Sức khỏe hôm nay

Đừng dỗ con thuốc là kẹo

(SKGĐ) Bởi một lúc nào đó con bạn có thể ngộ độc thuốc vì lại tưởng đó là kẹo.

Ảnh minh họa

Con suýt mất mạng

Trẻ rất sợ uống thuốc dù chúng có đắng hay không. Một số em cứ mỗi lần uống thuốc là bị nôn trớ nên xem thuốc như là “thù địch” của mình; thậm chí chỉ cần nghe bố hoặc mẹ nói đến thuốc đã sợ hãi, trốn biệt trong phòng dù cho bố mẹ, anh chị có dỗ dành thế nào cũng không ra, không uống. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh phải đau đầu tìm đủ mọi cách để trẻ chịu uống thuốc, mau chóng hết bệnh.Trong đó có việc dỗ trẻ thuốc là kẹo, là nước ngọt, nước bổ để bé ngoan ngoãn uống.

Trường hợp bé T.T.T.N (8 tuổi, trú tại Tp.HCM) phải nhập viện - Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM trong tình trạng hôn mê do bị ngộ độc thuốc thời gian vừa qua một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ về tác dụng “ngược” khi dỗ dành trẻ thuốc là kẹo. Nguyên nhân là do nhà bé N có người uống thuốc an thần, chống trầm cảm để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Bé cứ nghĩ thuốc là kẹo nên lấy ăn rồi lăn ra ngủ mê man, lay gọi không dậy. Trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bé đã may mắn được kịp thời sơ cứu tại bệnh viện địa phương.

Một trường hợp khác tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, bé P.M.N (7 tuổi) nhập viện do bị ngộ độc Paracetamol. Khi thấy bà để vỉ thuốc Tensin - flu (Paracetamol) trên mặt bàn, bé đã lấy và dùng liền lúc 4 viên, hàm lượng 500mg. Sau 3 tiếng, khi thấy bé xuất hiện các biểu hiện kích thích hơn bình thường, gia đình hỏi ra mới biết bé đã uống hết vỉ thuốc và mau mải đưa bé đến bệnh viện.

Theo TS.BS. Tống Thị Hiếu Tâm, Chủ nhiệm Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Việc cha mẹ dỗ con thuốc là kẹo là điều hoàn toàn không nên bởi khi cha mẹ vắng nhà hoặc sơ ý để thuốc trong tầm với của trẻ, trẻ tưởng chúng là kẹo nên lấy ra ăn/uống, xảy ra các hiện tượng uống nhầm thuốc, uống quá liều, dị ứng, ngộ độc thuốc và các biến chứng nguy hiểm khác.

Bảo vệ con khỏi mặt trái của thuốc

Bác sĩ Tâm cho biết, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc được sản xuất phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhỏ. Thuốc có mùi thơm (hương trái cây – dâu, cam, hương bạc hà…), vị ngọt; nhiều dạng như dạng bột, viên, dung dịch uống giúp các bậc phụ huynh cho con uống thuốc dễ dàng hơn. Khi trẻ uống thuốc mà nôn quá, không uống được thì có thể thay bằng đường dùng khác như tiêm, truyền thuốc.

Để tránh các trường hợp trẻ uống nhầm thuốc, sai thuốc… các bậc cha mẹ cần để mọi loại thuốc, hóa chất xa tầm với của trẻ. Thuốc lưu trữ trong nhà cần được ghi nhãn rõ ràng. Tủ thuốc nên để trên cao, xa tầm nhìn, tầm tay của trẻ. Không để bé tự uống thuốc, chơi với thuốcđể tránh bé tò mò, nghịch ngợm, tự ý uống thuốc, xảy ra nguy cơ ngộ độc nguy hiểm.

Khi con phải dùng thuốc, bạn hãy nói thẳng cho con biết đó là thuốc. Nếu dỗ con thuốc là kẹo thì có thể gây tác dụng “ngược”. Hơn nữa, chuyện nói dối để trẻ đồng ý uống thuốc sẽ làm mất đi niềm tin của con trẻ sau này. Chúng sẽ cho rằng bố mẹ mình là người nói dối và mình cũng có thể làm vậy.

Cách “dụ” trẻ uống thuốc

1. Giải thích cho trẻ

Với các bé đã đi học, các bậc phụ huynh cần có thái độ dứt khoát, yêu cầu trẻ uống thuốc. Nên giải thích cho trẻ hiểu về tác dụng của thuốc và sự nguy hiểm của bệnh tật với sức khỏe - hệ quả nếu có bệnh mà không uống thuốc kịp thời.

Trẻ đã đi học nên sẽ hiểu được phần nào những lời giảng giải về chuyện uống thuốc của cha mẹ. Chúng có thể chần chừ, chưa chịu uống ngay nhưng thái độ nghiêm túc của cha mẹ sẽ làm trẻ hiểu rằng việc này bắt buộc phải thực hiện và cuối cùng cũng ngoan ngoãn uống thuốc.

2. Khích lệ chúng

Cha mẹ cũng có thể đặt một cốc nước và các viên thuốc trước mặt trẻ rồi nói rằng: Con đã lớn rồi, cần phải biết tự uống thuốc. Cách làm này sẽ tạo cho trẻ ý thức về nhiệm vụ của mình, để chúng thấy rằng khi đã lớn thì những viên thuốc nhỏ bé như thế chẳng có gì đáng sợ cả.

3. Để bé được thoải mái

Muốn hạn chế bé bị nôn, trớ khi uống thuốc, các bậc cha mẹ cần để bé uống thuốc một cách thoải mái: đầu trẻ ngẩng cao, mặt hơi nghiêng rồi đưa muỗng thuốc vào phía bên trong cằm, không nên cho thuốc vào quá gấp và nhanh lấy muỗng ra, nên chờ cho bé nuốt hết thuốc rồi từ từ lấy ra. Nếu bé bị nôn thuốc sau khi uống không lâu, cha mẹ phải kịp thời bổ sung lại lượng thuốc đó để đạt hiệu quả trong điều trị bệnh.

4. Lựa chọn thời điểm phù hợp

Cha/mẹ cũng nên cho bé uống thuốc vào những thời điểm, địa điểm nhất định. Điều này giúp hình thành thói quen cho việc uống thuốc của bé. Có thể dán một bảng ghi chú ngay tờ lịch hoặc trên tủ lạnh, cửa phòng của bé và khuyến khích bé theo dõi, đánh dấu vào đó sau mỗi lần uống thuốc.

5. Kết hợp thuốc và các thức khác

Có thể kết hợp thuốc pha với các loại nước ép trái cây để bé dễ uống. Tuy nhiên điều này cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh các trường hợp phản ứng thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc.

6. Để bé được lựa chọn

Cho bé những sự lựa chọn đi kèm với việc uống thuốc như đi chơi, ăn món ăn bé yêu thích… để bé thấy rằng mình đang không bị bố mẹ ép phải uống thuốc.

7. Đừng cưỡng ép chúng

Nhiều bậc cha mẹ khi sử dụng các biện pháp dỗ ngọt bé uống thuốc không có tác dụng đã dùng tới phương thức dọa nạt bằng roi vọt, mặc bé kêu la, ép bé uống thuốc bằng được. Điều này không tốt bởi khi nhìn thấy nét mặt giận dữ của người lớn, trẻ không dám kháng cự nhưng sẽ sinh ra tâm lý sợ hãi trong những lần uống thuốc sau và như vậy “công cuộc” phụ huynh cho bé uống thuốc sẽ ngày càng khó khăn hơn.

8. Tạo sự thư giãn

Nếu bé vẫn không chịu uống và đang tìm cách “chống lại” cha mẹ, hãy để bé thư giãn và nghỉ ngơi một chút. Điều này sẽ giúp bé bình tĩnh hơn, tạm ngừng “cuộc chiến” này và lấy lại sĩ diện, đồng ý uống thuốc.

Mai Lan

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/dung-do-con-thuoc-la-keo-17752/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY