Không được sơn móng tay trước khi đến bác sĩ da liễu khám
Khi khám toàn diện, bác sĩ không chỉ kiểm tra da mà còn kiểm tra cả móng tay của bạn. Thực chất có rất nhiều bệnh về nhiễm nấm thường nằm ở móng tay. Do đó để bác sĩ xem trạng thái tự nhiên móng tay của bạn là điều rất quan trọng. Hơn nữa, bất kỳ thay đổi nào ở móng tay cũng có thể chỉ ra các bệnh của các cơ quan khác, vì vậy trước khi đi khám không nên sơn móng tay.
Không dùng đồ uống chứa caffein trước khi kiểm tra huyết áp
Các loại thức uống có nhiều caffeine như cà phê hoặc nước tăng lực, coca có thể khiến huyết áp tăng cao hơn mức thật. Vì vậy, nếu có ý định kiểm tra huyết áp thì bạn nên tránh các loại đồ uống này trước khi khám một giờ để có được kết quả chính xác nhất.
Không uống rượu bia trước khi kiểm tra nồng độ cholesterol
Nếu bạn sắp có buổi hẹn xét nghiệm nồng độ cholesterol trong máu thì hãy tránh các thức uống có cồn trước đó 24h.
Theo bác sĩ Joon Sup Lee - trưởng khoa tim mạch tại Trường Y khoa Đại học Pittsburgh (Mỹ), rượu có thể làm tăng mức chất béo trung tính, một trong 4 yếu tố dùng để đánh giá nồng độ cholesterol trong máu. Uống chất có cồn trước khi làm xét nghiệm có thể dẫn đến kết quả đáng lo ngại không cần thiết.
Bạn cũng không nên ăn đồ ngọt, thực phẩm nhiều chất béo và ăn quá no trước giờ làm xét nghiệm vì những thực phẩm này cũng có thể tác động đến chất béo trung tính trong thời gian ngắn.
Không để cơ thể khát nước trước khi thử nước tiểu
Nước tiểu của con người là 99% nước và chỉ có 1% axit, amoniac, hormone, tế bào máu chết, protein và các chất khác được sử dụng để nghiên cứu. Như bạn có thể thấy, nồng độ rất thấp. Vì vậy, nếu bạn cung cấp 100 ml nước tiểu để kiểm tra, khoảng 1ml là phù hợp để phân tích. Do vậy, cần uống nhiều nước trước khi xét nghiệm để đảm bảo cơ thể sản xuất đủ nước tiểu.
Không ăn nhiều chất béo trước khi lấy máu
Nếu bình thường bạn không có thói quen ăn nhiều chất béo thì vào ngày xét nghiệm máu càng không nên làm điều này. Một bữa ăn thịnh soạn chứa nhiều chất béo có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm máu. Thậm chí, các bác sĩ còn khuyên người đến lấy máu nên nhịn ăn.
Tuy nhiên, không phải xét nghiệm máu nào cũng cần nhịn đói. Chỉ một số bệnh cần kiểm tra đường huyết thì phải nhịn đói khi xét nghiệm: Bệnh liên quan đường và mỡ (đái tháo đường), bệnh về tim mạch (cholesterol, triglycerid, HDL, LDL...), bệnh về gan mật.
Còn lại những xét nghiệm bệnh khác như HIV, suy thận, cường giáp, Alzheimer (mất trí nhớ ở người già)... không cần để bụng đói.
Không ăn thức ăn màu đỏ trước khi nội soi
Những thức ăn có màu đỏ như thịt bò, củ dền, gấc, cherry... dễ để lại những mảng bám màu hoặc che phủ lớp niêm mạc đại tràng gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Một điều mà có thể ít ai nghĩ đến đó là chất sắt cũng có thể nhuộm đỏ niêm mạc đại tràng.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ngừng uống các thuốc bổ sung chất sắt trong khoảng 1 tuần và tránh ăn các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ, có màu đỏ cách ngày nội soi 3 ngày.
Không uống thuốc giảm đau trước khi đi khám
Khi bạn bị bệnh, bác sĩ có thể muốn đánh giá các triệu chứng của bạn mà không có tác dụng của bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào. Nếu bạn đang dùng thuốc để điều trị bệnh cấp tính, phải cho bác sĩ biết nếu chúng có thể gây ra tác dụng phụ, và ảnh hưởng quyết định các bước tiếp theo trong điều trị.
Không sử dụng chất khử mùi trước khi chụp X-quang ngực
Việc cấm sử dụng chất khử mùi trước khi chụp X-quang là vì có liên quan đến thành phần của nó, trong chất khử mùi có chứa các kim loại nhỏ. Trong quá trình thực hiện, nó rất dễ nhầm lẫn giữa các kim loại này với vôi hóa, đó là dấu hiệu của ung thư đang phát triển. Kết quả không những bị sai mà còn có thể khiến bạn vô cùng lo lắng.
Không lướt web trước khi đến bác sĩ nhãn khoa
Căng mắt liên tục có thể chỉ ra các vấn đề nghiêm trọng, yêu cầu mọi người phải chú ý. Trạng thái này ở mắt có thể xảy ra tạm thời khi bạn sử dụng các các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính,… trong thời gian dài. Nếu bạn muốn đến bác sĩ nhãn khoa khám để lấy chứng chỉ y tế cho công việc hoặc trường học lái xe, bạn cần có kết quả tốt nhất thì không nên dùng điện thoại, bởi chúng sẽ gây mỏi mắt và khiến kết quả kiểm tra không chính xác.
Không ăn thực phẩm mặn trước khi kiểm tra huyết áp
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêu thụ không quá 2.300 miligam muối mỗi ngày. Ngoài các tác hại khác đối với cơ thể, tiêu thụ nhiều muối còn góp phần làm tăng huyết áp. Do đó, trước khi đến viện kiểm tra sức khỏe, bạn không nên ăn thức ăn nhanh, các loại hạt, đậu hoặc các sản phẩm khác có chứa nhiều muối, bằng không sẽ dẫn đến kết quả sai.
Quỳnh Hoa
Theo tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: