Sức khỏe hôm nay

Đối phó với những tai nạn trẻ hay gặp vào hè

Nhiều vụ tai nạn hay những chết thương tâm ở trẻ em thường xảy ra vào mùa hè nhiều hơn, nên các bậc làm cha, làm mẹ cần hết sức lưu ý để tránh cho con em mình khỏi những tai nạn đáng tiếc này.

Hãy tạo cho trẻ những trò chơi lành mạnh nhất trong hè này (Ảnh minh họa)

Mùa hè các bé được nghỉ học mà cha mẹ lại không được nghỉ làm, bé có cả ngày để chơi đùa và khám phá thế giới xung quanh, nhưng cha mẹ lại không có nhiều thời gian để theo sát con nên các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý mọi đồ đạc, thói quen cất giữ đồ sao cho hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn cho trẻ.

Một vài những tai nạn dưới đây có thể giúp cho phụ huynh rút được kinh nghiệm tránh cho con mình mắc phải.

Hóc đồ ăn

Khi ăn những loại quả có hạt, ngồi cắn các loại hạt như hạt bí, hạt dẻ, hạt hướng dương hay các loại kẹo có hình dáng nho nhỏ mà vừa ăn bé vừa cười đùa thì rất dễ xảy ra tình trạng bị hóc đồ ăn ở cổ họng dẫn đến khó thở.

Tốt nhất là đừng nên cho bé ăn các loại thức ăn có hạt này hoặc nếu bé muốn ăn cha mẹ hãy chịu khó bỏ hết hạt ra cho trẻ.

Điện giật

Do những chùm đèn trang trí trên chậu cây kiểng, quạt điện, đèn hào quang nhấp nháy ở các bàn thờ hấp dẫn trẻ đến tò mò, sờ mó nên bị điện giật.

Phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để xa tầm với của trẻ. Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn.

Bỏng

Vào ngày hè, trẻ nhỏ ở nhà hay tìm hiểu thế giới xung quanh nên trẻ vướng phải các bình nước sôi, nồi canh nóng trên bàn hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây bỏng trẻ.

Cha mẹ cần hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ, tốt nhất có người giữ trẻ để không cho trẻ “phá” và không cho trẻ vào nhà bếp, để xa tầm với của trẻ các đồ vật, thức ăn uống đang nóng.

Ngạt nước

Một số gia đình có hồ kiểng non bộ trong nhà gần chân cầu thang, trẻ có thể đến đó và té vào hồ hoặc vào buồng tắm nghịch nước, té vào xô nước hoặc bồn cầu gây ngạt nước. Tốt nhất không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, xô nước bồn cầu được đậy nắp hoặc không chứa nước.

Trẻ lớn đi bơi ở sông suối, ngay cả hồ bơi không có người lớn đi kèm, theo dõi có nguy cơ bị đuối nước.

Uống nhầm, ăn nhầm

Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng chẳng hạn thức ăn trộn thuốc diệt chuột, côn trùng hoặc thuốc an thần, động kinh (phenobarbital, haloperidol...), đưa đến ngộ độc có thể ảnh hưởng tính mạng trẻ.

Phụ huynh lưu ý không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm thấy của trẻ.

Ong đốt

Trẻ đi chơi ngoài vườn, chọc phá tổ ong, bị ong bay ra tấn công. Phòng ngừa bằng cách phát quang xung quanh nhà, dạy trẻ không chọc phá tổ ong.

Rắn cắn

Các trẻ ở vùng quê đi chơi ruộng đồng, vườn cây, rừng cao su... bị rắn cắn.

Phòng ngừa bằng cách tránh sinh hoạt nơi có nhiều rắn rết hoạt động, mang giày cao ống khi vào rừng, vườn cây có nhiều lá khô- nơi rắn thường ẩn náu hoặc tránh leo trèo cây xanh - nơi có rắn lục xanh lưu trú.

Phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ và thiết kế trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà quý phụ huynh cảm nhận, ý thức được.

Vi Vi (T/H)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/doi-pho-voi-nhung-tai-nan-tre-hay-gap-vao-he-7726/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY