12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Điểm qua 10 sự kiện y học nổi bật nhất trong năm 2021

Năm 2021 được chọn là năm để tri ân cho những bác sĩ, nhân viên y tế toàn thế giới, dựa vào những nỗ lực của tập thể trong một năm đầy biến động. Có thể nói, ngành y tế đã trải qua rất nhiều thăng trầm và thay đổi ở năm qua.

Tuy nhiên, xen lẫn giữa những mất mát của dịch bệnh, ta cũng đón nhận nhiều tin vui, mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho nhân loại, đặc biệt và tiêu biểu chính là 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành y tế toàn cầu trong năm 2021 như sau.

Sự kiện thứ 1: COVID-19 tàn phá mạnh mẽ, mở đầu cho một năm đầy biến động của ngành y tế

Virus nCoV được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019 và bùng thành đại dịch vào năm 2020, điều này giáng một đòn nặng nề xuống tất cả mọi lĩnh vực, và chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là hệ thống y tế toàn cầu.

Kể từ khi ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, cho đến nay, đại dịch này đã lây lan trên toàn cầu với hơn 280 triệu ca mắc, trong đó hơn 5,4 triệu ca tử vong. Trong hai năm, chủng virus gốc gây bệnh dịch COVID-19 đã biến đổi thành 5 "biến thể đáng lo ngại", căn cứ mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả của các biện pháp ứng phó y tế và khả năng lây lan từ người sang người. Trong đó, các biến thể Alpha, Beta và Gamma đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hạ xuống thành "các biến thể cần theo dõi" vào tháng 9 vừa qua, trong khi các biến thể Delta và Omicron hiện vẫn bị xem là "các biến thể đáng lo ngại".

Tính riêng Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay có 1.800.704 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.252 ca nhiễm).

Có thể thấy, sự lây lan và bùng phát dịch bệnh của COVID-19 đã gây ra rất nhiều biến động. Nhìn vào số ca nhiễm, ca nhập viện và tử vong, chúng ta có thể thấy sự khó khăn trong công tác phòng chống dịch, sự quá tải của hệ thống y tế trong thời gian vừa qua.

Sự kiện thứ 2: Nhằm đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng, chiến dịch tiêm chủng diễn với quy mô toàn cầu được xem là sự kiện nổi bật nhất ngành y năm 2021

WHO khẳng định, màng chắn tốt nhất cho đến hiện tại - ngoài quy tắc 5K - chính là tiêm chủng vaccine đầy đủ. Hình thức tiêm chủng ngừa COVID-19 được diễn ra với quy mô toàn cầu, với mục đích giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng, làm giảm tỷ lệ các ca lây nhiễm nhờ vào hệ thống đề kháng được tạo nên bởi vaccine. Chiến dịch tiêm chủng lần này đã được đánh giá là sự kiện nổi bật nhất ngành y 2021 và quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm phòng. Cho thấy tình trạng nghiêm trọng mà dịch bệnh có thể gây ra và sự nghiêm túc trong công tác ngăn ngừa đại dịch khắp nơi trên thế giới.

Theo AFP, hơn 5 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu. Và ở Việt Nam nói riêng, đến hết năm 2021, nước ta đã chạm mốc 150 triệu liều vaccine COVID-19, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ tiêm vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra đến hết năm 2021 (79% dân số được tiêm 1 liều vaccine; 66% dân số tiêm đủ liều cơ bản). Đến nay trong cả nước, cũng đã có 50 tỉnh, thành phố triển khai tiêm mũi 3 (mũi bổ sung, tăng cường), với gần 3 triệu liều vaccine đã được tiêm.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã tiêm được hơn 12 triệu liều, trong đó có gần 7,6 triệu mũi 1 và khoảng 4,5 mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là hơn 83 % và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine là gần 50% dân số từ 12 -17 tuổi.

Dựa trên các con số được thống kê trên, Việt Nam từ đất nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, giờ đây đã vượt lên và trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây được coi là thành công của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Sự kiện thứ 3: WHO phê duyệt và cho phép sử dụng rộng rãi vaccine ngừa sốt rét

Thông báo được WHO đưa ra vào ngày 06/10, với nội dung khuyến cáo sử dụng rộng rãi vaccine sốt rét RTS,S/AS01 (RTS,S) cho trẻ em khu vực Châu Phi cận Sahara.

Đây là loại vaccine đầu tiên đầu tiên phòng ngừa bệnh sốt rét - một căn bệnh do muỗi gây ra, giết chết 400.000 người mỗi năm, sẽ được triển khai rộng rãi sau hơn ba thập kỷ nghiên cứu. Chính giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO - Tiến sĩ Pedro Alonso cũng cho rằng đây chính là một sự kiện lịch sử. Việc WHO phê duyệt vaccine Mosquirix là bước đầu tiên giúp việc phân phối vaccine rộng rãi ở các nước nghèo trở nên dễ dàng hơn.

Theo lộ trình, vaccine sẽ được tiêm thành 3 liều cho trẻ em từ 5 tháng tuổi. Ba mũi đầu tiên tiêm cách nhau một tháng, khi trẻ 5,6 và 7 tháng tuổi. Trẻ sẽ tiêm mũi thứ tư tăng cường khi được 18 tháng tuổi. Sau các nghiên cứu lâm sàng, vaccine đã được đưa vào sử dụng ở ba nước Kenya, Malawi và Ghana trong chương trình tiêm chủng đại trà. Các nước đã tiêm 2,3 triệu liều vaccine cho hơn 800.000 trẻ em, nâng tỷ lệ bảo vệ khỏi bệnh sốt rét từ 70% lên hơn 90%. Một nghiên cứu trên 6.000 trẻ em, được công bố hồi tháng 8 cho thấy, sự kết hợp giữa thuốc chống sốt rét và tiêm chủng đã làm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do căn bệnh này khoảng 70% trong ba năm. Được biết, loại vaccine sốt rét vừa được WHO khuyến nghị đã bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1984.

Sự kiện thứ 4: Các nhà khoa học nhận định giải cấu trúc protein bằng trí tuệ nhân tạo (cấu trúc AI) là bước đột phá của năm 2021

Hơn 60 năm kể từ khi khoa học xác định được cấu trúc chi tiết đầu tiên của protein ở cấp độ nguyên tử, và đến năm 2020, chúng ta đã có thể làm sáng tỏ cấu trúc của hơn 1/3 tổng số protein được mã hóa bởi bộ gene của con người.

Năm 2021, chúng ta lại được chứng kiến ​​những bước tiến lớn hơn trong lĩnh vực này, với các phương pháp dự đoán cấu trúc được hỗ trợ bởi AI có độ chính xác chưa từng có. Và khoảnh khắc này đã được tạp chí Science bình chọn là bước đột phá cho lĩnh vực khoa học của năm.

Vào tháng 7-2021, nhóm DeepMind cho biết thuật toán AlphaFold thế hệ thứ 2 của họ đã giải được cấu trúc của hầu hết protein người, bao gồm hàng chục ngàn cấu trúc quan trọng mà trước đó không có cách nào xác định.

Điều thú vị là họ quyết định chia sẻ mã nguồn của AI với toàn thế giới. Một tháng sau đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington ở Seattle đã nâng cấp AI của AlphaFold, giúp dự đoán chính xác các chi tiết của những tương tác giữa protein với nhau, một bước quan trọng để hiểu hoạt động sinh lý của tế bào người.

Hiện tại, các nhà khoa học nghiên cứu SARS-CoV-2 cũng đang sử dụng AlphaFold để giải mã tác động của các đột biến trong protein gai của biến thể Omicron.

Kết hợp với khả năng giải trình gene rất nhanh hiện nay, các công cụ AI mới này đang nhanh chóng được triển khai trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, mở ra những triển vọng nghiên cứu mới. Và câu chuyện ứng dụng AI trong sinh học sẽ chưa dừng lại ở đây, hãy mong chờ ở năm 2022, với những bước tiến vượt bậc hơn, mở ra những góc nhìn mới về cơ chế của sự sống chưa từng thấy trước đây.

Sự kiện thứ 5: WHO phát tín hiệu cảnh báo về thách thức sa sút trí tuệ

Theo báo cáo mới nhất của WHO với nội dung “Sức khỏe cộng động: Phản ứng của toàn cầu đối với chứng sa sút trí tuệ”, cho thấy đa số mọi người vẫn còn có sự chủ quan đối với chứng bệnh này, dù tỷ lệ mắc phải lại đang tăng dần theo từng năm. Cụ thể, chỉ một phần tư các quốc gia trên toàn thế giới có chính sách, chiến lược hoặc kế hoạch để hỗ trợ những người bị sa sút trí tuệ cũng như gia đình của họ.

WHO nhấn mạnh, tình trạng này rất đáng lo ngại, khi số người sống chung với chứng sa sút trí tuệ ngày càng tăng. WHO ước tính rằng hơn 55 triệu người (8,1% phụ nữ và 5,4% nam giới trên 65 tuổi) đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ. Đồng thời, con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 78 triệu người vào năm 2030 và lên 139 triệu người vào năm 2050.

Để thúc đẩy sự thay đổi, trong báo cáo nhấn mạnh sự quan trọng và cấp thiết trong việc tăng cường hỗ trợ ở cấp quốc gia, cho cả những người bị sa sút trí tuệ và những người chăm sóc họ. Vẫn còn nhiều quốc gia thiếu kinh phí cho ngân sách ngành y, khiến cho việc điều trị cũng như xây dựng chính sách cho các bệnh nhân sa sút trí tuệ gặp nhiều trở ngại. Đây là một trong những lĩnh vực cần thay đổi. Cần tái xây dựng lại các chính sách để hỗ trợ những người mắc chứng bệnh sa sút trí tuệ chính là mục tiêu mà WHO muốn thực hiện trong năm sau.

Sự kiện thứ 6: Người đầu tiên trên thế giới chữa khỏi bệnh tiểu đường

Tiểu đường loại 1 là tình trạng tuyến tụy của người bệnh sản xuất ít hoặc không có insulin, vì vậy khiến người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.

40 năm là khoảng thời gian Brian Shelton, 64 tuổi, cư dân Ohio, sống chung với tiểu đường loại 1 - căn bệnh tưởng chừng như không bao giờ khỏi. Lượng đường trong máu của Shelton giảm mạnh bất ngờ và ông sẽ bất tỉnh. Tuy nhiên, y học luôn mang đến những điều kì diệu, một phương pháp điều trị mới đã được thiết kế để điều trị bệnh tiểu đường. Chính phương pháp này đã mang lại cho ông cuộc sống mới, lấy lại sức khỏe và sự an tâm cho ông Shelton. Ông có thể là người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi tiểu đường.

Sau gần nửa năm điều trị bằng phương pháp tế bào gốc sản xuất insulin, lượng đường huyết của ông Brian Shelton đã được kiểm soát tốt. Trong phương pháp này, bệnh nhân được truyền các tế bào mới, phát triển từ tế bào gốc, giúp khôi phục khả năng tự nhiên của cơ thể trong việc tạo ra và điều chỉnh insulin mà nó đã bị mất. Phương pháp này được đặt tên là VX-880, do Vertex Pharmaceuticals phát hiện.

Sự kiện thứ 7: Lần đầu tiên ghép thành công thận lợn cho người

Với nguồn cung cấp nội tạng người cho các ca phẫu thuật cấy ghép đang thiếu hụt, các nhà khoa học từ lâu đã nỗ lực để làm cho việc cấy ghép từ động vật sang người trở nên an toàn, khả thi và phổ biến rộng rãi.

Năm nay, trong một thí nghiệm ban đầu, các bác sĩ tại trung tâm y tế học thuật NYU Langone Health ở Thành phố New York, đã cấy ghép một quả thận lợn vào người và quan sát thấy nó lọc chất thải ra khỏi cơ thể và sản xuất nước tiểu một cách hiệu quả. Thí nghiệm được tiến hành trên một bệnh nhân chết não, người đã đăng ký hiến tạng và được gia đình cho phép thực hiện thủ thuật này.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thận của một con lợn biến đổi gen thiếu gen alpha-gal, một loại đường có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh ở người. Thí nghiệm thành công có thể báo hiệu một bước tiến lớn cho việc cấy ghép từ động vật sang người, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp.

Sự kiện thứ 8: Thuốc tiêm phòng HIV đầu tiên trên thế giới

HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đã cướp đi sinh mạng của 36,3 triệu cho đến nay. Mặc dù đã có loại thuốc uống dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để phòng chống HIV, nhưng vẫn còn tồn tại một điểm yếu do phải sử dụng hàng ngày khiến nhiều người khó có thể đáp ứng phương pháp này. Trong bối cảnh này, loại thuốc tiêm mới được FDA phê duyệt, cung cấp lựa chọn thay thế loại thuốc phòng ngừa dạng viên hiện có. Loại thuốc mới, có tên Apretude, được tiêm 2 tháng một lần cho người có nhu cầu.

Sự chấp thuận được đưa ra sau hai thử nghiệm cho thấy Apretude có hiệu quả hơn trong việc giảm nguy cơ nhiễm HIV so với thuốc uống hàng ngày cho 69% “nam giới chuyển giới và phụ nữ chuyển giới quan hệ tình dục đồng giới” và 90% “phụ nữ chuyển giới”. Hai thử nghiệm này được thực hiện trên 13 quốc gia, bao gồm một thử nghiệm nghiên cứu hơn 4.500 “nam giới không nhiễm HIV và phụ nữ chuyển giới quan hệ tình dục đồng giới” và thử nghiệm còn lại bao gồm hơn 3.000 “phụ nữ chuyển giới có nguy cơ nhiễm HIV”, theo báo cáo của FDA.

Bên cạnh đó, loại thuốc tiêm này còn cho thấy hiệu quả cao hơn 66% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV so với việc uống Truvada hàng ngày, dù đây là một loại thuốc phòng chống HIV hàng đầu hiện nay.

Apretude sẽ bắt đầu được chuyển đến các nhà phân phối vào năm 2022.

Sự kiện thứ 9: FDA phê chuẩn thuốc mới điều trị ung thư thận

Hồi tháng 8 năm nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn một loại thuốc điều trị ung thư thận được phát triển từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm Y tế UT Southwestern. Loại thuốc được phê chuẩn lần này có tên Belzutifan do Merck sản xuất, cung cấp một phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân ung thư thận di truyền.

Belzutifan đã nhắm vào một loại protein, HIF-2α, là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển của thận và các bệnh ung thư khác.

Theo các nhà khoa học, bằng cách nhắm mục tiêu độc quyền HIF-2α, chất cần thiết cho bệnh ung thư thận nhưng không thể thiếu cho các quá trình bình thường, Belzutifan đặc biệt vô hiệu hóa các tế bào ung thư trong khi loại bỏ các tế bào bình thường. Belzutifan là loại thuốc ung thư thận được dung nạp tốt nhất hiện nay và một loại thuốc thích hợp cho bệnh nhân ung thư thận gia đình. Đó là minh chứng cho sức mạnh của các loại thuốc được thiết kế riêng và các mục tiêu được lựa chọn cẩn thận mà nó là một ví dụ điển hình.

Sự kiện thứ 10: Lần đầu tiên, Việt Nam phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan từ người sống để ghép cho bệnh nhân ung thư gan

Vào tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan phải từ người hiến sống để ghép gan. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện tại Việt Nam.

Đây được xem là một trong những kỹ thuật mổ phức tạp nhất được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Hiện chỉ có một số ít các trung tâm gan mật và ghép gan tại các nước hay khu vực có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện được phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống.

Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như: Can thiệp ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ tốt hơn mổ mở, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở.

Sau 6 ngày mổ lấy mảnh gan, người hiến gan ra viện khỏe mạnh, chức năng gan bình thường. Với người nhận, sau 10 ngày chức năng gan ghép đã hoạt động tốt, ăn uống tốt, tự đi lại phục vụ các hoạt động sinh hoạt cá nhân.

Với việc lần đầu tiên ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã ghi một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép gan, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành ghép tạng Việt Nam; mở ra triển vọng cứu sống những người bệnh hiểm nghèo.

Bỏ qua những lo lắng do đại dịch COVID-19 gây ra, những tiến bộ trong y học kể trên sẽ giúp chúng ta tiếp tục mong chờ vào tương lai tươi sáng hơn cho sức khỏe của con người.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/diem-qua-10-su-kien-y-hoc-noi-bat-nhat-trong-nam-2021-33403/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY