12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Đột quỵ không chừa một ai từ người già đến trẻ nhỏ, hãy cực kỳ tỉnh táo khi nhận thấy các dấu hiệu này

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ. Trong đó, có khoảng 5 triệu người tử vong, 5 triệu người khác dù qua cơn nguy kịch nhưng phải gánh chịu hậu quả nặng nề do đột quỵ gây ra.

Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về đột quỵ và nhận biết các dấu hiệu sớm, mới đây, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) đã có những chia sẻ về căn bệnh này.

Theo bác sĩ Khánh, có 2 trường hợp đột quỵ gần đây mà bác sĩ có chứng kiến và muốn cảnh báo để mọi người cùng biết.

Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 40 tuổi, có tiền sử uống rượu và lười vận động thể dục thể thao. Người này đột ngột thấy người khó chịu, tê yếu nhẹ một tay, hơi khó nói nên đã đi bệnh viện để thăm khám và chỉ định chụp cắt lớp.

Kết quả chưa phát hiện bất thường, anh được cho về nhà theo dõi. Về đến nhà, khi chuẩn bị dùng cơm tối thì các triệu chứng trở nặng hơn, anh yếu hẳn nửa người và nói khó nên lại phải quay lại bệnh viện. Lần này, anh được chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và phát hiện hình ảnh tai biến thể nhồi máu não.

Đột quỵ không chừa một ai từ người già đến trẻ nhỏ.

Bệnh nhân thứ 2 là người đàn ông khoảng 67 tuổi có dấu hiệu tê nửa người cả tuần trời. Qua thăm khám, bác sĩ ưu tiên chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả phát hiện hình ảnh nhiều ổ nhồi máu não bán cấp rải rác một nửa bán cầu. Bệnh nhân chia sẻ, một tuần trước đó triệu chứng rõ hơn (bị tê nửa người bên trái kèm theo cầm nắm tay trái khó). Bệnh nhân đã vào bệnh viện gần nhà làm xét nghiệm, chẩn đoán bị hạ Kali máu nhưng chỉ cho đơn thuốc về nhà mà không chụp khảo sát não bộ.

Từ 2 trường hợp trên, bác sĩ Khánh rút ra kết luận:

1. Bất cứ ai kể cả thanh niên, trung niên, người già…thậm chí trẻ em đột ngột xuất hiện những dấu hiếu bất thường như tê bì môi lưỡi, khó nói hay nói lắp, nói ngọng, khó nhấc tay lên hay khó cầm nắm đồ vật, méo lệch miệng, tê bì nửa người… trong đầu cần phản xạ nghĩ đến một tình trạng đột quỵ (tai biến mạch máu não) dù những triệu chứng trên cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa gây nên. Chỉ khi có phản xạ này thì chúng ta mới có thái độ xử trí tiếp theo phù hợp và kịp thời được.

2. Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) có hai thể là chảy máu não (mạch máu não bị vỡ) và nhồi màu não (Mạch máu não bị tắc nghẽn). Với thể chảy máu não thì có thể phát hiện rất sớm qua chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) tuy nhiên thể nhồi máu não lại hoàn toàn khác.

Với những trường hợp nhồi máu não giai đoạn sớm (Trước 12h, đặc biệt trước 6h) thì việc chụp cắt lớp vi tính chưa chắc đã phát hiện ra thương tổn. Vậy nên khi bất cứ ai trong chúng ta có những triệu chứng nghi ngờ tai biến thì cần nhập viện, nếu chụp cắt lớp chưa thấy tổn thương cần cân nhắc chụp phim cộng hưởng từ sọ não để phát hiện tổn thương nhồi máu ở giai đoạn rất sớm (Trước 6 tiếng). Có như vậy chúng ta mới có thể tránh để sót hoặc phát hiện muộn những tổn thương nguy hiểm này.

Những người có tiền sử bệnh như tăng huyết áp, mỡ máu, tăng cân... có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

3. Những người có một hoặc nhiều những yếu tố sau đây thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng cao hơn:

- Tăng huyết áp

- Tăng mỡ máu

- Tăng cân, béo phì

- Tăng đông máu (Rối loạn đông máu, bệnh về máu)

- Bệnh lý tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cũ, rối loạn dẫn truyền, phẫu thuật tim mạch cũ…

- Tiểu đường

- Tiền sử đã bị đột quỵ hoặc tiền sử thành viên trong gia đình bị đột quỵ hoặc cơn tai biến thoáng qua

- Hút thuốc lá nhiều năm làm tăng nguy cơ đột quỵ thể tắc mạch não

- Uống rượu

- Người ít vận động, ngồi lâu một chỗ...

- Người có vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm rối loạn giấc ngủ…

- Tiền sử sử dụng một số thuốc: Việc sử dụng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch nhiều hoặc sử dụng một số thuốc như cocain, amphetamines…cũng liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ.

- Sau tuổi 60

- Yếu tố thời tiết: Thời điểm cuối mùa thu chuẩn bị chuyển sang mùa đông và mùa đông là thời gian mọi người dễ bị đột quỵ nhất.

Những người càng có nhiều yếu tố như trên thì nguy cơ đột quỵ càng cao và càng cần hết sức lưu ý, theo dõi thường xuyên bởi các nhân viên y tế để có sự can thiệp kịp thời.

Xem thêm:

5 lầm tưởng phổ biến về bệnh ung thư máu và sự thật được chuyên gia hé lộ

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/dot-quy-khong-chua-mot-ai-tu-nguoi-gia-den-tre-nho-hay-cuc-ky-tinh-tao-khi-nhan-thay-cac-dau-hieu-nay-32306/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY