Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Đương đầu thách thức mới

Với diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Việt Nam, ngành du lịch lại bước vào giai đoạn thử thách đầy khó khăn hơn, nhất là khi các ca nhiễm Covid-19 đều liên quan đến khách du lịch.

"Đóng băng" thị trường

Chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 bùng phát từ ngày 6/3, ngoài các điểm đến du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội đang được coi là bị tác động lớn nhất. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô tuần từ 1 - 9/3/2020 giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, một số điểm du lịch có liên quan đến người nhiễm Covid-19 đã phải tạm đóng cửa như: Bảo tàng Dân tộc học, Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Thống kê nhanh của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 9/3/2020, đã có 19.846 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung chính vào đối tượng khách đến từ Trung Quốc (17.120 lượt), còn lại là thị trường khác như Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, châu Âu, Mỹ…; 15.125 lượt khách Việt Nam hủy tour đi du lịch nước ngoài; hơn 19.119 khách nội địa hủy tour đến Hà Nội, đi lễ hội… Đối với các cơ sở lưu trú, số ngày phòng bị hủy là 58.477; 81.637 lượt khách thông báo hủy phòng; kinh doanh vận chuyển khách du lịch sụt giảm, công suất xe lưu hành từ 40 - 60%.

Theo nhận định của các doanh nghiệp (DN) du lịch, dịch Covid-19 bùng phát đang là thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng giám đốc Công ty AZA Travel - cho rằng, trước đó, với nỗ lực của Chính phủ, ngành du lịch chung tay tuyên truyền, kích cầu, thị trường đã dần có tín hiệu lạc quan; Chương trình liên minh kích cầu tháng 2 đang có kết quả tốt, nhận được ủng hộ của hơn 100 DN tham gia, lượng khách đặt tour kích cầu trong tháng 3 đã kín chỗ, trong khi tháng 4, 5 đã đạt 70%. Tuy nhiên, hiện tại, tình thế gần như đảo lộn, dự đoán số tour bị hủy sẽ không tránh khỏi và lượng đăng ký khó xuất hiện do tâm lý lo ngại.

Chung tay chia sẻ khó khăn

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Marketing Công ty Du lịch TST Tourist - cho biết, để chống chọi và tồn tại qua giai đoạn khó khăn, ngoài việc xây dựng tinh thần chấp nhận đương đầu thử thách, việc tiết kiệm chi phí và điều tiết nhân sự được coi là cấp thiết. Theo đó, những bộ phận kinh doanh thuộc các thị trường đang đóng băng được thu xếp bố trí lịch nghỉ phép nhưng khi có lệnh điều động phải quay về công ty. Phần lớn nhân viên còn lại sẽ chuẩn bị cho công tác hậu cần, hoàn thiện những quy trình để sẵn sàng cho việc khôi phục ngay khi dịch bệnh được ngăn chặn.

Khó khăn đang đối diện là vô cùng lớn, song các DN vẫn cố gắng tạo tinh thần làm việc và triển khai các hoạt động thường xuyên cho đội ngũ lao động. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, đội ngũ nhân viên, lao động đều có sự đồng lòng, chia sẻ khó khăn với DN khi được thông báo thay đổi kế hoạch làm việc; hy vọng khi dịch được khống chế, mọi hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi nhanh chóng, nguồn nhân lực cũng không bị xáo trộn.

Dự đoán, phải chờ ít nhất đến tháng 7 - 8/2020, hoạt động du lịch mới trở lại bình thường. Để chuẩn bị cho việc phục hồi, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi công bố du lịch an toàn, ngành du lịch cần chuẩn bị đầy đủ thông tin về điểm đến, xây dựng kịch bản kích cầu dành cho khách quốc tế ngay khi dịch kết thúc. Đồng thời, tập trung chi phí cho chiến dịch quảng bá điện tử, xây dựng các clip "Việt Nam an toàn, Việt Nam xin cảm ơn" nhằm truyền tải thông điệp người Việt Nam đồng hành cùng du khách quốc tế vượt qua dịch bệnh.

Các địa phương trên cả nước đã có khuyến cáo tới DN du lịch phải chủ động hủy tour, không tổ chức các đoàn khách tới những nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách từ vùng có dịch. Nắm chắc tình hình sức khỏe và hành trình của khách để kịp thời báo cáo nếu có trường hợp nghi ngờ.

Hoa Quỳnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/duong-dau-thach-thuc-moi-133986.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY