(CTO) - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ đã nỗ lực điều trị giúp kéo dài tuổi thai thành công cho sản phụ bị vỡ ối non hết ối khi tuổi thai gần 24 tuần.
nhân viên y tế khoa nhi - sơ sinh điều trị, chăm sóc đặc biệt cho bé. ảnh do bv cung cấp.
Thai phụ N.T.D (41 tuổi, ở tỉnh An Giang) nhập viện ngày 10-6-2022. Qua thăm khám và kết quả các cận lâm sàng, bác sĩ ghi nhận tình trạng sản phụ vỡ ối hết nước ối, cân nặng thai khoảng 640 gram. Bác sĩ xác định, đây là tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai, vì thai phụ ối vỡ lâu, hết nước ối, có nguy cơ nhiễm trùng ối, mất tim thai bất cứ lúc nào.
Các bác sĩ hội chẩn viện, cân nhắc những nguy cơ khi kéo dài tuổi thai. Sản phụ được sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng ối theo phác đồ, hướng dẫn các biện pháp làm tăng lượng nước ối và theo dõi sát tại đơn nguyên điều trị dọa sanh non của BV. Nhờ đó, mặc dù tình trạng tạo lập nước ối rất ít mỗi ngày, thậm chí hết ối, thai vẫn khoẻ và tăng cân hàng tuần. Đến ngày 12-7, thai qua 28 tuần, ước lượng cân nặng bé khoảng 1.200 gram, các bác sĩ hội chẩn viện, cân nhắc nguy cơ mất tim thai và khả năng nuôi sống trẻ sơ sinh non tháng, quyết định tiến hành phẫu thuật lấy thai.
Ê-kíp mổ gồm nhiều phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm phối hợp nhịp nhàng giúp sản phụ “vượt cạn” an toàn, bé trai cân nặng 1.130gram chào đời, được các bác sĩ khoa nhi - sơ sinh hồi sức ngay từ phòng mổ và chăm sóc đặc biệt, điều trị tích cực. sức khỏe của bé cải thiện từng ngày, đã ăn được sữa mẹ và có thể ấp kangaroo cùng mẹ trong thời gian gần nhất.
Theo BS CKII Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng khoa Sanh cho biết: “Ối vỡ non ở thai non tháng là tình trạng ối vỡ trước khi vào chuyển dạ và trước 37 tuần tuổi thai. Khi ối vỡ non gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Sản phụ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng ối, hết nước ối, nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết, chèn ép dây rốn, mất tim thai, chuyển dạ sanh non. Trẻ sơ sinh sẽ gặp các bệnh lý suy hô hấp, vàng da bệnh lý, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, di chứng bệnh lý võng mạc”.
Do đó, thai phụ cần khám thai định kỳ đầy đủ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, giúp phát hiện nguy cơ sanh non và cách phòng, tránh. Đồng thời, nên kiểm soát cân nặng trong thai kỳ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích; tuân thủ chế độ sinh hoạt, làm việc phù hợp, tránh lao động quá sức, giữ tinh thần thoải mái. Những trường hợp có tiền căn sanh non cần được tầm soát sớm và dự phòng.