Sức khỏe hôm nay

Đừng chủ quan hiện tượng CHẢY NƯỚC MẮT SỐNG ở trẻ

Bé không khóc nhưng vẫn có nước mắt chảy, đôi khi mắt có ghèn hay chất nhầy… là dấu hiệu của bệnh chảy nước mắt sống.

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là một tình trạng phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ em gặp phải tình huống này. Các chuyên gia y tế khuyến cáo: bé mắc bệnh chảy nước mắt sống nếu không được điều trị sớm sẽ rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ, có thể gây viêm túi lệ cấp, áp xe túi lệ, nặng hơn còn gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, tử vong.

Vì vậy, bé mới sinh ra mà mắt hay có ghèn, đỏ và đặc biệt là trẻ bị chảy nước mắt thì nên đưa bé đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị. Tuyệt đối không nên tự nhỏ thuốc vì có thể gây các biến chứng như cườm nước, viêm loét giác mạc… gây mù mắt. Nếu bé mắc bệnh này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì việc điều trị rất đơn giản.

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh

Chảy nước mắt sống là tình trạng mắt của bé luôn “đẫm lệ”. Điều đó có nghĩa là mắt bé đang tiết ra nước mắt quá nhiều. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể thấy những giọt nước mắt chảy xuống mặt bé. Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân của chứng chảy nước sống ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến bé bị chảy nước mắt sống:

1. Mắt bị kích thích

Nếu tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng như bụi, phấn hoa, cát… thì mắt bé sẽ tiết ra nhiều nước để rửa sạch những chất này. Ngoài ra, các bệnh như viêm kết mạc, lông mi mọc bên trong và tật lộn mi cũng có thể gây kích ứng mắt. Nếu bé gặp phải tình huống này, cố gắng đừng để bé dụi mắt quá nhiều vì điều này có thể khiến tình trạng viêm và bỏng rát trở nên khó chịu hơn.

2. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng mắt cũng có thể là nguyên nhân khiến bé chảy nước mắt nhiều. Nguyên nhân gây ra chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là do virus, nấm, vi khuẩn… Đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp và rất dễ lây nếu không đề phòng. Các bệnh nhiễm trùng này có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như sưng, rát, đau nhức…

3. Ống lệ có vấn đề

Ống lệ có chức năng dẫn lượng nước mắt thừa từ mắt xuống mũi, khiến nước mắt không bị tích tụ. Tuy nhiên, nếu ống lệ bị tắc, nước mắt sẽ không thể lưu thông từ mắt xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài. Khi mắc bệnh, bé thường chảy nước mắt ở một hoặc cả hai bên mắt, chảy thường xuyên hoặc từng lúc. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây nhiễm trùng, khiến túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, nhất là khi ấn vào vùng góc trong mắt.

Biểu hiện bệnh chảy nước mắt sống

Bình thường, nước mắt được dẫn xuống mũi, không chảy ra ngoài. Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt không được dẫn xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài từ góc trong của mắt, gây ra triệu chứng chảy nước mắt, mà dân gian thường gọi là chảy nước mắt sống. Nếu thời gian tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn tại đường dẫn lệ. Túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, nếu ấn vào vùng góc trong mắt thấy mủ đùn ra. Bệnh nhân có thể thấy đau nhức. Trẻ nhỏ mắc bệnh có thể có sốt, quấy khóc, hay dụi tay lên mắt.

Khi không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng như sau: nếu tắc lệ đạo, nhất là tắc ở ống lệ mũi, gây ra viêm túi lệ mạn tính, với biểu hiện thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Phù nề nhẹ vùng góc trong mắt. Ấn vào vùng này có thể thấy nhầy mủ đùn ra ở khóe mắt. Nếu không được điều trị, có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe tại túi lệ, hoặc gây rò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân, nhất là trẻ em thường kêu đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ, ấn vào đau, có thể có sốt.

Điều trị tình trạng chảy nước mắt ở trẻ sơ sinh

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà phương pháp điều trị đối với bệnh chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh cũng khác nhau.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị tình trạng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh:

- Quan sát và chờ đợi là điều tốt nhất nếu tình trạng này ở mức nhẹ. Vì thông thường nó sẽ tự khỏi.

- Vệ sinh mắt cho bé bằng bông và nước sạch để tránh bất kỳ chất cặn bã nào tích tụ dẫn đến nhiễm trùng.

- Nhẹ nhàng day mắt cho bé vài lần trong ngày có thể giúp thông tắc tuyến lệ.

- Sử dụng thuốc kháng sinh mắt để giảm các triệu chứng do nhiễm trùng gây ra.

- Sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc kháng histamine để chống lại các triệu chứng của các phản ứng dị ứng.

- Rửa mắt bằng ống đầu dò trong trường hợp lệ đạo bị tắc nghẽn nặng.

- Rửa mắt của bé dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa để loại bỏ bất kỳ chất kích thích nào.

- Nếu vi-rút gây ra chảy nước mắt, có thể mẹ phải đợi khoảng một tuần để xem tình trạng này có hết không. Nếu không, mẹ cần khẩn trương tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.

Biện pháp điều trị chứng chảy nước mắt tại nhà

Bạn có thể sử dụng một số phương pháp điều trị tại nhà để giảm bớt sự khó chịu cho bé, chẳng hạn như giữ đôi mắt bé luôn sạch sẽ, luân phiên chườm nóng và lạnh để giảm bớt sự tắc nghẽn của tuyến lệ cũng như loại bỏ gỉ tích tụ quanh mắt.

Trong quá trình chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho con. Với những trẻ bị nhức mỏi mắt hoặc bị dị ứng thông thường, việc dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt cho bé có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi mắt trẻ gặp viêm nhiễm hoặc có bệnh lý cụ thể, việc tự ý mua thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc lưu truyền trong dân gian để chữa thường ẩn chứa nhiều tác hại khôn lường. Do đó, bạn cần thận trọng với những bài thuốc này nhé.

Có những trường hợp chảy nước mắt quá mức bắt nguồn từ căn bệnh viêm màng bồ đào (viêm giữa mắt), triệu chứng này sẽ nhanh chóng bình phục khi bạn bổ sung vitamin C và E, do đó, hãy thường xuyên ăn các loại thực phẩm như ớt chuông, rau lá xanh đậm, các loại trái cây họ cam quýt, các loại hạt… giàu hai loại vitamin trên. Nếu được, bạn có thể bổ sung bằng các chế phẩm dạng uống cũng rất tốt.

Khi nào nên đưa bé đến bác sĩ khám?

Nếu bé bị chảy nước mắt sống nhưng nhãn cầu của bé rất trong, sáng và không có dấu hiệu khó chịu, bạn có thể chăm sóc bé ở nhà và quan sát. Nếu thấy bé có những triệu chứng sau, bạn nên đưa bé đi khám ngay:

- Viêm hoặc đỏ trong hoặc xung quanh mắt

- Có lớp gỉ màu vàng xuất hiện xung quanh mắt

- Bé liên tục dụi mắt hoặc thấy khó chịu

- Bé trở nên nhạy cảm với ánh sáng và thích nhắm mắt lại

- Mí mắt của bé bị biến dạng.

Nhìn chung, chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là điều rất thường gặp. Vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh đi kèm với các triệu chứng khác, hãy đưa bé đi khám ngay để có phương pháp điều trị kịp thời. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ và đừng tự ý dùng thuốc nhé.

Phòng ngừa bệnh chảy nước mắt sống

Đến nay không có biện pháp gì để phòng tắc lệ đạo bẩm sinh. Với các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải do chấn thương hoặc do phẫu thuật, biện pháp tốt nhất là tránh bị các tổn thương này. Điều trị sớm và triệt để những viêm nhiễm mãn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc cũng góp phần hạn chế tắc lệ đạo.

Phong Vũ

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/dung-chu-quan-hien-tuong-chay-nuoc-mat-song-o-tre-26654/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY