Ngày càng nhiều người mắc bệnh tiểu đường và các biến chứng do tiểu đường gây ra. Tất nhiên, không phải cứ ăn nhiều đường là bị tiểu đường nhưng dù sao, việc sử dụng quá nhiều đường luôn được cảnh báo là không tốt cho sức khỏe, có thể gây ra nhiều bệnh cho cơ thể.
Đường cũng như chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong trong việc duy trì sức khỏe, thể trạng. Lượng đường sử dụng bao nhiêu cũng là một vấn đề đáng lưu tâm bởi lượng đường trong máu bất thường sẽ là nguyên nhân gây ra đau đầu và nhiều bệnh khác.
Đường có thể gây đau đầu không?
Ăn quá nhiều hoặc quá ít đường có thể dẫn đến đau đầu. Điều này là do lượng đường tiêu thụ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Chẳng hạn, ăn quá nhiều đường sẽ làm cho lượng đường trong máu trở nên quá cao và được gọi là tình trạng tăng đường huyết.
Với lượng đường trong máu cao, các vết sưng tấy nhỏ có khả năng xảy ra trong và xung quanh mạch máu và mô não dẫn đến đau đầu. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao thường đi kèm với tình trạng mất nước, cũng dễ dẫn đến đau đầu.
Mặt khác, ăn quá ít đường khiến lượng đường trong máu thấp, được gọi là hạ đường huyết. Khi lượng đường trong máu quá thấp, cơ thể sẽ chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế từ chất béo và protein, được gọi là xeton. Quá trình này được gọi là ketosis, và nó cũng dẫn đến đau đầu.
Đối với người khỏe mạnh, cơ thể của họ có thể điều chỉnh lượng đường trong máu và giữ chúng ở mức bình thường, ngay cả khi ăn một miếng bánh lớn. Nhưng những người mắc bệnh tiểu đường không thể điều chỉnh lượng đường trong máu một cách hiệu quả, vì vậy những gì họ ăn sẽ có tác động lớn hơn.
Theo các bác sĩ, những người bị bệnh tiểu đường sẽ dễ bị đau đầu do lượng đường trong máu cao hoặc thấp thường xuyên hơn. Nếu không bị tiểu đường, bạn có thể sẽ bị đau đầu liên quan đến đường nếu thực hiện chế độ từ bỏ đường hoặc bắt đầu chế độ ăn kiêng không có carb như chế độ ăn Keto, vì cơ thể bắt đầu ketosis để lấy năng lượng sau một vài ngày.
Tăng đường huyết so với hạ đường huyết
Mức đường huyết bình thường là từ 80 mg/dL đến 130 mg/dL. Khi lượng đường trong máu của bạn cao hơn hoặc thấp hơn mức đó, nó có thể gây ra đau đầu.
Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu thấp hơn 70 mg/dL. Ngoài đau đầu, các triệu chứng của hạ đường huyết có thể bao gồm:
Cảm giác run rẩy
Cảm thấy hồi hộp hoặc lo lắng
Cảm thấy cáu kỉnh hoặc tức giận (điều này đặc biệt phổ biến ở trẻ em)
Đổ mồ hôi
Tim đập nhanh
Lú lẫn
Nếu không được điều trị, hạ đường huyết có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như mờ mắt và co giật.
Tăng đường huyết là khi lượng đường trong máu là 130 mg/dL hoặc cao hơn trước khi ăn, hoặc 180 mg/dL hoặc cao hơn hai giờ sau khi ăn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
Cơn khát tăng dần
Uống chất lỏng thường xuyên hơn
Đi tiểu thường xuyên hơn
Mờ mắt
Giảm cân
Các cơn đau đầu sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi lượng đường trong máu trên 200 mg/dL. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, tăng đường huyết có thể dẫn đến một tình trạng nguy hiểm được gọi là nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA), có thể dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Cách chữa đau đầu do đường
Nếu bạn bị đau đầu và nghi ngờ đó là do lượng đường trong máu cao, hãy uống nhiều nước. Đau đầu một phần có thể là tình trạng mất nước do tăng đường huyết. Bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) để giúp giảm đau đầu.
Nếu cơn đau đầu là do hạ đường huyết, thường là do bạn chưa ăn, khi đó một bữa ăn lành mạnh sẽ giúp ích cho bạn. Tốt nhất là hãy ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với đầy đủ ngũ cốc, chất xơ và protein nạc sẽ giúp tránh hạ đường huyết.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, hãy đảm bảo rằng bạn luôn mang bên mình một loại carbohydrate có tác dụng nhanh, chẳng hạn như nước trái cây hoặc viên nén glucose hay kẹo ngọt. Những loại carbs này có thể nhanh chóng bị phân hủy thành đường, vì vậy bạn có thể tăng lượng đường trong máu nhanh chóng trước khi nó giảm xuống mức thấp nguy hiểm.
Nếu bạn không mắc bệnh tiểu đường, nhưng gần đây đã cắt giảm đường khỏi chế độ ăn uống và đang bị đau đầu, hãy đảm bảo rằng cơ thể có đủ các loại carbs phức tạp để phân hủy tạo năng lượng. Điều đó sẽ giúp tránh ketosis và các cơn đau đầu kèm theo. Các loại Carbs phức tạp bao gồm:
Ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch hoặc bánh mì
Rau như đậu Hà Lan
Các loại hạt đậu
Lưu ý:
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình trạng đau đầu do ăn quá nhiều hoặc quá ít đường, nhưng bệnh này lại phổ biến nhất đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Điều quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường là tuân theo kế hoạch điều trị do bác sĩ đề ra để duy trì mức đường huyết khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa đau đầu và các triệu chứng khác liên quan đến bệnh tiểu đường.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: