Tình yêu và giới tính hôm nay

Đừng biến tâm linh thành hủ tục

(SKGĐ) Những thói quen tâm linh như hóa vàng, xin xăm… vốn được xem là tập tục truyền thống. Nhưng chính cách ứng xử của nhiều người đã biến những tập tục truyền thống thành hủ tục.

Hóa vàng – hóa sao cho đủ?

Đốt vàng mã là tập tục mang tính truyền thống đã có từ hàng nghìn năm của người dân Việt Nam cũng như cư dân khu vực Á Đông. Nó gắn liền với tập tục thờ cúng của người dân, ở đâu có cúng bái, thì ở đó đồng thời có hóa vàng, không riêng tại các gia đình, mà ở các đền chùa, miếu phủ đều có hiện tượng này. Nhưng việc đốt vàng mã là để cúng tế người chết, không phải để cúng Phật.

Theo TS. Lê Tâm Đắc – Trưởng phòng nghiên cứu Phật giáo – Viện nghiên cứu Tôn giáo thì đây là nhu cầu có thật của người dân, khi xã hội thế tục có biến động thì đấy là thời điểm đốt vàng mã càng nhiều. Với quan điểm “trần sao âm vậy” nên việc đốt vàng mã không chỉ dừng lại ở tiền mã, vàng mã, hay quần áo giấy trong ngày xá tội vong nhân mà các vật dụng hàng ngày, những sản phẩm của công nghệ hiện đại cũng được làm mô phỏng y như thật để phục vụ nhu cầu tâm linh như: xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy tính, ipad, ô tô, thậm chí là “gái đẹp” trong những dịp “cắt tiền duyên”.…

Theo Tiến sỹ Đắc thì vì đây là một tập tục truyền thống, chúng ta không thể xóa bỏ, và việc người dân nương tựa vào tâm linh cũng không có gì là sai trái. Việc giải quyết vấn đề tâm lý là vô cùng quan trọng, những việc làm như hóa vàng giúp họ cảm thấy an tâm hơn, cảm thấy mình đã sống “có trước có sau”… nó cũng giúp họ lấy lại cảm giác thăng bằng trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc này chỉ có lợi ích thực sự khi nó dừng lại ở mức vừa phải, ví dụ như người ta dùng một khoản khoảng vài chục nghìn, đến vài trăm thì với mức kinh tế gia đình trung bình điều đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được, số tiền đó để mua lại cảm giác yên bình trong tâm hồn. Nếu lễ lạt, vàng hương lên đến con số hàng triệu thì cần phải xem xét lại, vì điều đó là rất lãng phí.

Xin xăm, xin thẻ: Hãy để cho vui

Đây cũng là một nhu cầu tự nhiên của con người luôn muốn biết về tương lai của mình. Điều này không chỉ có trong văn hóa phương Đông mà nó có cả trong văn hóa phương Tây, ví dụ như coi bài Tây, xem cung hoàng đạo…Việc này cũng là một hình thức để người ta yên tâm về mặt tâm lý. Khi người ta mất niềm tin, bế tắc thì một quẻ xăm tốt sẽ cho thêm động lực, an ủi. Ngày lễ Tết rủ nhau đi xin xăm cũng là một cách tạo niềm vui.

Nhưng việc này đã trở nên xấu khi một ai đó lợi dụng chuyện này để trục lợi, làm lợi cho bản thân và làm phương hại đến kinh tế, đến lợi ích của những người khác. Việc người rút thẻ, xin xăm quá tin và quá phụ thuộc vào những thẻ, xăm này cũng gây thêm lo lắng không cần thiết. Việc một người đi rút nhiều xăm, thẻ một năm cũng là không đúng tinh thần tâm linh. Bởi vậy mỗi người chỉ nên rút một lần và nên xem đó sự tham khảo chứ không quyết định vận mệnh của họ.

Cắm hương ở khắp mọi nơi: Chỉ dễ gây hỏa hoạn

Việc này xuất phát từ đặc điểm tâm linh của cư dân khu vực Á Đông bởi họ không tin vào một vị thần linh nhất định mà ở trong họ là tâm thức đa thần. Họ tôn thờ bất kỳ những gì họ cho là linh thiêng, họ không gửi trọn niềm tin vào một vị thần nào cả. Chính vì vậy, các đền chùa bây giờ rất nhiều nơi không phân biệt riêng là nơi thờ Phật, nơi thờ thần mà có khi được thờ chung.

Đặc điểm tâm linh này không có gì là xấu, nhưng nếu trong khuôn viên chùa, đình, miếu phủ chỗ nào cũng cắm hương, chỗ nào cũng bày lễ thì nó sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan khuôn viên nơi thờ tự, gây nhộn nhạo mất vệ sinh và quan trọng nhất là dễ gây hỏa hoạn.

Đến chốn linh thiêng phải quan trọng là lòng thành tâm, vì thế việc thắp nhiều hương cũng như mang nhiều lễ vật đều không quan trọng bằng lòng thành. Thần Phật biết những suy nghĩ của người ngay từ khi đến viếng thăm chứ không phải từ khi thắp hương, mang cỗ lễ. Do vậy, bạn chỉ cần thắp hương ở những nơi nhất định theo hướng dẫn của người trông đền, chùa, miếu phủ.

Vái xa có thua vái gần?

Nhiều người khi đến đền chùa, đền, miếu phỉ đã cố chen chúc, xô đẩy giữa đám đông để làm sao đến gần với tượng phật, tượng thánh, rồi chen chúc, giẫm đạp nhau để đặt lễ của mình lên ban thờ. Họ làm vậy vì cho rằng càng gần được thần Phật thì các đấng thần linh càng thấy rõ họ, càng nghe thấu những lời cầu xin của họ. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Đi lễ là đến nơi thanh tịnh, không hà cớ gì lại xô đẩy, chen lấn gây ra hiện tượng không đẹp mắt. Khi một Phật tử nào đó đã hướng tâm về cửa Phật, nghĩa là đã phát được tâm Phật, mà tâm Phật là tâm trong sáng, tốt lành, cái tâm phục vụ mọi người. Vì thế dù ở xa hay gần cửa Phật thì đều là con Phật, đều được Đức Phật chứng giám. Chính vì vậy khi đi lễ, các bạn không nên chen lấn mà có thể chỉ cần bái vọng từ xa.

Tựu chung lại, những vấn đề được đặt ra trên đây theo TS. Lê Tâm Đắc đều là những tập tục truyền thống hoặc những thói quen là nhu cầu có thực tế trong đời sống tâm linh của người dân. Nó sẽ có ý nghĩa tốt đẹp, có tính động viên con người khi được dừng ở mức giới hạn; khi chúng bị chi phối bởi kinh tế, khi người đến chốn linh thiêng cho rằng càng nhiều vàng mã, lễ vật càng được may mắn thì lúc đó chúng sẽ trở thành hủ tục.

SKGĐ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/dung-bien-tam-linh-thanh-hu-tuc-15328/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY