều
Phụ nữ sau sinh sẽ cảm thấy như muốn phát điên vì “chưa động lược” tóc đã rụng cả búi. Điều này là do rối loạn nội tiết tố. Sau khi sinh, lượng estrogen giảm xuống quá thấp, khiến tóc phát triển chậm và bị rụng nhiều.

Ngoài ra việc rối loạn tâm lý như bị stress, trầm cảm, khiến cho quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể bị rối loạn, máu lưu thông kém, tóc không được cung cấp đủ dưỡng chất, yếu dần và rụng.

Để phòng ngừa và giảm thiểu rụng tóc sau khi sinh, bạn cần giữ tinh thần thoải mái, kết hợp với việc ăn uống đủ chất.

Bệnh lý trĩ sau sinh

Trĩ là bệnh sau sinh khá phổ biên có hiện tượng là sưng phồng ở vùng trong và ngoài lỗ hậu môn, gây cảm giác đau đớn cho người dùng. Tình trạng này xảy ra trong suốt thai kỳ và có thể tệ hơn sau khi sinh con.

Một số cách để giảm đau đơn cho phụ nữ sau sinh khi bị trĩ:

Tắm và ngâm mình trong nước ấm
Dùng thuốc giảm đau với sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ăn thực phẩm chứa nhiều chất sơ như các loại ra củ quả
Uống nhiều nước

Các vấn đề về tiểu – tiểu không kiểm soát

Sản phụ sau khi sinh có thể cảm thấy đau rát khi đi tiểu hoặc buồn đi tiểu nhưng không thể đi tiểu. Hoặc cũng có thể là tình trạng không thể dừng đi tiểu, mà trong Y học người ta gọi là sự không cầm được hay tiểu tiện không tự chủ.

Khi gặp tình trạng bệnh sau sinh trên sản phụ nên:

Hỏi ngay ý kiến và xin lời khuyên từ bác sĩ chuyên môn
Thực hiện bài tập Kegel
Không cố nhin tiểu, đi ngay khi có nhu cầu
Hạn chế ăn đồ cay nóng và đồ uống chứa cafein

Luôn cảm thấy đau đớn

Những ngày đầu sau sinh con, hầu hết các bà mẹ đều than vãn về tình trạng đau lưng, đâu hông và thậm chí là đau vùng kín mỗi lần ngồi xuống.

Nguyên nhân là do trong quá trình sinh nở, vùng kín bị tổn hại nặng nề. Việc đau đẻ cũng khiến mẹ mất sức, đau mỏi cơ thể sau sinh. Vì vậy mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giúp cơ thể nhanh phục hồi sức khỏe.

Vùng kín “giãn tuyếch”

Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chăn gối vợ chồng, làm cho chị em thiếu tự tin, ít ham muốn và làm giảm hứng thú quan hệ ở người chồng. Chưa kể, âm đạo giãn rộng có thể gây ra tình trạng tiểu không tự chủ và tạo mùi khó chịu.

Để khắc phục tình trạng này, chị em có thể luyện các bài tập rèn cơ xương chậu (bài tập Kegel), thông thường bài tập này phải được thực hiện hàng ngày ít nhất 6 tháng mới mang lại hiệu quả.

Bạn sẽ cảm thấy rất nóng

Thủ phạm vẫn là những hormone. Bạn lúc nào cũng cảm thấy nóng nực trong người, dễ đổ mồ hôi, dễ bực bội. Bạn dễ cảm thấy khó chịu, bứt rứt với đống quần trùng áo dài phải mặc sau sinh.

Việc cho con bú gặp khó khăn

Việc cho con bú không hề dễ dàng như bạn tưởng, đặc biệt với những người làm mẹ lần đầu. Việc bế con đúng tư thế, cùng với việc ngậm, nắm bắt núm vú mẹ với bạn cũng sẽ rất gượng gạo khó khăn. Chưa kể, bạn sẽ phải đối diện với những sự cố như tắc tia sữa, đầu núm ti bị tụt, sữa chưa về gây đau đớn.

Phong Vũ

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/diem-mat-nhung-noi-kho-kho-noi-cua-chi-em-sau-sinh-27207/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY