Vào năm 24 tuổi, không hiểu sao mí mắt chị mỗi ngày một nặng và sụp xuống rất khó chịu. Khoảng ba tháng sau, một sáng thức dậy chị cảm thấy không thể mở mắt được. Chị là một trong những người mắc chứng nhược cơ mí mắt, một chứng bệnh khiến toàn bộ mí mắt gần như bị kéo sụp xuống.
Từ ngày 14/11 - 26/11/2014, nhân dịp TS.BS Pierre Coulon, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc chỉnh hình và chữa trị các bệnh lý về mắt, cơ mặt đến khám và chữa bệnh tại BV FV, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh căn bệnh này.
Xin bác sĩ cho biết chứng sụp mí do nguyên nhân nào gây ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như thế nào?
Sụp mí được chia làm hai nhóm nguyên nhân: sụp mí bẩm sinh và sụp mí mắc phải. Sụp mí bẩm sinh chiếm khoảng 50-70% các trường hợp sụp mí, gồm sụp mí bẩm sinh đơn thuần, sụp mí bẩm sinh phối hợp (ví dụ phối hợp với liệt cơ nâng mí trên bẩm sinh, liệt dây thần kinh III bẩm sinh, hội chứng Marcuss-Gunn: nháy mí trong khi bệnh nhân nhai, sụp mí bẩm sinh phối hợp với dị dạng ở mặt: mí trên ngắn, hai mắt xa nhau…).
Sụp mí mắc phải có thể gặp do liệt dây thần kinh III do hội chứng khe giơi (liệt dây thần kinh III, IV, V, VI do hội chứng đỉnh hố mắt, do hội chứng xoang hang, sụp mí do bệnh nhược cơ, sụp mí do cân cơ, sụp mí sau chấn thương, sụp mí do u mí, sụp mí sau bỏng…). Ngoài ra, cần phân biệt với giả sụp mí, có thể gặp do nhãn cầu nhỏ, do viêm giác mạc.
Bệnh gây mệt mỏi, mí mắt thường không đều nhau và sẽ nặng dần theo thời gian trong ngày (ngủ dậy thường không rõ). Lúc này, người bệnh muốn nhìn thẳng thì phải ngước đầu, cổ ngửa ra sau mới thấy được.
Khi cơ mắt bị tổn thương, phản xạ đồng tử yếu. Sau một thời gian mí mắt sẽ sụp xuống, da mí trễ qua bờ mi và che phủ phần lớp đồng tử, dẫn đến cản trở tầm nhìn nghiêm trọng. Vùng da mí trên trễ xuống tạo nhiều nếp nhăn, thường xuyên gây viêm, mắt sưng đỏ và chảy nước mắt.
- Nếu không được phát hiện và kịp thời, trẻ em có thể bị nhược thị do che lấp, mắt có thể bị lác, hậu quả là làm giảm thị lực.
Sụp mí cũng có thể là biểu hiện của các bệnh nặng khác như bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III (do u não…), nếu không được phát hiện, kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
- Như tôi đã nói, bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân có một phác đồ riêng. Trước hết, bác sĩ sẽ sụp mí theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi bệnh toàn thân ổn định (như sau bệnh nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III…) mắt vẫn còn sụp mí có thể phải can thiệp phẫu thuật.
Với bệnh nhân bị viêm, cần vệ sinh sạch sẽ để loại trừ nguy cơ viêm nhiễm tiếp tục lây lan. Khi mắt giảm sưng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật chữa trị sụp mí. Dựa trên mức độ sụp mí, tôi sẽ quyết định phẫu thuật cắt bỏ da mí bị thừa và xệ.
Tiếp đó, nếu tình trạng hoạt động của cơ nâng mí quá yếu, bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách treo mí trên vào cơ trán. Nhờ cách này, mí mắt sẽ mở ra khi bệnh nhân dùng cơ trán để kéo lông mày lên.
Yếu tố vô cùng quan trọng hơn cả là song song với phẫu thuật chữa trị sụp mí, tôi thường thực hiện kỹ thuật tạo hình góc mắt để bệnh nhân có được vẻ ngoài dễ nhìn hơn, nhất là với những bệnh nhân bị sụp mí nặng.
Nếu bỏ qua yếu tố tạo hình, bệnh nhân có thể hết chứng sụp mí nhưng vẻ bề ngoài vẫn không được cải thiện bao nhiêu, gây ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân cho biết sau khi phẫu thuật thì chứng sụp mí hay bị tái phát. Nguyên nhân do đâu và có cách nào để khắc phục tình trạng này?
- Với các bệnh nhân người châu Á, lớp cơ mắt khá sâu nên phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm thuần thục và nắm rất rõ về giải phẫu bệnh mắt mới có thể thực hiện tốt được. Nếu không, tình trạng sụp mí rất dễ tái phát nhanh chóng dù bệnh nhân chỉ vừa được phẫu thuật nâng mí cách đó không lâu.
Theo Hồng Nga - Phụ nữ thành phố