Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đối phó với sở thích “chôm đồ” của con

Chị Nguyễn Minh Huyền (Đà Nẵng) sững sờ khi nghe cô giáo chủ nhiệm của con chị thông báo con đã nhiều lần lấy trộm đồ của bạn. Nhà không phải nghèo khổ gì, con gần như được đáp ứng mọi nhu cầu, vậy mà chị Huyền không hiểu tại sao con lại mắc phải thói quen rất xấu này.

Đối phó với sở thích “chôm đồ” của con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Từ khi con đi học, thỉnh thoảng thấy trong cặp con có món đồ lạ như cây bút, cục tẩy hay đồ chơi, chị Huyền hỏi thì con đều bảo được bạn cho, con giúp bạn làm bài nên bạn tặng. Chị Huyền cũng thấy điều đó là bình thường. Con vốn học giỏi nên thỉnh thoảng có bạn trong lớp nhờ giải bài Toán hoặc làm hộ bài tiếng Anh. Mỗi lần như thế, con đều được bạn "trả công" bằng một món đồ gì đó.

Thế nên, khi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 4 của con thông báo rằng con không ít lần là thủ phạm trong việc mất đồ của lớp, chị Huyền rất ngỡ ngàng. Chị không thể bình tĩnh, mọi thứ trước mắt chị như tối sầm lại. Chị nghĩ lại, có thể con đã có thói quen lấy trộm đồ của các bạn từ những thời gian trước. Vì con nói dối và qua được mặt mẹ nên con thấy việc lấy trộm đồ của người khác không bị làm sao. Không ai nói cho con việc đó là xấu và dần dần khi sở hữu món đồ mà mình thích, con còn thấy việc lấy trộm đồ như một "thú vui".

Điều khiến chị Huyền lo lắng là với tính cách này của con, lớn lên có thể con vẫn sẽ giữ thói quen tắt mắt. Điều ấy thật khủng khiếp và không chấp nhận được.

Theo bác sĩ tâm lý trẻ em Cheonseok Suh (Hàn Quốc), đây là hành động không tốt ở trẻ và phải sửa đổi nhưng không vì thế mà bố mẹ cho rằng con gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Bố mẹ cần dạy cho con biết đâu là hành động đúng, làm thế nào mới đúng là được. Nếu bố mẹ chỉ nói một lần, con chưa thể thay đổi hoàn toàn được. Một số thứ học khá dễ dàng nhưng có một số thứ lại mất nhiều thời gian. Trong số những hành động sai, một vài hành động sẽ vẫn tiếp diễn khi con đã lớn. Nhiều bố mẹ hoảng hốt và tìm cách sửa đổi con thật nhanh, nếu con không thay đổi thì bố mẹ sẽ quay sang quát mắng con và điều đó càng khiến con buồn phiền hơn.

Bố mẹ hãy kiên trì điều chỉnh con dần dần. Cũng không cần phải lo lắng vì lo lắng chỉ khiến bố mẹ hành động thái quá. Hành động quá khích chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn khiến con bị tổn thương, thậm chí khiến cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo bác sĩ tâm lý Cheonseok Suh, lý do khiến trẻ lấy trộm đồ của bạn rất đa dạng và thay đổi từng chút tùy theo độ tuổi. Đối với các bé còn nhỏ, trẻ vẫn chưa hình thành khái niệm "sở hữu" để phân biệt đồ của mình và của bạn. Ở độ tuổi của con chị Huyền, không thể nói việc con lấy đồ của bạn để chơi là lấy trộm. Khi thấy món đồ chơi hay ho, con "chỉ cầm về chơi" mà thôi. Vì vậy, thay vì mắng con chuyện đã lấy đồ của người khác, đầu tiên bố mẹ hãy dạy con về khái niệm "sở hữu".

Bố mẹ có thể giải thích với con: "Mọi đồ vật đều có chủ nhân của nó. Chủ nhân mới là người có thể giữ món đồ ấy. Nếu con không phải là chủ nhân thì không được giữ nó. Nếu con muốn chơi thì con phải được bạn cho phép. Nếu bạn không đồng ý thì con sẽ buồn nhưng con tuyệt đối không được lấy món đồ đó đâu nhé. Có một số thứ mọi người sẽ cùng là chủ nhân chung. Những thứ đó con có thể chơi nhưng không được chơi một mình, cũng không được tự ý mang về nhà, con nhé!". Chỉ cần bố mẹ bình tĩnh giải thích cho con như vậy thì trẻ sẽ hiểu và làm theo.

Theo PNVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/doi-pho-voi-so-thich-chom-do-cua-con-20210120231712081.htm)

Chủ đề liên quan:

gia đình nuôi dạy con

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY