Tâm linh hôm nay

Định tuệ viên dung

Tôi thích chữ định tuệ viên dung hơn là định tuệ bình đẳng hay định tuệ viên minh. Vì theo tôi hiểu thì minh trong tuệ, và bình đẳng là vẫn còn phân biệt nhị nguyên. Chỉ có viên dung là tròn một khối.

Chứng Đạo Ca của đại sư Vĩnh Gia có câu:

Tông cũng thông thuyết cũng thông,

Ðịnh huệ sáng tròn chẳng trệ không.

"Tông cũng thông thuyết cũng thông" có nghĩa là không những biết giảng kinh thuyết pháp mà còn ngồi thiền, và thông thạo cả hai. Thiền ở đây chỉ cho Thiền tông. Thuyết pháp ở đây nghĩa là giảng kinh thuyết pháp. "Ðịnh huệ sáng tròn chẳng trệ không". Một người biết cả hai thì định tuệ viên minh. Tại sao người này thạo cả thiền tông và thuyết pháp? Đó là vì vị ấy có định lực và tuệ lực. Cả hai đều hỗ tương viên dung. Định trợ giúp Tuệ và ngược lại. Có định mà không có tuệ thì chỉ là thông thiền chứ không thông giáo lý. Còn có tuệ mà không có định thì chỉ thông giáo lý mà không thông thiền. Định tuệ viên minh có nghĩa là không chấp pháp, không chấp ngã, không chấp không. Nhân, ngã , pháp, không đều là ‘không!’ ”Hòa thượng Tuyên Hóa giảng tại Phật giáo giảng đường, San Francisco, 1969, Tỳ Kheo Ni Cận Kinh chuyển ngữ sang Anh ngữ, Trích dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số tháng 1, 2013, trang 23 -23. Hoà thượng Tuyên Hóa (Venerable Hsuan Hua, tiếng Hán: 宣化上人), pháp danh là An Từ, tự Độ Luân; 26 tháng 4 năm 1918 - 7 tháng 6 năm 1995) là một tu sĩ Phật giáo gốc Trung Quốc, người kế thừa đời thứ 9 của Quy Ngưỡng Tông.

Nhưng khi đã quay về tự tánh rồi thì không bao giờ quên bản lai biết nữa.

Lúc đó, định tuệ chẳng hai, bất nhị (non dualism).

Như Lục Tổ, Huệ Năng dạy trong Kinh Pháp Bảo Đàn:

Ấn Tông lại thưa: “Huỳnh Mai phó chúc, việc chỉ dạy như thế nào?”

Huệ Năng bảo: “Chỉ dạy tức không, chỉ luận về kiến tánh, chẳng luận thiền định giải thoát.”

Ấn Tông thưa: “Sao chẳng luận thiền định giải thoát?”

Huệ Năng bảo: “Vì ấy là hai pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.”

Ấn Tông lại hỏi: “Thế nào Phật pháp là pháp chẳng hai?”

Huệ Năng bảo: “Pháp sư giảng kinh Niết-bàn, rõ được Phật tánh, ấy là Phật pháp là pháp chẳng hai.”

Thiền định giải thoát là pháp hai. Nếu là pháp hai, nhị nguyên, tức chưa phải là pháp cứu kính, thế nên nói Phật pháp là pháp không hai, bất nhị.

Có nhiều cao nhân cố gắng giảng những ý kinh ở trên rồi nhưng càng lắng nghe, càng cố giảng, càng làm người nghe thuyết lẫn kẻ cố thuyết dường như cùng đưa nhau vào ngõ cụt không lối ra?

Lục Tổ dạy tăng Pháp Hải: “Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật; thành tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật, nếu tôi nói cho đủ, cùng kiếp cũng không hết, hãy lắng nghe tôi nói kệ:

Tức tâm là tuệ,

Tức Phật là định,

Định tuệ bình đẳng,

Trong ý thanh tịnh.

Tức tâm danh tuệ,

Tức Phật nãi định,

Định tuệ đẳng đẳng,

Ý trung thanh tịnh.

Lục Tổ cũng dạy: Này Thiện tri thức, pháp môn của ta đây lấy Định Tuệ làm gốc, Định Tuệ một thể không phải là hai. Nếu biết được nghĩa này tức là cái học Định Tuệ bình đẳng.

“Bình đẳng” theo ý ngài dạy là không có định trước tuệ sau mà định tuệ xãy ra một lúc? Định tuệ không hai vậy là một, là số nhiều?

Vậy thì “an tâm kiến tánh” cái nào có trước, cái nào có sau, không hai, không một? Như trứng gà và con gà, ai có trước, có sau hay chỉ là một, không hai, xãy ra cùng một lúc?

Lục Tổ giảng, “Này Thiện tri thức, Định Tuệ ví như cái gì ? Ví như ngọn đèn và ánh sáng. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không đèn tức là tối, đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai mà thể vốn đồng một, pháp Định Tuệ này cũng lại như thế.”

Thí dụ của Ngài về thể dụng của định tuệ qua ngọn đèn và ánh sáng tuy hai mà thể vốn đồng một không còn cụ thể với trình độ hiểu biết của thế hệ ngày nay nữa.

Tôi nhận thấy nó mâu thuẫn với ý bài kệ đầu tiên của Ngài: “Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật,” (Minh cảnh diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật,)

Vì, Ánh sáng chẳng phải đèn. Định Tuệ không một vật!

Tuy nhiên, Lục Tổ cũng đã biết sẽ có chuyện này rồi nên Ngài mới biểu đệ tử viết lại Kinh Pháp Đàn để làm tin cho hậu sinh khả úy:


“... đến vô số phương tiện, bao nhiêu nhân duyên thí dụ, ngôn từ nói về pháp ấy đều vì một Phật thừa... sao chẳng tỉnh, là giả, là việc thuở xưa, một là thật, là việc hiện nay, chỉ dạy dẹp giả trở về thật, sau khi trở về thật, thật cũng không tên...”

Có thể vì vậy mà ngài giả làm kẻ vô học không bao giờ viết một chữ?

Nhất là bài kệ đầu tiên, độc nhất vô nhị, đó là bài vô nhất vật vì Ngài đã biết trước là 1500 năm sau này có một nhà sư Đại Hàn, Sùng Sơn cùng đồ tử đồ tôn tới viếng chùa, và đã dám ngạo mạn chê ngài còn để lại 3 hạt bụi.

Ngài có viết đâu mà để lại bụi?

Ai để lại bụi vô minh đó, sư Sùng Sơn?

Chỉ tội nghiệp cho những nhà sư Tàu thật thà ú ớ không đối đáp được với khách tri thức?

Cho nên cứ nhắm mắt y kinh giảng nghĩa có khi tam thế Phật oan nhưng phải anh minh, tùy duyên, tùy căn, dù lìa kinh nhất tự chưa chắc đồng ma thuyết.

Trái lại, những bật thượng thừa này có thể làm cho tổ và Phật hài lòng vì đã vượt thời gian diễn đạt được ý thánh.

Lục Tổ có dạy: “... chỉ tùy phương mở trói, giả danh là tam-muội.”

Đây là những vấn đề rất khó mà thông suốt và khả dĩ có thể chấp nhận dễ dàng với tâm cố chấp nhị nguyên của đa số chúng ta.

Tôi thích chữ định tuệ viên dung hơn là định tuệ bình đẳng hay định tuệ viên minh. Vì theo tôi hiểu thì minh trong tuệ, và bình đẳng là vẫn còn phân biệt nhị nguyên. Chỉ có viên dung là tròn một khối.

Tâm bình không nhọc giữ giới,

Hạnh thẳng không cần tu thiền.


Tâm bình hà lao trì giới,

Hạnh trực hà dụng tu thiền.

(Huệ Năng)


Lê Huy Trứ

Lê Huy Trứ

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/dinh-tue-vien-dung-d29815.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY