Ngày 22/2, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành du lịch Đà Nẵng thiệt hại lớn.
Theo đó, qua thống kê từ các đơn vị, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển cập nhật đến ngày 14/02 ước tính khoảng 685 tỷ đồng. Trong đó, khối lữ hành, vận chuyển khoảng 285 tỷ đồng, khối lưu trú khoảng 400 tỷ đồng.
Về tình hình khách, trong tháng 01/2020, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 642.122 lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế đạt 365.041 lượt, tăng 28,5%, khách nội địa đạt 277.081 lượt, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019. Tổng thu du lịch đạt 2.563 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên vì ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến tháng 2-3/2020 tình hình phát triển du lịch bị suy giảm mạnh. Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong Quý I/2020 ước đạt 1.288.518 lượt, giảm 31.2% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 709.814 lượt, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 521.052 lượt, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2019. Tổng thu du lịch ước đạt 4.912 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Đà Nẵng và ngược lại. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng đã tạm dừng việc đi du lịch theo đoàn và đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, tạm dừng việc bán gói sản phẩm vé máy bay, phòng khách sạn. Do đó, hiện nay, toàn bộ các chuyến bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng đã tạm dừng.
Đối với các đường bay khác từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Doha, các nước Asean vẫn duy trì tần suất hoạt động, tuy nhiên công suất khai thác một số đường bay tại một số thị trường sụt giảm (Hàn Quốc giảm 50%, Nhật Bản giảm 30%).
Đối với du lịch đường biển, trong Quý I/2020, lượng khách tàu biển đến Đà Nẵng ước đạt 20.493 lượt giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019 (46.591 lượt). Khách đường sông Quý I/2020 ước đạt 127.659 lượt, giảm 39% so với cùng kỳ 2019.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, từ cuối tháng 01/2020, các khu, điểm tham quan, du lịch bắt đầu có dấu hiệu giảm lượng khách; dự kiến trong tháng 02/2020 các khu, điểm giảm thấp nhất là 20% (Nhà Trưng bày Hoàng Sa) và cao nhất là 90% lượng khách (Bảo tàng Điêu khắc Chăm) so với cùng kỳ.
Việc dịch bệnh Covid-19 mặc dù TP Đà Nẵng không có ca nhiễm nào song đã bị ảnh hưởng nhiều trong việc phát triển du lịch nói riêng và thành phố nói chung.
Theo thông tin thì hiện nay du khách đã quay trở lại Đà Nẵng. Đây là tín hiệu tốt và nhờ hàng loạt các chủ trương, giải pháp phòng chống dịch hiệu quả của thành phố.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết: Để tiếp tục giữ gìn hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện mến khách trong mắt du khách, trong thời gian đến, ngành du lịch sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục phối hợp với Sở Y tế triển khai đồng bộ các hoạt động, biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP Đà Nẵng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của du khách và nhân dân TP Đà Nẵng.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế của điểm đến Đà Nẵng với thông điệp "Đà Nẵng – điểm đến an toàn – thân thiện – mến khách" đến các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế để tính để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho du khách đã đặt tour từ trước và du khách có ý định du lịch trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, thông điệp rõ ràng, kịp thời về công tác phòng, chống dịch bệnh đến các đơn vị du lịch để thông tin chính xác về tình hình tại địa phương. Tăng cường các bài viết về điểm đến an toàn Đà Nẵng, hoạt động du lịch nói riêng và các ngành khác trên địa bàn thành phố nói chung; xây dựng các trailer ngắn cung cấp đầy đủ thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh và các công tác chỉ đạo của thành phố để đăng tải trên các trang thông tin, cổng thông tin, ứng dụng của ngành du lịch thành phố
"Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đề xuất hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020 và 2021; ngân hàng hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19…có chính sách giảm tiền điện, nước cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; đề xuất Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí Visa cho khách Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Ấn Độ, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, xem xét miễn visa du lịch đối với du khách Ấn Độ, Úc, Mỹ…", bà Hạnh cho biết.
Triển khai chương trình kích cầu du lịch 2020; đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế; xúc tiến đường bay quốc tế tới Đà Nẵng
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, Sở phối hợp với Hiệp hội du lịch đang khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình kích cầu du lịch 2020, có các gói kích cầu sản phẩm giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ để kích cầu du lịch, tăng cường thu hút, hấp dẫn du khách từ các thị trường khách quốc tế và nội địa.
Cùng với đó, hình thành và triển khai hiệu quả Quỹ xúc tiến phát tiển du lịch TP Đà Nẵng nhằm góp phần đẩy mạnh sự phát triển du lịch Đà Nẵng.
"Chúng tôi tập trung các giải pháp để tăng cường thu hút khách trở lại; trong đó tập trung vào các giải pháp xúc tiến thu hút nhất là thị trường nội địa; Triển khai Kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, ưu tiên thị trường gần có kết nối đường bay trực tiếp, đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Asean (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia..), Úc, Nga, Ấn Độ...", bà Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục duy trì và xúc tiến đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó chú trọng đường bay trực tiếp Doha – Đà Nẵng do Qatar Airways khai thác, mở ra cơ hội kết nối Đà Nẵng với hơn 150 điểm đến từ thị trường Tây Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ; Phối hợp với các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp đến Ấn độ, Úc … (Hãng Vietjet Air mở đường bay Đà Nẵng Ấn Độ tuần 4 chuyến vào ngày 14/5/2020; đường bay Nga- Đà Nẵng do Hãng Anex tours khai thác với khoảng 3000-5000 khách/tháng từ ngày 08/04/2020; đường bay Đà Nẵng – Úc dự kiên tháng 5/2020).
Đa dạng hoá cả về sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, đẩy nhanh việc triển khai các dự án tạo sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như: Phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng; dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, Khu k20, Thái Lai….; các sản phẩm tours tuyến mới đường sông, đường biển ….; đề án phát triển tuyến biển Nguyễn Tất Thành… Tập trung phát triển loại hình du lịch M.I.C.E; chuẩn bị cơ sở vật chất và sản phẩm dịch vụ phục vụ khách Hồi giáo…
Tập trung phát triển du lịch đường thủy nội địa, các tuyến du lịch tham quan Vịnh Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà; Khu di tích cách mạng K20, Túy Loan, Thái Lai…; tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn.
"Chúng tôi cũng tăng cường liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam để khai thác và quảng bá sản phẩm du lịch; kết hợp nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với các thị trường khách tiềm năng mà ngành đang nhắm đến; kết nối lữ hành lớn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh để đưa Đà Nẵng vào chương trình tour quốc tế; đón các đoàn famtrip, presstrip, blogger, KOLs quốc tế từ các thị trường tiềm năng…
Bên cạnh đó, tiếp tục công tác nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin cho việc thu thập thông tin thị trường lâu dài; mở rộng ứng dụng hỗ trợ du khách với khả năng tương tác theo định vị tốt hơn, kết hợp hệ thống theo dõi hành trình và đánh giá dịch vụ để thu về cơ sở dữ liệu đánh giá điểm đến; tiếp tục phát triển website du lịch, mở rộng trang thông tin cơ bản cho các ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm", Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho hay.
Chủ đề liên quan:
đà nẵng đi du lịch doanh nghiệp lữ hành du khách Du khách Tây du khách tham quan du lịch du lịch đà nẵng ngành du lịch phát triển du lịch phòng khách sạn quay trở lại Sở Du lịch Đà Nẵng tham quan thủ tục visa tp đà nẵng trở lại ubnd tp Đà nẵng vé máy bay