Trong những ngôi làng hẻo lánh ở vùng Himalaya, trẻ em chẳng có mấy cơ hội. Vì thế khi cô bé 10 tuổi mang tên Devi nhận được lời dụ dỗ từ người bác rằng sẽ gửi cậu lên thủ đô để đi học, gia đình đã chẳng ngần ngại mà đồng ý ngay.
Thế nhưng, chờ đợi cô không phải là tương lai sáng lạn, mà lại là một trại trẻ mồ côi bất hợp pháp. Devi trở thành một trong những đứa trẻ mồ côi giả tại nước này.
"Gia định họ bị dụ dỗ và lừa dối. Cuộc sống của những đứa trẻ này chẳng khác nào địa ngục", Anju Pun, một nhân viên xã hội đã giúp giải cứu Devi cho hay.
Hàng năm, hàng nghìn người nước ngoài đã quyên góp tiền hoặc tới Nepal để làm từ thiện tại các trại trẻ mồ côi. Họ chẳng biết được sự thật rằng đa phần những đứa trẻ sống trong hơn 500 trại trẻ mồ côi này lại có gia đình.
"Sự thật đáng buồn là không có đủ trẻ mồ côi để duy trì toàn bộ ngành "công nghiệp" này", luật sư người Úc Kate van Doore cho hay. "Chính vì thế họ phải "tạo" ra những đứa trẻ này để thu hút những người ngoại quốc giàu có tới làm từ thiện".
"Cả ngành công nghiệp này được tạo ra bởi người Nepal, nhưng lại dựa trên nhu cầu của phương Tây", cô nói.
"Tại các nước phát triển, chúng ta đã được khắc vào đầu một số tư tưởng về những nước đang phát triển, và một trong những phương pháp để giúp đỡ là quyên tiền hay làm tình nguyện tại các trại trẻ mồ côi".
Giống như Devi, rất nhiều nạn nhân khác đều tới từ các gia đình nghèo khó, sống tại các khu vực hẻo lánh, mong muốn con mình được tới trường. Những đứa trẻ này thường bị giữ tại những khu nhà tạm bợ bên ngoài thủ đô trong nhiều tháng.
Dì của Devi đã bị bắt sau đó và buộc tội buôn người. Khi được hỏi vì sao cô không lên tiếng khi chứng kiến cháu mình phải trải qua những hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, cô trả lời: "Tôi sợ bị bắt... Tôi cảm thấy có trách nhiệm với chúng. Gia đình chúng có lẽ đã khoe với cả làng rằng chúng được gửi tới Kathmandu để đi học. Họ sẽ rất tức giận nếu chúng trở về tay trắng".
Kate từng tới thủ đô Kathmandu của Nepal để xây dựng một trại trẻ mồ côi. Cô đã tiếp nhận nhiều đứa trẻ tới từ một trại trẻ khác. 5 năm sau, cô phát hiện chúng đều có cha mẹ.
"Tên họ của những đứa trẻ này đều đã bị thay đổi để gia đình không thể tìm thấy chúng", cô nhận định. Những kẻ buôn người này thậm chí còn làm giả giấy chứng tử và giấy khai sinh để tạo nên thân phận mới cho những đứa trẻ "mồ côi".
"Khi chúng tôi có thể tìm thấy và giúp một đứa trẻ đoàn tụ với gia đình, đó là điều hạnh phúc nhất trên đời", Anju cho hay.
Công việc tái hòa nhập lại gia đình cũng sẽ rất khó khăn. "Ở đây ai cũng là bạn của chúng. Nhưng khi về nhà, gia đình có phân cấp rõ ràng và chúng sẽ phải tuân theo", cô nhận định.
Những phụ huynh cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi tới nhận lại con minh. Họ vẫn nghĩ rằng chúng đang theo học tại thủ đô vì một tương lai tươi sáng hơn.
"Tôi rất mừng khi gặp lại con, nhưng cũng cảm thấy buồn', một ông bố khác chia sẻ. "Tôi biết mọi người đã làm việc rất vất vả để đưa con tôi về. Thế nhưng chúng tôi làm việc trên đồi núi để kiếm sống. Chúng tôi rất nghèo nên mới muốn gửi con mình đi."
Những đứa trẻ này vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tình nguyện đã cứu mình ra khỏi các trại trẻ mồ côi. Chúng sẽ được nhận trợ cấp để có thể tới trường.