Khoa học hôm nay

Điện Kremlin từng biến mất bí ẩn trong Thế chiến II như thế nào?

Hàng trăm hàng nghìn người dân Moskva đã đồng tâm hiệp lực khiến Điện Kremlin “biến mất” để tránh bị bom đạn phát xít Đức tàn phá trong Thế chiến II. Họ đã dùng “màn ảo thuật” tài tình nào để bảo vệ thành công công trình quy mô Điện Kremlin.

Trang Russia Beyond (Nga) cho biết trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Điện Kremlin đã vượt qua 8 lần bị oanh tạc, hứng chịu 15 quả bom và 150 bom gây cháy nhưng không chịu tổn thất đáng kể nào.

Điện Kremlin khi được ngụy trang. Ảnh chụp từ cầu Borovitsky. Nguồn: rbth

Sĩ quan chỉ huy Moskva Kremlin trong thời kỳ 1938-1953, ông Nikolay Spiridonov đã lo ngại về an ninh của Điện Kremlin từ những ngày đầu nổ ra Thế chiến II.

Điện Kremlin không chỉ là thành trì của chính quyền Liên Xô mà còn là biểu tượng tinh thần của quốc gia. Vì vậy, ông Spridonov đã gửi tin nhắn bí mật tới Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Lavrentiy Beria. Không lâu sau đó, ông Beria ra lệnh khởi động chiến dịch che giấu Điện Kremlin ngay lập tức.

Lăng Lenin được ngụy trang thành một ngôi nhà gỗ. Ảnh: rbth

Nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi cần ngụy trang cho công trình gồm nhiều tòa tháp cao. Đến ngày 22/7/1941, một quả bom 250kg của phát xít Đức đã nhắm đến Điện Kremlin nhưng không phát nổ.

Sau đó tất cả tháp của Điện Kremlin được sơn lại màu khác và được che bằng lều gỗ. Tất cả các mái nhà tại Điện Kremlin đều được sơn màu nâu cũ kỹ khiến không thể phân biệt nổi với mái nhiều ngôi nhà điển hình khác tại Moskva. Phần sân trải sỏi tại Điện Kremlin được đổ cát lên trên.

Lều gỗ được sơn màu như mái nhà được dựng lên cả trong các khu vườn tại Điện Kremlin. Trong khi đó, mặt tiền các tòa nhà Điện Kremlin cũng được sơn màu khác để qua mặt phi công Đức quốc xã.

Toàn bộ kế hoạch này do kiến trúc sư tài năng của Liên Xô là Boris Iofan vạch ra.

Nhà hát Bolshoi cũng được ngụy trang. Ảnh: rbth

Ngoài ra, một trong những mục tiêu hàng đầu của phát xít Đức là Lăng Lenin. Công trình này được giấu kín dưới một lều gỗ khổng lồ hình vuông để ngụy trang như một tòa nhà. Thi hài của Lenin được chuyển ra khỏi Moskva và được đưa trở về lăng vào năm 1945 khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

An toàn của Điện Kremlin không phải mối lo ngại duy nhất mà là an toàn cho toàn bộ thủ đô. Do vậy, hàng loạt biện pháp an ninh nghiêm ngặt được áp dụng trong khi hàng trăm, hàng nghìn người dân Moskva đều góp sức trong việc đảm bảo an ninh cho thủ đô.

Dân số của Moskva ở thời điểm đó vào khoảng 4,6 triệu người. Nhiều người dân Moskva đã được đào tạo dân phòng từ nhiều năm trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra. Trên 200.000 người tình nguyện đăng ký gia nhập các đội bắn. Hàng trăm nghìn người khác chung tay dựng rào chắn bên trong thủ đô. Ngoài ra, người dân Moskva còn xây dựng hai phòng tuyến lớn ở ngoại ô thành phố. Ngày nay dấu tích của công trình này vẫn còn hiện diện ở khu vực rừng ở Moskva.

Các tòa nhà giả mọc lên khắp thành phố, trong khi những ngôi nhà thật được ngụy trang không thể nhận ra. Đường phố phủ màu trông giống như đất. Ngoài ra, nhiều đường phố giả được hình thành tại các khu vực không người ở.

Phát xít Đức đã oanh tạc Moskva 95 lần trong đêm và 30 lần vào ban ngày. Đến tháng 4/1942, phát xít Đức phá hủy 19 nhà máy, 69 tòa nhà, 226 ngôi nhà và khiến 2.000 người Moskva thiệt mạng. Trong khi đó, phát xít Đức cũng mất 1.400 máy bay ném bom.

Trước sự tấn công dồn dập, người dân Moskva vẫn kiên cường bảo vệ thành phố và tiếp tục cuộc sống thường ngày. Các nhà trẻ, thư viện, trường đại học, nhà hát… vẫn hoạt động không ngừng nghỉ.

Theo Hà Linh/Baotintuc

Mạng Y Tế
Nguồn: Kiến thức (https://kienthuc.net.vn/giai-ma/dien-kremlin-tung-bien-mat-bi-an-trong-the-chien-ii-nhu-the-nao-1368289.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY