Sức khỏe hôm nay

Điều gì có thể xảy ra nếu trẻ há miệng khi ngủ?

Một số cha mẹ cảm thấy thật ngọt ngào khi ngắm đứa con nhỏ của mình ngủ yên bình trong nôi với tư thế há miệng. Tuy nhiên, tình trạng này không hề đơn giản như cha mẹ thường nghĩ. Trên thực tế, trẻ há miệng khi ngủ có thể là tín hiệu cảnh báo tình trạng sức khoẻ hoặc có thể gây ra những bệnh lý, phát triển bất thường ở mặt cho trẻ về sau.

Mẹ có biết, trẻ há miệng khi ngủ có thể là điều không bình thường?

Trẻ há miệng khi ngủ có thể là nguyên nhân của một số bệnh lý về đường hô hấp trên mà trẻ đang gặp phải như: nghẹt mũi (do dị ứng, viêm xoang...), hoặc bị viêm polyp mũi… khiến việc hít thở bằng mũi của trẻ gặp khó khăn. Từ đó, trẻ phải chuyển sang việc thở bằng miệng, điều này dẫn đến việc trẻ há miệng khi ngủ.

Thói quen há miệng khi ngủ có thể khiến trẻ dễ bị khô niêm mạc miệng. Ngoài ra, thói quen này còn làm tăng khả năng sâu răng, làm lệch lạc cấu trúc răng dẫn đến nguy cơ bị hô khi lớn lên.

Trong trường hợp, nếu trẻ đã quen với việc há miệng khi ngủ, đừng coi thường vì tình trạng này sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm. Cụ thể là:

1. Chứng ngưng thở khi ngủ

Theo các bác sĩ, há miệng khi ngủ có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ (hoặc làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ nếu người bệnh đã mắc phải). Đây cũng chính là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe của thói quen thở này.

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ xảy ra khi hơi thở của một người đột ngột ngừng lại và sau đó bắt đầu lại. Bản thân chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm và trên hết, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như: tim, gan và các vấn đề trao đổi chất.

2. Khớp cắn kém và xuất hiện những vấn đề về răng hàm khác

Thói quen dùng miệng thay vì dùng mũi để thở sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về răng và hàm. Cụ thể, trẻ có thể gặp tình trạng răng khấp khểnh, khớp cắn xấu, lệch lạc và cười hở lợi về sau… Không dừng lại ở đó, tư thế thở bằng miệng và tư thế thấp lưỡi khiến phần dưới của khuôn mặt trở nên dài ra, lồi hơn, gây móm, cằm nhỏ và trán dốc và càng biểu hiện rõ ràng hơn khi trẻ sau 5 tuổi.

Há miệng khi ngủ trong một thời gian dài nếu không được điều trị hoặc khắc phục sẽ khiến xương mặt trẻ phát triển không cân đối, thậm chí có thể gây rối loạn về khớp cắn.

Ngoài ra, khi thở bằng miệng, luồng không khí ra vào sẽ làm khô môi và toàn bộ khoang miệng, bao gồm cả nướu. Điều này gây ra những đổi về vi khuẩn tự nhiên trong miệng, dẫn đến sâu răng hoặc các vấn đề về nướu.

Mẹ phải làm gì nếu trẻ há miệng khi ngủ?

Khi thấy trẻ ngủ há miệng, nếu mẹ đưa đi khám mà không phải vấn đề bệnh lý thì mẹ chỉ cần điều chỉnh thói quen khi ngủ cho trẻ. Cụ thể, nếu thấy trẻ há miệng khi ngủ, mẹ nên nhẹ nhàng giúp trẻ khép môi hoặc xoay trẻ sang một tư thế ngủ khác để giúp trẻ thở bằng đường mũi dễ dàng hơn. Mẹ có thể cho trẻ nằm nghiêng khi ngủ và kiên trì thực hiện đến khi cải thiện được tình hình. Ngoài ra mẹ có thể áp dụng 3 cách dưới đây:

Trong trường hợp lần đầu làm mẹ, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, mẹ có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ nếu thấy trẻ há miệng khi ngủ.

  • Hạn chế dùng điều hòa cho trẻ, nếu có thì nên để nhiệt độ từ 26 - 28 độ. Sử dụng thêm máy tạo độ ẩm bởi không khí từ điều hòa phả ra rất khô, có thể gây viêm họng cho trẻ.

  • Thường xuyên cho trẻ uống nước hoặc bổ sung thêm nước trái cây để tránh trẻ bị mất nước.

  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc cân bằng 4 nhóm chất: Tinh bột, chất béo, vitamin, chất đạm... để giúp trẻ nâng cao hệ thống miễn dịch, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh.

Làm cha mẹ, còn gì hạnh phúc hơn khi được quan sát từng cử chỉ và hành động của con mình, cho dù chúng đang bò, ăn, hay bước đi những bước đầu tiên. Thế nhưng, trong trường hợp phát hiện trẻ há miệng khi ngủ, mẹ đừng nên coi thường mà hãy cố gắng tập lại thói quen cho bé. Từ đó, tránh những biến chứng lo ngại cho sức khỏe của bé về sau.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/dieu-gi-co-the-xay-ra-neu-tre-ha-mieng-khi-ngu-29949/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY