Sức khỏe hôm nay

Ép dầu, ép mỡ, sao nỡ ép… con ăn

(SKGĐ) Vì thương nên bạn dọa nạt mọi cách để con ăn được chừng nào mừng chừng đó. Nhưng, thực ra bạn đang hại con!

Càng ép con càng chán ăn

Chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên “khoán” cho nhóc tỳ 3 tuổi rằng: “Ăn hết thì mới được đi chơi”. Vừa nhìn thấy bát cơm và đĩa thức ăn mẹ bưng ra, con bé đã rụt cổ lại. Chỉ ăn được vài miếng là nó lắc đầu, quay mặt đi. Nhiều khi chị dùng biện pháp dọa nạt khiến con bé nước mắt ngắn dài, miệng trệu trạo. “Mỗi lần cho con ăn mất hơn cả tiếng, nhưng nó ăn được chút nào tốt chút đó, mình gắng chịu. Chả hiểu sao con vẫn như cái kẹo bột”, chị than thở. Chỉ đến khi đưa con đến khám tại Viện Dinh dưỡng chị mới vỡ lẽ…

Ảnh minh họa

Theo TS. Hoàng Kim Thanh (Trung tâm Truyền thông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trẻ biếng ăn có thể có nguyên nhân bệnh lý hoặc tâm lý. Nhưng dù thế nào thì việc “khoán”, dọa nạt, ép uổng cũng là “hạ sách” vì những hành động này khiến tâm lý trẻ thêm sợ hãi làm cho men tiêu hóa tiết ra không đủ. Đồng thời trẻ sẽ bị ám ảnh, ức chế mỗi khi đến giờ ăn.

Còn GS. Benny Kerzner (Giáo sư Nhi khoa Đại học George Washington, Mỹ) thì nhấn mạnh về việc khuyến khích trẻ thèm ăn. Ông cho rằng, một số cha mẹ vội vàng kết luận con biếng ăn khi trẻ lắc đầu với món ăn nào đó. Để xác định con bạn có thiếu dinh dưỡng không thì cha mẹ cần có biểu đồ theo dõi về chiều cao, cân nặng, chế độ ăn. Nếu trẻ không dùng hết khẩu phần ăn mà vẫn khỏe mạnh bình thường thì không có gì đáng lo.

Khuyến khích con ăn

- Tạo cảm giác đói cho con bằng cách không cho ăn vặt trước bữa ăn. Đồng thời cần giữ giờ ăn cố định.

- Tạo tâm lý thoải mái cho con: Đừng vội vàng đưa ra chỉ tiêu, hãy khơi gợi khích lệ để con háo hức. Đôi khi trẻ không muốn ăn vì chưa đói. Bạn hãy “can đảm” để con “tự quyết định” trong một hai hôm.

- Trẻ có thể tránh ăn vì ham chơi nhưng không nên “dỗ” con bằng cách bày trò trong giờ ăn. Việc ăn uống không tập trung này sẽ khiến hệ tiêu hóa không tốt, có ăn nhiều cũng không tác dụng.

- Thức ăn phải đa dạng, phù hợp: Mỗi bữa nên đổi món cho bé. Đừng nấu quá kỹ sẽ mất vitamin.

- Đừng “lừa” con bằng cách “dúi” thứ bạn muốn vào đồ ăn con thích. Như vậy trẻ sẽ “đề phòng” cả những thứ nó có thể ăn, vậy là bạn “mất cả chì lẫn chài”.

- Đừng mất nhiều thời gian cho việc ăn. Tốt nhất là 20-30 phút, trẻ không ăn nữa cũng thôi. Bởi vì sau khoảng thời gian đó, thức ăn ăn vào thêm cũng không có tác dụng.

- Thuốc trị biếng ăn luôn có hai mặt: Chúng kích thích bé ăn và ngủ nhưng có thể chỉ giữ nước cho tăng cân. Ngoài ra nếu dùng lâu thì chúng sẽ ức chế việc tiết ra men tiêu hóa ở trẻ.

Bạn có biết?

Thế giới có khoảng 50% bố mẹ lo lắng về dinh dưỡng của con nhỏ. Trong khi đó định nghĩa chuẩn cho trẻ biếng ăn vẫn chưa rõ ràng trong giới y khoa. Bạn có thể tham khảo cách nhận biết sau theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam:

- Thời lượng trẻ ăn bình thường là 15-20 phút, tối đa là 30 phút. Kéo dài hơn là không bình thường.

- Số lượng ăn chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn quy định trong nhóm tuổi đó.

- Trẻ hay gào khóc, không há miệng, trốn mặt đi thì gọi là biếng ăn.

Như Hạ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/ep-dau-ep-mo-sao-no-ep-con-an-18405/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY