Bệnh quai bị rất phổ biến ở trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn. Bệnh quai bị chủ yếu lây truyền thông qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh. Do đó việc nhận biết triệu chứng bệnh quai bị là cần thiết để có những biện pháp chữa trị và phòng tránh lây nhiễm kịp thời.
1. Triệu chứng của bệnh quai bị
Khi bị nhiễm virus quai bị, phần lớn người bệnh cảm thấy khó chịu từ 1-2 ngày, sau đó, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện như:
Người mắc quai bị có thể sốt cao đến 39 độ |
- Cơ thể bị sốt cao 38-39 độ, thậm chí lên tới 40 độ trong 3-4 ngày.
- Người bệnh cảm thấy đau đầu, đau mỏi toàn thân, chán ăn, ngủ kém.
- Sau khi sốt cao liên tục từ 24-28 giờ, tuyến mang tai bị sưng lên và viêm. Lúc đầu sưng một bên trước tai, sau 1-2 ngày thì sưng tiếp tuyến tai bên kia.
- Hai bên tuyến tai thường sưng không bằng nhau (bên sưng to, bên sưng nhỏ, bị lệch).
- Tuyến mang tai sưng to làm cho rãnh trước và sau tai bị mất đi, có khi làm cho khuôn mặt không giống như khi bình thường, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ.
- Khu vực da ở vùng tuyến mang tai bị sưng trở nên căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, khi sờ vào cảm thấy rất nóng và đau.
- Nước bọt trong họng rất ít và đặc quánh.
- Khi há miệng, khi nhai, nuốt thức ăn, người bệnh cảm thấy rất đau hàm. Chỉ cần mở rộng miệng ra là thấy đau, đau lan dần ra hai tai.
- Họng người bệnh bị viêm đỏ, sờ thấy hạch sưng ở góc hàm.
- Người bệnh còn có thể bị viêm tuyến dưới lưỡi, dưới hàm.
Khi thấy các triệu chứng trên, cần mau chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Thông thường, để kết luận chính xác bị bệnh quai bị, các bác sĩ sẽ siêu âm tuyến tai và cho bệnh nhân xét nghiệm máu.
Nếu kết quả cho thấy: bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính tăng (đối với nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn) và giảm (đối với nguyên nhân gây bệnh do virus), amylase máu và nước tiểu đều tăng. Từ đó bác sĩ kết luận chính xác người bệnh bị quai bị hay không.
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị
Đa phần, các trường hợp quai bị đều tự hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% trường hợp có biến chứng, nhất là ở trẻ em. Các biến chứng nguy hiểm cần phải kể đến như: viêm tinh hoàn, nhồi máu phổi, mào tinh hoàn, viêm tụy, viêm buồng trứng hoặc các tổn thương thần kinh (viêm não, điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống…)
Trẻ em rất dễ mắc quai bị |
Bệnh quai bị đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ có thai: Những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ mắc có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, nếu mắc quai bị trong 3 tháng cuối có thể dẫn tới sinh non hoặc thai chết lưu.
3. Lưu ý khi chăm sóc người bị bệnh quai bị
Người bị nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bị quai bị được cách li với những người xung quanh, cần được nghỉ ngơi ở nhà, không nên đi học, đi làm, tránh ra những nơi đông người.
Những người trong gia đình hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em tuyệt đối không nên tiếp xúc với người bị bệnh.
Ngoài ra, việc vệ sinh cá nhân và nhà cửa cần được chú trọng:
- Người bệnh sử dụng riêng biệt các dụng cụ như khăn mặt, bát đũa, cốc, thìa…
- Nhà cửa, bàn ghế, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh, lau rửa sạch sẽ thường xuyên.
- Vì bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, cho nên người bệnh cần che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Để phòng tránh bệnh tốt nhất, mọi người cần thực hiện tiêm phòng vắc xin theo đúng quy định.
Triệu chứng bệnh quai bị sẽ giúp bạn biết ai đang bị bệnh để có thể được chữa trị kịp thời và không lây lan cho những người xung quanh. Hãy chia sẻ kiến thức này đến cho mọi người để cùng nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về bệnh quai bị.
Khuyên Vũ
Theo Tạp chí Sống Khoẻ
Chủ đề liên quan: