Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

Nền kinh tế Việt hiện tại có độ mở rất lớn với hàng loạt FTA được ký kết. Nếu biết tận dụng những điểm mạnh và hạn chế những yếu kém còn tồn tại thì logistics được đánh giá là ngành có tiềm năng phát triển lớn nhất vì hoạt động logistics (hiểu nôm na là hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa) không khác gì những mạch máu để cơ thể kinh tế phát triển.

>>Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>>Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

Mạch máu chưa được khơi thông hết

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết trong thời gian qua, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 14-16%, quy mô khoảng 40 - 42 tỉ USD/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. Năm 2019, các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận và dịch vụ liên quan khác đều có mức tăng trưởng khả quan.

Hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó khoảng 70% tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ.

Có tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên. So với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất khó thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng làm việc.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển...) nhưng hoạt động còn đơn lẻ, chủ yếu hoạt động trong nước, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp. Rất ít doanh nghiệp logistics Việt Nam có hoạt động logistics ở nước ngoài.

Quy mô doanh nghiệp còn non trẻ, song sự kết nối lại chưa có, cùng với cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực,... còn hạn chế, yếu kém đang là rào cản cho sự phát triển của ngành này. Không những vậy, những cản trở đó còn đẩy chi phí dịch vụ logistics ở Việt Nam cao gấp đôi các nước khác.

Thống kê cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển. Trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%, chi phí logistics cho rau quả, gạo... chiếm 30%. Ví dụ, tổng giá trị xuất khẩu gạo năm 2018 là 3,1 tỉ USD thì chi phí logistics chiếm tới 1 tỉ USD, làm tăng giá nông sản, giảm khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng minh chứng cụ thể: Chi phí để 1kg tôm từ miền Nam tới tay người tiêu dùng miền Bắc còn cao hơn chi phí 1kg tôm từ Ecuador (Nam Mỹ) về Việt Nam. Đó là một bất cập lớn, nổi cộm trong ngành logistics của Việt Nam, đang được cơ quan quản lý "căn chỉnh" lại vì đây chính là ngành mang lại giá trị gia tăng cho các ngành khác.

Kinh tế mở là đòn bẩy cho logistics Việt Nam

Việt Nam hiện có nhiều lợi thế để phát triển ngành logistics khi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với việc ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các FTA có hiệu lực dự báo sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết hiện nay logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới và đã trở thành ngành công nghiệp logistics ở nhiều nước, đặc biệt trong một nền kinh tế mở, ngành này càng phát huy hiệu quả hơn. Với Việt Nam, sức cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay còn thấp, một phần quan trọng là do chưa phát triển hệ thống logistics một cách chuyên nghiệp.

Thực chất logistics là một chuỗi nhiều hoạt động xoay quanh hàng hóa như: đóng gói, bao bì, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa… Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, những hoạt động này hiện nay vẫn còn manh mún, khó phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu tốt, có nhiều đơn hàng lớn có liên kết với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên lại không có thế mạnh về kho bãi.

Đặc biệt, chi phí logistics của Việt Nam quá cao vì cơ sở hạ tầng yếu kém. Ví dụ 1 tấn hàng hóa từ Sài Gòn ra Hà Nội thì các khâu logistics chiếm khoảng 20% chi phí của hàng hóa vì phải qua nhiều công đoạn. Cửa khẩu kết nối Bắc - Nam thời gian qua hoạt động rất sôi nổi, một năm có thể lên tới 100 tỉ USD. Tuy nhiên, hoạt động vẫn chưa chuyên chuyên nghiệp dẫn tới chi phí sản phẩm bị đội lên còn cao, chưa thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng.

Về logistics quốc tế, hoạt động logistics của Việt Nam hoạt động chưa bài bản so với các quốc gia khác, gặp nhiều khó khăn rủi ro về truy xuất nguồn gốc nên hàng hóa thường bị ùn tắc ở cửa khẩu. Chẳng hạn với Trung Quốc, tại các cửa khẩu hàng hóa xuất chính ngạch bị ùn tắc khiến nhiều chi phí gia tăng.

Cơ quan quản lý và Chính phủ thời gian qua đã rất quan tâm đến logistics. Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên, chủ trương và đường lối chưa hiệu quả. Cơ quan quản lý còn bối rối trong việc kiểm soát từ chính sách đến thực thi, chính sách rối rắm khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc thực thi hoạt động logistics làm sao để hiệu quả.

Cụ thể, hệ thống khuôn khổ pháp lý về logistics vẫn còn nhiều bất cập và đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển logistics Việt Nam, hệ thống văn bản, chính sách logistics lại chưa hoàn thiện vì thiếu đi quan điểm, định hướng dài hạn và cơ quan đủ thẩm quyền quản lý...

Thêm vào đó, các thủ tục liên quan đến hoạt động logistics như thủ tục hải quan, cảng biển... còn khá chồng chéo, phức tạp. Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh còn manh mún,lại làm ăn rất phân tán, chủ yếu tập trung ở thị trường nội địa, nguồn nhân lực logistics thiếu và chưa được đào tạo bài bản.

Vì vậy, ông Liên cho rằng cần có sàn giao dịch logistics. Sàn giao dịch này sẽ cơ sở trung gian, đánh giá giá trị của một lô hàng. Nếu có sàn giao dịch thì đường nhiên doanh nghiệp vận tải nắm bắt được và có tính toán hạ giá thành để cạnh tranh với nhau.

Cùng với đó là cần sớm xây dựng một khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics, trước mắt cần nghiên cứu bổ sung và sửa đổi Luật thương mại về các nội dung liên quan dịch vụ logistics, quản lý nhà nước về logistics, hệ thống logistics, hoạt động kinh tế logistics... trong bối cảnh hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA...

Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics nói chung và nguồn nhân lực logistics cho các ngành, địa phương và các doanh nghiệp nói riêng hầu như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cho đào tạo phát triển ở Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp logistics ở Hà Nội cho rằng Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... là thuận lợi và là động lực cho ngành logistics Việt Nam tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề về vốn đang là khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành này khi hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ. Do đó, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp logistics tiếp cận vốn tốt hơn.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạn tầng bằng cách tạo không gian, dễ tiếp cận đất đai để doanh nghiệp phát triển bền vững... Dù khó khăn chồng chất, nhưng các doanh nghiệp phải thừa nhận dư địa phát triển ngành logistics Việt Nam còn rất lớn.

>>Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>>Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

Tuyết Nhung

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/dua-logistics-thanh-mach-mau-phat-trien-co-the-nen-kinh-te-140527.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY