Trong một chương trình về bình đẳng giới, một chuyên gia cộng đồng tâm tư, điều ông trăn trở nhất là phụ nữ họ chịu nhiều thiệt thòi trong việc sinh con, nuôi con.
Tại sao đặc quyền đặc lợi của riêng phái nữ, tạo ra điều tốt đẹp nhất cho loài người là mầm sống, lại bị xem là thiệt thòi?
Trong khi, đó không phải là thiệt thòi mà là lợi thế, ưu thế, thậm chí là độc thế của phụ nữ. Cảm xúc đứa con chào đời từ cơ thể người mẹ thiêng liêng và kỳ diệu mà chắc chắn không một máy đo hay con số khoa học nào có thể diễn đạt được.
Có những lợi thế thuộc về tạo hóa, đó là niềm hạnh phúc mà đàn ông - dù có được ưu ái như thế nào đi nữa - cũng không bao giờ được tận hưởng và trải nghiệm.
Nhiều chị em khen đàn ông sướng, không phải đau đớn vì đẻ đái nhưng không đẻ được là thiệt thòi của người đàn ông đấy! Phụ nữ có thể lựa chọn đẻ hoặc không. Còn đàn ông họ không có lựa chọn. Chẳng phải nhiều người vẫn thách thức: "Anh giỏi thì đẻ đi!".
Sinh con giúp người mẹ trưởng thành lên từng ngày, khát khao được hoàn thiện mình, khát khao học tập, khát khao sống một cuộc đời ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn... Điều này cũng xuất hiện ở người bố nhưng thật khó để đạt được ngưỡng như ở tình mẫu tử.
Chưa phải tất cả nhưng từ đặc tính giới, ưu thế mang thai, sinh con, người phụ nữ có thể thuận lợi từ chối nhiều việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn đàn ông.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, phụ nữ sống thọ hơn nam giới. Ngoài yếu tố nữ giới có sự bền vững về sinh học hơn nam giới, lối sống, thì còn có nguyên nhân đã tồn tại từ khi loài người xuất hiện là phái mạnh thường gánh vác những công việc nặng nhọc, nguy cơ ít an toàn hơn.
Trên thế giới này, dường như mọi thứ làm ra hầu hết để phục vụ cho phái nữ. Từ váy áo, gấm vóc lụa là, cho đến hàng trăm tỉ tỉ các thương hiệu mỹ phẩm, giày dép...
Đàn ông sắm xe sang, du thuyền, nhà to suy cho cùng cũng khó thoát nổi cửa ải vì phụ nữ hay để khoe mẽ với người đàn ông khác qua con mắt phụ nữ.
Có thể đàn ông kiếm ra tiền nhiều hơn phụ nữ nhưng chắc chắn phụ nữ trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy đồng tiền luân chuyển, lưu thông cao hơn đàn ông.
Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: "Nước mắt đàn bà có nhiều tác dụng song họ chẳng mất gì khi khóc". Phụ nữ khi buồn có thể khóc thỏa thích. Đàn ông khi đau khổ mà khóc có thể còn bị tát nước lạnh vào người, đàn ông gì mà yếu đuối, hèn nhát, bị xóa sạch nam tính...
Trong lần trò chuyện, một bác sĩ tâm lý tại TPHCM hóm hỉnh kể, chúng ta thường thấy khi cụ bà qua đời, cụ ông chẳng bao lâu sau cũng đi theo bà. Còn ngược lại, khi cụ ông qua đời, cụ bà lại khỏe hơn, sống phây phây những năm tháng cuối đời.
Đàn ông, đến một độ tuổi nào đó, họ dễ yếu đuối về mặt lý trí, cảm xúc, rất khó vượt qua được sự trống vắng, lẻ bóng. Còn ngược lại, dường như phụ nữ càng trải nghiệm thì sức mạnh nội tại từ bên trong càng bền bỉ.
Như câu danh ngôn của nhà tư tưởng Voltaire: "Tất cả lý trí của đàn ông không đáng giá bằng một cảm xúc của phụ nữ".
Phụ nữ còn chịu nhiều thua thiệt vì bất bình đẳng và cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho phụ nữ là một hành trình dài.
Nhưng cũng đừng quên những lợi thế mà phụ nữ đang sở hữu để phát huy chúng, đừng hóa chúng thành những đau khổ, thiệt thòi.
Mỗi người phụ nữ, chỉ khi chính họ nhìn thấy, tự tin và trách nhiệm với các ưu thế của mình thì mới mong truyền năng lượng đó sang mọi người.
Nhìn thấy và đánh giá đúng ưu thế của phụ nữ cũng là cách tôn trọng họ, trao cho họ quyền bình đẳng.
Bình đẳng giới là bình đẳng cho cả hai giới. Đó không phải là sự cào bằng, đánh đồng mà là chia sẻ, thấu cảm những lợi thế và cả những hạn chế về đặc tính giới; là tôn trọng, hỗ trợ những mong muốn, lựa chọn của nhau.
Theo Nguyên Hoài Phong/Dân Trí