Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đồng nghiệp mắc COVID-19, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn không lùi bước

Dù đã có bác sĩ, nhân viên y tế mắc COVID-19, nhưng các chiến sĩ áo tráng vẫn đang nỗ lực ngày đêm vì người bệnh, bình tĩnh đối mặt nơi tâm dịch.

Một ngày của Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và các đồng nghiệp vẫn đều đặn theo guồng như thế; thăm khám các bệnh nhân nhiễm COVID-19, tiếp nhận những ca mới; họp bàn để đưa ra phương án điều trị cho các ca, nặng có, nhẹ có...

Dù là những ngày đầu chống dịch, cho tới hôm nay, khi đã có chính những đồng nghiệp của anh mắc bệnh, vẫn vậy. Bởi, không có chuyện lùi bước trong cuộc chiến cam go này.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, cho biết: Từ khi bắt đầu vào đợt 2 của dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã trở thành tâm điểm khi tập trung điều trị, theo dõi sức khoẻ của hơn 60 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực. Khối lượng công việc của các y bác sĩ ngày càng nhiều lên sau mỗi ca bệnh được đưa tới. Nhưng điều khiến họ áp lực hơn cả có lẽ là việc đã có đồng nghiệp cùng nhau “chiến đấu” mắc bệnh.

Đến hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 là nhân viên y tế, trong đó có 2 bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Khi được hỏi về vấn đề này, BS. Nguyễn Trung Cấp vẫn từ tốn như mọi khi: “Tinh thần chung của chúng tôi là bình tĩnh đối mặt và quyết tâm cao hơn nữa khi dịch ngày càng phức tạp. Sau sự việc vừa rồi, chúng tôi đang đánh giá, rà soát lại tất cả các yếu tố có thể gây nguy hiểm để cẩn trọng hơn”.

Cũng theo BS. Nguyễn Trung Cấp, nguy cơ lây nhiễm với cán bộ y tế ở đâu cũng có thể có xảy ra. Đơn cử như hiện nay, tại Trung Quốc, Mỹ… hay các nước có nền y học hiện đại nhất, vẫn có việc lây nhiễm trong bệnh viện, và hầu như quốc gia nào có dịch, thì cũng đã có nhân viên y tế bị lây nhiễm.

Giải thích thêm về nguy cơ này, BS. Nguyễn Trung Cấp cho rằng: Hiện nay chưa thể trang bị bộ phòng hộ của phòng an toàn sinh học cấp 4 cho các y, bác sĩ điều trị trực tiếp cho ca dương tính với virus SARS-CoV-2, mà chỉ đang sử dụng bộ trang bị phòng hộ với lây nhiễm thông thường. Còn vật tư cơ bản như khẩu trang N95, thì cũng ngăn ngừa được 95% số hạt mang mầm bệnh; tức là vẫn có 5% khả năng hít phải mầm bệnh. Trong khi đó, chúng ta không có loại khẩu trang N100 hay P100 đảm bảo tuyệt đối nên nguy cơ lây nhiễm là có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, tiếp xúc lâu với người bệnh, vẫn có những trường hợp khẩu trang bị lỏng, hở mà nhân viên y tế không phát hiện ra được. Bởi khẩu trang không giống như dạng băng dính dán chặt, mà chỉ là đeo vào, nên nguy cơ phơi nhiễm là có.

“Bởi vậy, việc đồng nghiệp mắc COVID-19 là điều chúng tôi đã từng dự đoán, lường trước, nên không vì thế mà hoảng loạn. Các y bác sĩ nơi tâm dịch vẫn bình tĩnh, làm việc và thực hiện việc đúng các quy định về dự phòng lây nhiễm tại cơ sở y t”, BS. Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Thông tin về bác sĩ nhiễm bệnh, BS. Nguyễn Trung cấp cho biết, sức khoẻ của bác sĩ này vẫn tương đối ổn định, đang được điều trị tại viện.

Ngoài bác sĩ nhiễm bệnh đã được cách ly, điều trị; các y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày ngày vẫn tiếp tục guồng công việc của mình, và chưa một ai vì thế mà nản chí, lo lắng. Đây mới là điều khiến mỗi chúng ta cảm phục. Như BS. Nguyễn Trung Cấp, từ khi bước vào dịch tới giờ, anh vẫn chưa một lần được về nhà. Cùng các đồng nghiệp, anh làm việc, cách ly tại bệnh viện theo chế độ của người tiếp xúc F1.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo tin tức (https://baotintuc.vn/xa-hoi/dong-nghiep-mac-covid19-bac-si-benh-vien-benh-nhiet-doi-trung-uong-van-khong-lui-buoc-20200326122322165.htm)

Tin cùng nội dung

  • Cơ thể cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để lành vết thương, chống nhiễm trùng và phục hồi sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị thiếu hoặc suy dinh dưỡng trước khi mổ, quá trình hồi phục có thể gặp trở ngại.
  • Khi ung thư hay việc điều trị ung thư gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến việc ăn uống bình thường, những thay đổi là cần thiết để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Thu*c có thể được dùng để kích thích khẩu vị.
  • Thực tế có không ít trường hợp bị đột quỵ, ch*t trên bàn game vì chơi quá nhiều. Điều đáng quan tâm là hiện nay số ca bệnh liên quan tới nghiện game ngày một tăng và trẻ hóa.
  • Doxycycline là một kháng sinh nhóm cycline, từ lâu được dùng để điều trị bệnh trứng cá đỏ, viêm tiết niệu, viêm dạ dày - ruột, nhiễm Chlamydia...
  • Cao huyết áp là một chứng bệnh về tim mạch của người cao tuổi, nhất là hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ, số người béo phì xuất hiện nhiều. Bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và để lại nhiều di chứng nặng nề.
  • Trong các phương pháp điều trị bệnh cao HA, bên cạnh việc dùng Thuốc có những phương pháp mang tính cổ truyền có thể giúp mọi người phòng ngừa và điều trị tốt bệnh này.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
  • Đối với YHCT, ra mồ hôi trộm hay còn gọi là chứng Đạo hãn, nguyên nhân phần lớn do âm huyết không đầy đủ hoặc hoạt động công năng của khí bị cản trở. Bài viết cung cấp các thể điển hình của đạo hãn và một số phương pháp chữa trị.
  • Điều trị ung thư ảnh hưởng đến tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó có răng miệng.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY