Tại phiên họp Chính phủ ngày 5.5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá…, Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam…
Cũng theo dự thảo, sẽ cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.
Về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như công tác quy hoạch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư…
Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc; có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ.
Về đầu tư công, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020”, dự thảo Nghị quyết nêu rõ.
Báo cáo việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỉ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định: "Gói hỗ trợ đang được triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch và cho đến giờ này chưa phát hiện và chưa có bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương".
Đến nay, đã có 63/63 địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân; 40/63 tỉnh, thành đã chi tiền trên 20.000 tỉ, trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ; giải ngân 12.400 tỉ và cơ bản đến ngày 15.5 thì chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng này. Từ ngày 10.5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do mất việc.
"Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để làm sao việc triển khai tiếp tục nhanh nhất và kịp thời nhất, đồng thời đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng đối tượng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về tình hình lao động, việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết gần đây có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để sa thải, ngừng việc đối với lao động nữ lớn tuổi và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
"Việc này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã cùng với một số địa phương kịp thời chấn chỉnh và đến nay thì không còn hiện tượng này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 4 là 102 nghìn người, tăng 9% so với tháng 3 năm 2020. Số lao động bị chấm dứt hợp đồng, tính đến cuối tháng 4 là 670.000 người, tăng 270.000 người; số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 tăng 20% trong tổng số doanh nghiệp bị tác động là 70%.
"Bắt đầu từ tháng 5, tình trạng này giảm đi và lao động bắt đầu trở lại thị trường lao động, nhất là lực lượng lao động tự do, khu vực kinh tế dịch vụ", Bộ trưởng Dung cho biết.
Về công tác quản lý lao động nước ngoài, nhất là việc cấp phép lao động đối với các chuyên gia, lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH cho biết cùng các địa phương tiếp tục duy trì cấp phép lao động bình thường, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Đối với chuyên gia và lao động có trình độ đang ở nước ngoài chờ vào Việt Nam. chúng ta thực hiện một cách thận trọng giải quyết từng bước, cấp phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo ưu tiên tính cấp thiết của từng ngành, tập trung vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp; ưu tiên các nhà quản lý điều hành mà không thể vắng mặt được, đi đôi với đó là kiểm soát chặt chẽ, phòng chống dịch theo quy định.
“Chúng tôi đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân, hạn chế việc rút bảo hiểm một lần; kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, mua gom sổ BHXH để hưởng chênh lệch. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH, cùng với BHXH nghiên cứu và sẽ chuyển nhanh sang bảo hiểm điện tử để hạn chế tối đa tình trạng này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Chủ đề liên quan:
Covid 19 đầu tư công dịch bệnh doanh nghiệp lao động lợi dụng Lợi dụng dịch bệnh lớn tuổi nghiệp sa thải