“Cứ để đấy, tý anh làm cho”
Câu trả lời rất thường xuyên mà Dung nhận được từ chồng. Một lần, hai lần rồi ba lần. Dung hậm hực lắm nhưng không biết dùng cách gì để chồng có thể nhấc mông khỏi ghế, rời mắt khỏi cái tivi mà đứng lên thay cho mình chiếc bóng điện đang nháy tía lia lúc sáng, lúc tối trong phòng bếp. Dung biết không phải chồng không biết làm, thừa sức ý chứ. Nhưng cái “bệnh” của anh là “hứa để đấy”, có nhăn mặt thậm chí cáu lên với anh thì anh bỏ cho một câu “Bếp là không gian nấu nướng của em. Có phải anh làm hỏng cái đèn đó đâu mà em cáu với anh? Tóm lại cứ để đấy mai anh làm
Chán nản, Dung đem chuyện nói với mẹ. Nghe xong bà mẹ phì cười “Với tính cách như thằng Dũng thì con có nói hàng trăm lần, hay nhắc nhở liên tục thì cũng thế thôi. Cách tốt nhất là con phải ép nó làm bằng được lúc con có mặt ở đó, giám sát trực tiếp luôn, không có hứa có thề gì hết”.
Nghe lời mẹ, hôm sau Dung mua sẵn chiếc bóng đèn, chỉ chờ chồng về để “cưỡng ép” và “giám sát thi công”. Chồng vào đến cửa, ném chiếc cặp xuống ghế, định ngồi xuống thì Dung đứng trước mặt và giơ cho anh xem chiếc bóng đèn đã mua và dõng dạc: “Em mua bóng rồi, hoặc là bây giờ anh đi thay cho em, hoặc là tối nay không có cơm nước gì hết”. Chồng ngẩn người ra nhìn Dung cười rồi cũng cầm chiếc bóng vào bếp thay.
Khi chồng bạn thích hứa suông, hứa cho vui miệng mà không thèm biến lời nói thành hành động, thì bạn hãy tìm mọi cách để chồng phải làm ngay, làm luôn, làm trước mặt bạn. Như thế thì “bệnh tình” mới “thuyên giảm” được.
“Đó có phải việc của anh đâu!”
Đi làm về, mệt rã rời nhưng nào có được nghỉ ngơi. Vội vội vàng vàng đảo qua chợ rồi quay về nhà đánh vật với bữa tối, dọn nhà, quần áo bẩn… Ấy nhưng mà chồng về, đến chiếc cặp cũng không vác lên phòng làm việc, quẳng ngay giữa ghế, cười chào vợ một cái rồi ôm lấy tivi, mặc kệ vợ đang chạy đi chạy lại như con thoi. Khi cơm canh đã bày sẵn, chồng đã tắm giặt thơm tho xong xuôi, ngồi xuống ăn ngon lành. Vợ nhìn mà thở dài, có trách móc mấy câu thì chồng càu nhàu: “Em buồn cười thật. Đó là việc của em chứ có phải việc của anh đâu!”.
Bạn có biết? + Số thời gian trung bình được các bà vợ dành cho nội trợ là 3 giờ 40 phút, trong khi đó số thời gian này đối với các ông chỉ là 0 giờ 50 phút. + Rất nhiều nữ công chức làm việc không kém gì đàn ông nhưng khi về nhà vẫn phải tiếp tục làm việc nhà trong khi chồng của họ ngồi uống trà, xem tivi, đọc báo hay đi nhậu. + Không ít phụ nữ đã không thể trả lời được những câu hỏi đơn giản như chương trình thời sự tối qua có gì, nhiệt độ hôm nay bao nhiêu... vì việc nhà đã choán hết quỹ thời gian eo hẹp sau 8 tiếng công sở. (Theo nghiên cứu của PTS Nguyễn Thị Hoà, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp.HCM đối với các hộ gia đình ở thành phố). |
Đối phó với những dạng “bệnh lý” này không phải là không có cách, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào biểu hiện của “đối phương”.
“Em á, em cho lão ta biết thế nào là ‘việc của em’. Sáng em không thèm dậy sớm làm đồ ăn, chỉ trang điểm rồi đi làm. Chồng có hỏi thì bảo: ‘Anh ra hàng mà ăn’.
Chiều lang thang ăn gì cho no bụng rồi về lăn ra giường xem tivi. Chồng đi làm về, không thấy cơm, bếp lạnh tanh hỏi sao không nấu? Em bảo: ‘Em mệt, đồ ăn vẫn còn, anh nấu đi’. Chồng cáu um lên, em cũng đáp lại, rồi hai vợ chồng thi gan, cuối cùng chồng vốn háu đói, hay ăn, dậy đi nấu rồi ăn một mình.
Em điềm nhiên dậy ăn, chồng hỏi sao không nấu đòi ăn? Em vặn lại: ‘Chẳng phải anh vẫn thế cả năm nay hay sao?’. Quần áo của chồng em cũng chả giặt nữa, kệ lão tự thân. Mấy ngày liền thấy bẩn quá không chịu được cũng đem đám đồ nhét vào máy giặt rồi bỏ ra phơi. Tiến bộ hết biết. Chồng cũng tức lắm nhưng quát hay cáu thì em cứ lỳ ra.
Sau hai tuần, em bắt chuyện lại và nói chuyện nghiêm túc với chồng. Cuối cùng thì chồng cũng phải gật. Đấy là mới có hai vợ chồng, chứ chuẩn bị có con cái nữa mà chồng cứ thế thì chắc em chết”.
Đây cũng là một “chiêu” đáng để chị em có chồng lười áp dụng thử. Nhưng quả thực nếu đức ông chồng nào mà khi vợ không nấu cơm lập tức ra ăn hàng thì đúng là… hết thuốc chữa.
“Anh làm còn em làm gì?”
Vợ đang nấu cơm mà nhờ được chồng nhặt cho mớ rau hay rửa giúp miếng thịt thì cũng… hơi khó nhỉ!
Ngó ông chồng đang nằm ườn ngoài phòng khách xem đá bóng, Mai quyết tâm phải lôi dậy bằng được giúp mình thì thôi “Anh, dậy vo gạo cắm cho em nồi cơm đi. Em làm đồ ăn cho nhanh. Muộn rồi!”. Chồng nghe thấy thế thì ngóc đầu lên nhìn Mai “Thế anh làm rồi thì em làm gì? Sao lại bắt anh làm?”.
Cái tính so đo tính toán của chồng lúc này cũng chẳng khác đứa trẻ lên 5 là bao. Nếu vào tình huống của Mai lúc này mà bạn buông tay, không chiến đấu đến cùng thì “đối phương” càng đắc thắng và sẽ áp dụng “kế” này dài dài để trốn việc nhà.
Thấy chồng nổi cơn tị nạnh, Mai ngồi xuống bên chồng nhẹ nhàng “Thế này nhé, nếu anh đi cắm cơm, dọn mâm thì em nhặt rau, nấu canh, rán cá, chiên trứng. Bằng không thì ngược lại, anh vào bếp, em cắm cơm, dọn mâm, giặt quần áo luôn. Anh chọn cái nào thì chọn”.
Chồng nghe thấy thế bật dậy luôn, mắt trợn tròn “Sao lại giao việc cho anh? Đó là việc của em chứ!”. Mai tủm tỉm “Thế thì chỉ mình em ăn thôi nhé. Quần áo anh cũng tự giặt, tự là luôn đi. Em có ăn một mình đâu!” Chồng xuôi mặt rồi cũng chịu lóc cóc theo vợ vào bếp.
Đôi khi chồng… dễ thương hơn bạn tưởng! Hãy tận dụng ngay cái tính “so đo, ganh tị” ấy mà “trị” chồng. Đừng cáu gắt, đừng to tiếng. Hãy nhỏ nhẹ nói cho chồng biết việc nhà nhiều như thế nào, chồng có thể làm giúp những việc gì, hãy cho chồng chọn.
“Đó là việc đàn bà mà”
Câu cửa miệng đó ai cũng có thể bắt gặp hàng ngày trong mọi gia đình. Đàn ông thường mặc định việc nhà là việc của phụ nữ. Chính vì thế chồng luôn tự cho mình cái quyền ngồi chơi xơi nước, ngắm vợ làm việc nhà.
Thành công sau “chương trình cải tạo chồng”, chị Thanh An cười nhớ lại quãng thời gian mới cưới. Vốn là con trai một, lại là cháu đích tôn nên chồng chị được gia đình cưng chiều từ nhỏ. Gia đình gốc Nho học, anh được giáo huấn theo quan niệm: Đàn ông chỉ ở ngoài kiếm tiền, chuyện bếp núc, nhà cửa là của phụ nữ. Lấy vợ về, thời gian đầu gia đình tạm ổn do có người giúp việc. Nhưng khi người giúp việc nghỉ, hạnh phúc gia đình cũng bắt đầu lung lay.
Ban đầu chị lặng lẽ làm việc, nhưng thấy anh cứ dửng dưng, chị nổi cáu: “Anh ngồi vậy mà chịu được à? Phụ em đi chứ”. Thấy vợ cáu kỉnh, anh ngơ ngác: “Anh phụ gì bây giờ?”. Nghe chồng trả lời, chị càng giận: “Anh nói vậy mà nghe được hả? Anh phải thấy và tự động làm giúp em chớ. Anh đâu phải con nít mà biểu em dắt tay chỉ việc”.
Thế là “chiến tranh” bùng nổ. Giận nhau mấy ngày, cuối cùng chị nói chuyện thẳng thắn với chồng, liệt kê cả một danh sách dài những việc anh chưa từng biết đến rồi hỏi “Anh có thể giúp em những việc gì trong số này?” Chồng chị được phen xanh mặt vì số lượng “khủng” của những việc không tên. Từ đó hai vợ chồng có sự phân công rõ ràng hơn trong công việc gia đình.
Một cách khác rất hữu dụng mà chị em cũng nên làm theo. Thông thường ông chồng nào cũng thích được… vợ nịnh. Muốn nhờ chồng làm việc gì đó hãy thử tài ăn nói của mình xem sao. “Anh giúp em đi. Em không biết nấu món đó. Công thức phức tạp lắm!”, “Làm cùng với em đi, nhiều quần áo thế em sao bê nổi”… Hãy “dụ dỗ” chồng chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình trong… việc nhà. Tất nhiên kế sách này phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của bạn, cũng như phụ thuộc vào chồng thuộc tuýp người nào. Nhưng tội gì không thử, đúng không?
“Có vợ để làm gì chứ?”
Hút thuốc là không bao giờ đổ gạt tàn, nằm trên giường đọc báo, đọc xong nằm đè lên ngủ luôn, quần áo thay xong cái thì vắt ở tay vịn cầu thang, cái ném trên giường, cái quẳng trên ghế, mở tủ lấy quần áo không bao giờ đóng lại… Đó là một trong rất nhiều biểu hiện của những ông chồng lười đến… bê bối. Chồng cho rằng lấy vợ về thì vợ phải có nghĩa vụ chăm lo “từng miếng cơm giấc ngủ”. Vậy thì trong trường hợp này vợ phải làm gì?
Dễ thôi. Kệ. Dứt khoát không làm thay, không đi theo sau “giải quyết hậu quả” nữa. Gạt tàn đầy sẽ phải tự động đi đổ. Báo nát vụn cũng để đó, muốn có chỗ nằm sạch sẽ ắt phải tự dọn. Quần áo bẩn hết không có đồ mặc sẽ phải tự động tìm cách giặt giũ… Cho dù cách này chắc chắn sẽ khiến “cơm không lành, canh không ngọt” một thời gian, nhưng bạn hãy kiên nhẫn.
Dù có “ngứa mắt” thế nào cũng nhất định không được xông vào làm thay, giúp đỡ. Khi chưa trải qua thì chồng chưa biết nỗi khổ của bạn đâu. Hãy để phu quân “nếm mùi” thử thách và trải nghiệm vài ngày trong địa vị của bạn. Sau đó hãy nhẹ nhàng bảo chồng phát biểu cảm nghĩ. Chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp hơn đấy.
“Khi có người khác thì em làm đi”
“Khi chỉ có hai vợ chồng thì anh xã nhà mình chẳng nề hà gì, làm tất, từ việc nấu cơm, giặt giũ, quét dọn, chăm con… nhưng hễ cứ có người thứ ba là quên đi nhé, đừng hòng lão mó tay vào việc gì”, chị Hiền thở dài. Mấy chị khác trong công ty gật gù đắc ý vì thấy giống chuyện nhà mình quá. Có ông chồng đặc biệt gia trưởng khi về nhà bố mẹ đẻ mình. Dù có thương vợ cách mấy thì cũng cứ dửng dưng mặc kệ vợ mồ hôi mướt mải, chạy đi chạy lại cơm nước, dọn dẹp cỗ bàn. Một khi cái máu sĩ diện nổi lên thì vợ con cũng dẹp xuống hàng thứ yếu!
Tính sĩ diện ở đàn ông là muôn thuở, rất khó để bắt các ông ấy phải xăng xái, chăm chỉ giúp vợ chuyện bếp núc, dọn dẹp khi có mặt gia đình chồng. Tuy nhiên, chị em có thể khích lệ chồng bằng cách khen anh ấy trước mặt nhà chồng để “thỏa mãn tính sĩ diện” của chồng trước rồi mới nhờ vả sau, kiểu như: “Anh nấu món này ngon hơn em, bình thường chỉ mỗi mình em được thưởng thức, hay hôm nay anh trổ tài cho mọi người đều được thưởng thức đi”.
Lưu ý, đàn ông là chúa ghét bị vợ dạy dỗ, sai bảo. Bởi vậy, bao giờ phụ nữ cũng nên nhẹ nhàng, luôn đề cao vai trò của chồng, nhất là trước mặt mọi người. Chồng bạn đâu nỡ từ chối khi biết mình có vai trò quan trọng như thế với vợ “nếu mình không giúp cô ấy thì đâu đáng mặt đàn ông nữa đây!”.
Chồng thích “vác tù và hàng tổng”
Nếu cô hàng xóm có nhờ sửa cái bóng đèn thì các ông giúp ngay còn vợ có nhờ sửa cái vòi nước bị hỏng thì có khi cả năm cũng kệ. Chồng nhiệt tình đến mức kiêm luôn thợ điện, thợ khóa, thợ hàn… cho cả khu phố. Ra ngoài ai ai cũng khen vợ tốt số lấy được Mr. Chồng Hoàn Hảo, vừa tốt tính, nhiệt tình lại vừa giỏi kiếm tiền. Có ai biết đâu được, ở nhà chồng đối lập hoàn toàn.
Vợ đi làm đầu tắt mặt tối, về đến nhà thì chẳng khác nào ôsin cao cấp (không phải trả lương lại được “phục vụ miễn phí”… trên giường!). Chồng mặc vợ vừa cơm nước, dọn dẹp, vừa chăm con, dạy con học bài, vừa giải quyết các sự vụ: thay bóng đèn, sửa vòi nước, khoan tường, gọi thợ đến sửa đường điện bị hỏng, lát lại cái bếp…
Ông chồng này chỉ muốn ghi điểm với thiên hạ thôi còn không đoái hoài đến cảm xúc của vợ. Cần phải làm cách nào đó cho anh ấy biết, cảm giác của vợ còn quan trọng hơn lời cảm ơn của cô hàng xóm, nói chuyện chuyện thẳng thắn với chồng để anh ấy hiểu vợ hơn.
Trong trường hợp cần thiết, có thể để hàng xóm mục sở thị được cảnh “lười” của chồng khi ở nhà. Tuy nhiên, cần chọn người hàng xóm tốt bụng và kín miệng, là người mà chồng bạn tôn trọng, để qua đó anh ấy tự suy ngẫm và điều chỉnh.
Có thể chồng bạn chỉ hơi vô tâm chứ thực chất không phải là gã mắc bệnh “lười” kinh niên. Sợ nhất là anh ấy không có tình thương với vợ. Bằng không thì chỉ cần một chút tế nhị, khéo léo của bạn sẽ làm biến chuyển được anh ấy thôi!
Con mình mà cứ như con người khác
“Hồi mới yêu thấy anh ấy thích vui đùa với trẻ con mình cứ nghĩ hẳn sau này anh ấy sẽ là một ông bố tuyệt vời. Nhưng, sự thật giờ hoàn toàn ngược lại. Chiều nào hết giờ làm là chồng đi nhậu nhẹt, để mặc vợ đánh vật với đống việc nhà và chăm con nhỏ. Hai ngày cuối tuần thì chồng cũng chỉ chơi với con được một chốc một lát rồi lại lỉnh vào phòng ôm lấy cái máy vi tính”, chị Hoa hậm hực chia sẻ.
Một chị chêm vào: “Gớm, lão chồng em cũng có khá hơn gì. Chỉ thích hôn hít, nựng nịu con lúc vợ vừa tắm cho con sạch sẽ, còn khi nó ị, nó tè hay mè nheo là lão bế con trả lại vợ ngay. Nhìn thấy cái quần con tè ra cũng mặc, không dám cầm lên bỏ vào chậu để vợ giặt vì sợ bẩn. Con bé được 3 tuổi nhưng chưa một lần chồng cho con ăn hay tắm cho con, thậm chí khi con ốm quấy khóc, vợ mệt rã rời vì thức đêm mà nhờ trông con một tí chồng cũng còn lưỡng lự”….
Để đối phó với những ông chồng kiểu này thì trước hết phải nói ngon nói ngọt. Đàn ông mà, ông nào chẳng thích nhẹ nhàng, kiểu như “anh ơi, hôm nay em mệt quá, rồi giả vờ đi nằm và bảo anh làm giúp em nếu không thì lúc nào em đỡ mệt em làm”... Nhìn vợ yếu đuối thế có ông nào không mềm lòng giúp vợ một tay. Nhưng nếu vẫn không ăn thua thì đành dùng tình cảm của con để chồng có trách nhiệm hơn.
Nhiều chị đã “huấn luyện” cho con thích được bố làm cho một số thứ, ví dụ như: “con thích bố đút cho con cơ”, “bố kể chuyện cổ tích thì con mới ngủ”, “bố ơi, con muốn đi tồ/đi ị, bố lấy bô cho con”… Hay có chị áp dụng chiêu: nói với con là “nếu con nhìn thấy mẹ rảnh thì gọi mẹ còn không hãy gọi bố”… Có thể ban đầu các ông rất ngại, thậm chí còn cáu gắt nhặng xị nữa nhưng hãy kiên trì, lâu dần chồng sẽ thấy “à hóa ra việc đó cũng không đáng ngại như mình nghĩ”, nhất là khi tình cảm bố con quấn quýt thì việc chăm con sẽ trở nên tự nguyện.
Trương Nhung
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: