Trung bình, một người xì hơi 15 lần một ngày và con số đó có thể lên đến 40. Xì hơi được định nghĩa là hiện tượng khí trong cơ thể bị mắc kẹt và thoát ra ngoài bằng đường hậu môn. Có 2 nguyên nhân gây xì hơi:
1. Thức ăn chưa tiêu hóa hết ở dạ dày, đi xuống ruột già và được các vi khuẩn tại đây phân hủy cho ra những khí có mùi khó chịu.
2. Không khí thông qua quá trình nhai nuốt thức ăn hoặc nói chuyện đi vào cơ thể và bị tích tụ lại. Lúc này, chúng cần được giải phóng để thoát ra ngoài.
Xì hơi có thể khiến chúng ta xấu hổ vô cùng, vì lý do đó mà rất nhiều người cố "kìm nén" quá trình bình thường này của cơ thể. - (Ảnh: Brightside) |
Mặc dù đây là một quá trình hoàn toàn bình thường, nhưng đôi khi, khí thoát ra có thể gây ồn ào và nặng mùi khiến chúng ta xấu hổ và đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta cố gắng kiềm chế xì hơi. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này không phải là một ý tưởng hay cho sức khỏe chúng ta. Bởi vì:
- Nhịn xì hơi có thể khiến hơi thở có mùi: Khi bạn cố ngăn khí lại không cho thoát ra bên ngoài, cơ thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tái hấp thu lại lượng khí này. Và rồi, khí được đưa trở lại tuần hoàn và thoát ra ngoài qua hơi thở. Vì vậy, nếu hơi thở có mùi, có lẽ do bạn thường xuyên nhịn xì hơi đó.
- Nhịn xì hơi có thể khiến bạn bị đau bụng và ợ chua: Khi bạn siết cơ để tránh khí thoát ra ngoài, nó sẽ tạo áp lực bên trong cơ thể và có thể dẫn đến đau, khó tiêu và ợ chua.
Ngoài ra, khí bị nén lại không được thải ra, tích lũy ngắn hạn trong ruột, dẫn đến tăng áp lực trong ổ bụng, đôi khi có thể gây đầy hơi hoặc đau bụng. Nếu hành động này diễn ra thường xuyên dễ khiến chứng viêm túi thừa đại tràng phát triển, nguy cơ phải cắt bỏ đoạn ruột bị viêm nặng.
Các bác sĩ cho biết, xì hơi là hiện tượng bình thường của con người và vì những lý do về sức khỏe trên, bạn không nên nhịn xì hơi, thay vào đó có thể áp dụng những cách sau để hạn chế xì hơi hoặc tránh tình trạng xì hơi quá nặng mùi.
Ít ăn những thực phẩm giàu lưu huỳnh: Khi bạn ăn những thức ăn nhiều lưu huỳnh như thịt, trứng, tỏi, rượu và hoa quả sấy…, hệ thống tiêu hóa sẽ hoạt động sinh ra hợp chất sulfide - hợp chất có mùi trứng thối, từ đó sẽ khiến khí thêm nặng mùi.
Uống đủ nước: “Uống đủ nước, lợi đủ đường”. Uống đủ nước thật sự sẽ giúp bạn giảm tần suất xì hơi và là cứu tinh cho tình trạng xì hơi nặng mùi. Chuyên gia dinh dưỡng Sejal Kamat (Ấn Độ) cho biết, bổ sung đầy đủ nước sẽ giúp ruột hoạt động trơn tru, ngăn ngừa táo bón, tránh chướng bụng đầy hơi tạo ra quá nhiều khí. Bạn cũng có thể thêm vài lát gừng và thức ăn hay nước uống để giúp cơ thể thoát khí nhanh hơn.
Tập thể dục: Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên giúp hạn chế khí tích tụ nhiều trong dạ dày và ruột gây xì hơi. Ngoài ra, các bài tập thể dục nhẹ như đi bộ giúp đẩy hết khí dư thừa ra khỏi bụng, và giúp làm dịu bộ não, từ đó, làm dịu ruột và cải thiện chứng đầy hơi.
Thường xuyên vận động để hạn chế khí tích tụ nhiều trong dạ dày từ đó ngăn ngừa tình trạng xì hơi thường xuyên. - (Ảnh: Freepik) |
Ăn chậm, hạn chế nhai kẹo cao su hoặc nói chuyện trong khi ăn: Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thói quen ăn nhanh, nhai kẹo cao su, hoặc nói chuyện trong khi ăn sẽ khiến bạn nuốt nhiều khí hơn, từ đó tăng tình trạng đầy hơi, dẫn đến tần suất xì hơi nhiều hơn.
Xì hơi rất bình thường và là biểu hiện của của sống lành mạnh. Nếu thấy ngại ngùng, khi muốn xì hơi, hãy ra khỏi nơi đông đúc và nhanh chóng đi vào nhà vệ sinh hoặc nơi thông thoáng. Trong trường hợp, bạn thường xuyên bị đầy hơi và xì hơi liên tục kèm theo các triệu chứng như: Đi tiêu có máu, thay đổi số lần đi tiêu, sụt cân không rõ nguyên nhân, táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, buồn nôn hoặc nôn…, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
Hy vọng, qua bài viết trên bạn sẽ hiểu rằng, nhịn xì hơi là hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nếu đang có thói quen này, hãy dừng lại ngay nhé, cơ thể sẽ cảm ơn bạn rất nhiều đấy.
My Lê
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: