12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Điều trị huyết áp cao ở người đái tháo đường

Nhiều nghiên cứu cho thấy, huyết áp cao và đái tháo đường thường song hành cùng nhau, vì chúng có cùng những yếu tố nguy cơ như: thừa cân hoặc béo phì; chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối, đường; lười vận động…

Các nguy cơ biến chứng do đái tháo đường

Cao huyết áp là một yếu tố làm bệnh đái tháo đường tăng mức độ nặng hơn và ngược lại đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn.

Theo BS. Diệp Thị Thanh Bình (Phó chủ tịch Hội Nội tiết-Đái tháo đường Việt Nam): Tỷ lệ cao huyết áp ở người đái tháo đường cao gấp 2 lần so với người không bị. Ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 huyết áp cao thường là hậu quả của biến chứng thận.

Còn ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 nguyên nhân tăng huyết áp có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường, hoặc được phát hiện đồng thời với đái tháo đường do rối loạn tiết tố của tuyến thượng thận, tuyến giáp. Huyết áp cao ở người đái tháo đường tuýp 2 rất phức tạp, có nhiều cơ chế tham gia như tình trạng tăng insulin máu, giữ muối, giữ nước, phì đại các tế báo nội mạc của mạch máu, stress…

Theo một nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 65% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bị huyết áp cao. Dù người bệnh đái tháo đường ở tuýp 1 hay tuýp 2, nhưng khi có tăng huyết áp đều làm cho tình trạng bệnh xấu đi rõ rệt, làm cho tỷ lệ bệnh lý mạch vành và đột qụy tăng gấp 2-3 lần so với người không bị đái tháo đường.

Huyết áp cao và đái tháo đường cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch máu lớn và nhỏ: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, bệnh võng mạc mắt, xuất huyết đáy mắt, giảm thị lực, bệnh thận, bệnh lý thần kinh.

Việc giảm huyết áp sẽ giúp giảm các nguy cơ trên, đây được coi là một mục tiêu quan trọng ở bệnh nhân đái tháo đường có bị huyết áp cao (song song với điều chỉnh đường huyết tích cực và làm giảm cholesterol máu). Việc kiểm soát tốt huyết áp, thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát đường huyết.

Trong nhiều trường hợp tăng huyết áp, bệnh nhân thường không có triệu chứng nên dễ bị bỏ qua nếu không được đo huyết áp kiểm tra. Chính vì các triệu chứng thường không rõ ràng và không đặc hiệu như vậy, nên những bệnh nhân đái tháo đường cần được kiểm tra huyết áp định kỳ mỗi khi thăm khám tại chuyên khoa đái tháo đường để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh huyết áp cao.

Để giảm thiểu bệnh tiểu đường

BS. Thanh Bình cho biết thêm: Nếu điều trị huyết áp tăng cao tốt thì sẽ giảm thiểu được bệnh đái tháo đường. Để làm được điều này chúng ta đo huyết áp thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời. Khi biết mình có bệnh thì tự theo dõi, kiểm soát đường huyết, mỡ máu… Giảm béo, chế độ ăn uống hợp lí, giảm ngọt, hạn chế bị stress, thay đổi lối sống, tăng cường vận động, thể lực…

Bên cạnh đó, kết hợp với những nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, tùy thuộc theo tuổi, theo mức độ bệnh huyết áp của người đái tháo đường để bác sĩ theo dõi. Hiện nay bước đầu điều trị đái tháo đường, ít bệnh nhân được điều trị theo đơn trị liệu, đầu tiên là giảm huyết áp của người đái tháo đường bằng nhóm thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể.

Ngoài ra còn có nhóm ức chế canxi hoặc nhóm ức chế thần kinh trung ương. Đối với người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường có bị bệnh tăng huyết áp còn phải dùng thêm lợi tiểu. Các nhóm thuốc trên cũng có thể phối hợp với nhau tùy theo đánh giá của bác sĩ. Chúng ta có thể điều trị kết hợp giữa phương pháp điều trị theo đơn trị liệu kết hợp với một số thuốc thì mới đạt được huyết áp như mong muốn.

Mặt khác bệnh nhân không nên bỏ thuốc khi thấy huyết áp của mình bình thường hoặc giảm mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được khám và điều chỉnh lại đơn thuốc sao cho phù hợp. Vì khi bệnh nhân tự ý bỏ thuốc sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn mang lại điều bất lợi cho việc điều trị sau này của chính bệnh nhân.

Ngọc Luyên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/dieu-tri-huyet-ap-cao-o-nguoi-dai-thao-duong-16234/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY