12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Gặp đệ nhất cỗ chay Hà Thành

Dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng sư cụ Thích Đàm Ánh vẫn không chịu ngồi không một chỗ, bởi với sư cụ “ở đời khổ nhất là nhàn rỗi”.

Sư cụ Thích Đàm Ánh

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến chùa Phụng Thánh (phố Khâm Thiên, Hà Nội) là hình ảnh một vị sư già đang ngồi ở góc sân cần mẫn tháo gỡ từng đường chỉ thêu trên bức trướng để may áo cho người nghèo. Tay làm, miệng cụ vẫn lẩm nhẩm những câu kinh. Sư cụ Thích Đàm Ánh ngày nhỏ được mọi người gọi là cô bé Đỏ. Câu chuyện về cụ được bắt đầu với những tình tiết ly kỳ tưởng như chỉ có trong những câu chuyện cổ tích.

Tuổi thơ khác người

Được mẹ mang thai đến tận tháng thứ 13 sư cụ mới chịu chào đời. Lúc sinh ra, toàn thân cụ tuyền một màu đen tím tái, cổ thì bị rau thai quấn quanh khiến không thể khóc được. “Khi ấy mọi người phải bóc rau thai ra và vỗ vào mông mấy cái thật mạnh tôi mới cất tiếng khóc chào đời”- sư cụ kể lại ngày mình ra đời. Thấy cụ khác lạ như thế, người thì cho rằng đó là người âm đầu thai. Người khác ác ý thì bảo đó là dấu hiệu bị ma ám, rồi họ thêu dệt đủ mọi chuyện xung quanh sự việc cô bé Đỏ chào đời.

Ngày đó nhà cô bé Đỏ nghèo lắm, bố mẹ lại thường xuyên cãi cọ giận dỗi nhau. Có lần mẹ giận bố bỏ đi làm vú em cho nhà khác, cô bé Đỏ được giao cho bà ngoại trông nom. Vắng hơi ấm củ mẹ, thương cháu, bà ngoại bế bé Đỏ sang nhà hàng xóm bí nhờ nhưng cô nhất định không bú, nên bà đành chẻ mía đun lấy nước ngọt cho uống.

Khi lớn lên một chút, bé Đỏ có những biểu hiện rất khác với những đứa trẻ bình thường. Cô tuyệt đối không ăn được “đồ mặn”. Cứ mỗi lần được bà ngoại cho ăn cháo cá, cháo thịt là cô bé lại sốt miên man, nhưng nhá cơm không hoặc cho ăn cháo trắng thì cô bé ăn lấy ăn để. Dù ăn uống kham khổ nhưng lạ thay cô bé vẫn lớn lên từng ngày một cách khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật.

Năm cô bé được 5 tuổi, mẹ cô bé trở về nhà rồi mang cô bé đi ở đợ cho một gia đình địa chủ ở Bắc Giang. Cuộc sống ở đợ nhà người vô cùng tủi nhục. Dù còn rất nhỏ nhưng cô bé đã nhận thức được sự nhục nhã của kiếp ở đợ, nên đã quyết tâm bỏ trốn, rồi gặp được bà ngoại, ở cùng bà thêm một thời gian nữa.

Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dù thương cháu nhưng bà ngoại vẫn phải gửi cô lên chùa nhờ cửa phật từ bi nuôi hộ. Cô bé Đỏ chính thức xuống tóc quy y cửa phật với pháp danh tiểu Thích Đàm Ánh khi mới 5 tuổi.

Cả đời hành thiện

Ngay từ khi còn nhỏ, tiểu sư Thích Đàm Ánh đã có một tấm lòng nhân hậu, biết thương yêu những người khốn khó hơn mình, dù chỉ mới 12, 13 tuổi sức yếu không giúp được người đời những công việc lớn lao, nhưng tiểu sư vẫn ngày ngày đi nhặt từng chiếc quần, cái áo cũ góp vào trại tế bần giúp đỡ người khác. Những năm chiến tranh xảy ra, hình ảnh người chết đói nằm ngoài đường phố vẫn ám ảnh tiểu sư cho tới ngày hôm nay.

Chính vì vậy, dù sau khi đã trở thành sư cụ được trọng vọng và có được cuộc sống yên bình nhưng sư cụ Thích Đàm Ánh vẫn hàng ngày cần mẫn gỡ từng sợi chỉ trên những bức trướng thêu hoa tưởng như chỉ bỏ đi để may quần áo cho người nghèo.

Cả cuộc đời sư cụ đã đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le, khốn khó, đi càng nhiều biết càng lắm càng thôi thúc cụ làm nhiều việc thiện. Sư cụ Thích Đàm Ánh là người đầu tiên đã phát động phong trào tặng trâu, bò cho những người gặp khó khăn.

Chuyện là năm 2005, trong một chuyến hành hương về Quảng Trị- một thời “mưa bom bão lửa”, nhìn thấy những anh bộ đội ngày nào, nay phục viên trở lại đời thường với thể xác không lành lặn. Người thì mất chân, người cụt tay… và đa phần đều nghèo khổ, sư cụ đã phát động phong trào này nhằm giúp đỡ họ một cách thiết thực để họ có công ăn việc làm. Đến nay không biết đã bao nhiêu trâu bò, gạo muối, quần áo, đã được sư cụ quyên góp giúp đỡ đồng bào bão lụt, những người lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa.

Năm 2006, sư cụ Thích Đàm Ánh được trao Huân chương Lao động hạng 3, dù đã gần 90 tuổi nhưng sư cụ Thích Đàm Ánh vẫn là tấm gương sáng về một con người “tốt đời đẹp đạo” luôn sống lương thiện, biết chia sẻ với những người nghèo khó. Sư cụ tâm sự: “Còn chút hơi thở, tôi còn giúp những người khốn khổ. Với tôi khi sinh ra không mang vật nào thì khi chết đi sẽ không mang vật gì theo”.

Đệ nhất cỗ chay

Tính đến nay đã hơn 70 năm sư cụ Thích Đàm Ánh làm việc bếp núc ở nhà chùa, trải qua rất nhiều thăng trầm trong việc chế biến các món ăn chay. Sư cụ chia sẻ: “ở đời khổ nhất là nhàn rỗi”. Vì vậy mỗi khi nhà chùa có khách thập phương đến thăm, dù tuổi đã cao nhưng sư cụ thường đích thân vào bếp chế biến các món ăn chay ngon nhất để đãi khách.

Theo như lời sư cụ Thích Đàm Ánh thì sư cụ làm cỗ chay không phải mua sự nổi tiếng, mà là để giải thoát con người khỏi những hỉ, nộ, sân, si… tầm thường. Ăn chay sẽ khiến tâm hồm con người thanh tịnh hơn, thoát được những cám dỗ tầm thường để sống cho đúng đạo làm người.

Sư cụ Thích Đàm Ánh nhiều năm ăn chay trong chùa, nên cụ đã mày mò tự nghiên cứu và sáng tạo ra các món chay. Cụ kể có nhiều người sau khi đi ăn ở các nơi khác họ lại quay về đặt cỗ của cụ vì họ nói không ăn ở đâu ngon bằng cỗ chay chùa Phụng Thánh.

Từ đó tiếng lành đồn xa, nhiều người rủ nhau về chùa xin ăn cỗ chay, nên khi nhắc đến món ăn chay người ta nhắc ngay đến ngôi chùa có nhà sư Đàm Ánh nổi tiếng, và cái danh từ “Đệ nhất cỗ chay Hà Thành” không biết ra đời từ bao giờ nhưng nó cứ được truyền miệng từ người này sang người kia, mà chính sự cụ nay cũng không biết danh xưng này. Và chắc bí quyết của cụ chỉ có các nhà sư trong chùa mới biết. Vì không thấy cụ nhắc đến việc truyền dạy cho người bên ngoài.

Để nấu một bữa cỗ chay, sư cụ thường phải đi chợ mua nguyên liệu từ chiều hôm trước, nhưng có những nguyên liệu như đậu phụ phải mua trong ngày cho khỏi chua, thì sáng sớm ngày hôm đó mới đi mua. Trước đây, nhà chùa có nhiều người giúp việc nên cụ để thực phẩm đến sáng sớm dậy làm. Nhưng thời gian này do ít người, sư cụ và sư thầy trong chùa phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước như nhặt rau, gọt củ, tách ngô...

Một bữa cỗ chay chùa Phụng Thánh do đích thân sư bà làm cũng đủ món như mâm cỗ Tết. Mâm cỗ “mặn” có món gì thì mâm cỗ chay cũng có món đó. Thậm chí, có những món đặc biệt như lươn cuốn nướng, gà tần, riêu cá, cá kho, chả rươi, thịt bò hấp, chân giò hầm… Tất cả các nguyên liệu đều được lựa chọn khéo léo và làm từ những gia vị chay tịnh như gạo, bột, đỗ, rau, củ, quả… tuyệt nhiên không có một chút phàm tục nào. Cộng thêm những bí quyết sau nhiều năm mày mò thử nghiệm, sư cụ Đám Ánh đã tạo lên “thương hiệu” cỗ chay nổi tiếng cho chùa Phụng Thánh. Một điều lạ là các món ăn chay này bắt buộc chỉ ăn trong chùa, sư cụ không cho ai mang về nhà ăn.

Vào Rằm tháng Giêng, Lễ Vu Lan, ngày Phật Đản… người đến chùa Phụng Thánh ăn chay khá đông, đôi khi khách đến ăn chay đông quá chùa còn hết cả chỗ ngồi. Thường ai muốn ăn thì phải đăng ký trước cả nửa tháng và phải trả số tiền mà nhà chùa quy định cho một suất ăn chay. Số tiền thu được để mua nguyên liệu nấu cỗ, dùng cho việc nhà chùa, làm từ thiện…

Đông Thảo

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/gap-de-nhat-co-chay-ha-thanh-16918/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY