Có thể nói Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa đủ sức răn đe nếu chỉ phạt tiền. Cần xử lý theo Luật Viên chức và các quy định khác của pháp luật.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. (Hiện nay, theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này là từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng).
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở trường trung cấp, cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở cơ sở giáo dục đại học, viện hàn lâm và viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. (Hiện nay, phạt tiền từ 4 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở giáo dục đại học).
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đúng quy định về trình độ chuyên môn hoặc trình độ ngoại ngữ trong giảng dạy chương trình giáo dục, chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc giảng dạy chương trình tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài. (Hiện nay, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài không đúng quy định về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ).
Dự thảo một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục sắp tới là tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục so với Nghị định 138/2013/NĐ-CP và Nghị định 79/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở các bậc học, từ mầm non đến sau đại học cần thêm chế tài song song với mức phạt tiền.
Đó là, phải xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo Luật Viên chức tùy theo mức độ sai phạm (từ 1.7, Hiệu trưởng không còn là công chức mà được chuyển sang viên chức lãnh đạo).
Bởi hiện nay ở bậc phổ thông còn có hiện tượng lãnh đạo sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn trong phân công giảng dạy gây thiệt thòi rất lớn cho học sinh như:
Cơ sở giáo dục hợp đồng giáo viên không có chứng chỉ sư phạm (người tốt nghiệp ngoài sư phạm) đứng lớp. Hoặc bố trí giáo viên dạy trái chuyên ngành, như giáo viên Tâm lý giáo dục dạy môn Giáo dục công dân, giáo viên sư phạm Tin học dạy môn Toán…
Đặc biệt, nhiều trường phổ thông hợp đồng với trung tâm Anh ngữ, nhưng giáo viên bản ngữ chưa được thẩm định về văn bằng chứng chỉ theo quy định hiện hành, dẫn đến việc dạy học không đảm bảo chất lượng.
Ở bậc đào tạo sau đại học cũng có hiện tượng phân công giảng viên đứng lớp và hướng dẫn luận văn, luận án trái chuyên ngành đào tạo. Từ đó, đầu ra không đảm bảo, người có học vị thiếu khả năng nghiên cứu khoa học về sau.
Qua đó cho thấy, song song với việc phạt tiền, cần có thêm chế tài thật mạnh đối với những lãnh đạo cố tình vi phạm.