Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Gặp lại cụ bà 100 tuổi ở Hà Nội gây sốt bởi nhan sắc thời trẻ, tiết lộ bí quyết sống thọ với cháu con

Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, cụ Băng Tâm (100 tuổi, Hà Nội) hay cười, giữ tinh thần lạc quan để sống vui sống khoẻ bên con cháu.

Trong căn phòng nhỏ trên phố Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cụ Nguyễn Thị Băng Tâm, 100 tuổi, nhận ra bức ảnh đám cưới thời trẻ của mình. Cụ cười tươi, miệng nói không ngớt: "Đám cưới, đám cưới". Trong ảnh, người con gái xinh đẹp, dịu dàng, diện tà áo dài sang trọng và quý phái, tay ôm bó hoa đứng cạnh chồng trong đám cưới "to nhất vùng" thời điểm đó.

Năm tháng qua đi, "nàng tiểu thư" băng thanh ngọc khiết ngày nào giờ đã bước vào mùa xuân thứ 101 của cuộc đời.

Cụ Băng Tâm năm 17 tuổi và 100 tuổi. Dù cho ở độ tuổi nào, cụ vẫn luôn cười tươi và lạc quan!

Cụ bà 100 tuổi nổi tiếng với đám cưới "đình đám" thời trẻ

Từ những năm 1920, bố mẹ sang Pháp sinh sống và làm việc, rồi sinh cụ Tâm. Năm 4 tuổi, cụ theo mẹ về Việt Nam, được vợ chồng thương gia buôn vải có tiếng ở Bắc Ninh nhận làm con nuôi. Vì hiếm muộn, nên ông bà dành toàn bộ tình cảm cho cô bé Băng Tâm.

Từ ngày sống với bố mẹ nuôi, "tiểu thư" Băng Tâm chỉ cần đi học, sau đó về nhà nghỉ ngơi, những việc vặt trong nhà đều có người giúp việc lo liệu. Bữa sáng, cô bé ăn bánh ngọt, uống sữa tươi. Mỗi lần đi đâu cũng đều có xe người kéo đưa đón.

Lớn lên, Băng Tâm được mệnh danh là "hoa khôi của vùng", làn da trắng, đôi mắt to tròn, bàn tay mềm mại. Cô giao tiếp lưu loát bằng tiếng Pháp với vốn kiến thức sâu rộng, khiến ai cũng trầm trồ tán thưởng.

Thời trước, con cái đến tuổi cập kê đều được cha mẹ lựa chọn gia đình môn đăng hộ đối, không tự do yêu đương như bây giờ. Năm Mậu Dần 1938, khi thiếu nữ Băng Tâm vừa tròn 17 tuổi, được mai mối với người con trai xuất thân trong gia đình giàu có ở Hà Nội, 18 - 19 tuổi đã lái xe ô tô đi khắp nơi.

Trong đám cưới linh đình, cô dâu mặc áo dài nhung, đầu đội khăn vấn, cổ đeo chuỗi ngọc trai, chân đi hài. Còn chú rể mặc áo the đen, đội khăn xếp, chân cũng mang hài.

Dù không thách cưới, nhưng đám ngày ấy cũng được nhận xét là to nhất nhì trong vùng. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", cụ Băng Tâm về Hà Nội chăm lo gia đình, một năm sau thì sinh hạ con gái đầu lòng - năm nay đã 82 tuổi.

Vợ chồng cụ có 7 người con, một người đã mất, con trai út năm nay cũng 65 tuổi. Tính riêng con, cháu, chắt, chút, chít cũng khoảng 70 người. "Nhà đông con cho vui cửa, vui nhà", cụ nói.

Đám cưới năm đó của cụ Tâm diễn ra "đình đám" trong vùng. Năm 2021, cụ đại thọ 100 tuổi, thỉnh thoảng vẫn hút chơi điếu Thu*c cho... "thơm mồm"

Năm 1940, khi quân Pháp tấn công, chồng lên đường kháng chiến, cụ đưa các con di tản lên Tuyên Quang. Tại đây, cụ làm nhân viên thu thuế, khi rảnh còn nhận may quần áo tù nhân. Không còn hình ảnh một nàng tiểu thư đài các, "chỉ quen sống trong nhung lụa", cụ Băng Tâm khi đó là người phụ nữ anh hùng, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", sẵn sàng nhẫn nhịn, không hề than khổ để nuôi dạy con cái và tham gia kháng chiến.

Giải phóng Thủ đô năm 1954, cả gia đình cụ Tâm từ Tuyên Quang về lại Hà Nội. Theo chế độ, 2 vợ chồng cụ được thuê một căn nhà. Cụ nhận làm công việc văn phòng tại Bộ Văn hoá, còn chồng chuyển công tác tại Ủy Ban liên lạc văn hoá đối ngoại. Năm 1968, chồng qua đời do bạo bệnh, một mình cụ bà tiếp tục nuôi dạy 6 người con.

Năm 1982, cụ Tâm về hưu, từ đó ở nhà quây quần bên con cháu. Lúc trẻ thì nuôi dạy các con, già thì dạy dỗ các cháu, sống vui vầy an hưởng tuổi già.

Ông Quang - người con út dìu cụ Tâm ngồi xuống ghế

Bí quyết sống thọ của cụ Băng Tâm: Hay cười và lạc quan!

Ông Đặng Trần Quang, 65 tuổi, con trai út cụ Tâm, nhớ lại, cha ông là một người nghiêm khắc, còn mẹ là người dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng tuyệt đối không "chiều hư" con cái. Dù ai làm gì cũng đều đề cao tình cảm gia đình, có tôn ti, trật tự theo đúng nền nếp gia giáo được rèn từ bé.

Theo ông Quang, dù mẹ tuổi cao, tai có phần nghễnh ngãng, đi lại khó khăn, nhưng sức khoẻ vẫn rất tốt. Cụ tự sinh hoạt, ăn uống điều độ, mỗi ngày ăn 2 bữa (trưa và tối), sáng ăn nhẹ, chịu khó tập thể dục nhẹ nhàng bằng cách đi lại trong nhà. Nhờ đó, cụ ít ốm vặt, hầu như không phải đi bệnh viện.

Cách đây 6 - 7 năm, cụ Tâm ngã gãy xương cột đùi. Bác sĩ nói phải mất 6 tháng mới có thể đi lại được, nhưng đến tháng thứ 3, cụ đã bắt đầu tập vận động bằng sự quyết tâm cao độ khiến con cháu nể phục.

Thỉnh thoảng, con cháu mời cụ hút chơi điếu Thu*c, cụ cũng nhận, nói "hút cho thơm mồm" - nét tính cách của con gái thành thị ngày xưa: không ăn trầu cau nhưng hút Thu*c.

Bí quyết sống lâu, sống thọ của cụ Tâm không có gì ngoài nụ cười và tinh thần lạc quan

Năm cụ Tâm 90 tuổi, gia đình muốn tổ chức lễ đại thọ, nhưng cụ từ chối, bảo rằng "đừng làm gì hết, dùng tiền đó làm từ thiện".

Năm cụ 100 tuổi, con cháu một lần nữa có ý định làm lễ mừng, cụ cũng không hài lòng. "Tôi không muốn con cháu, họ hàng vất vả, phải bỏ công bỏ việc", cụ nói.

Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, Hà Nội trải qua nhiều tháng giãn cách toàn xã hội, gia đình phân chia người chăm sóc cụ, hạn chế tiếp xúc nhất có thể để giữ an toàn. Người chăm sóc cụ hiện nay là con dâu thứ 6. Dù chồng đã mất cách đây 10 năm, nhưng bà vẫn xung phong nuôi dưỡng mẹ chồng đầy đủ, không thiếu thứ gì.

Cụ tâm trải qua mọi thăng trầm, hỉ nộ ái ố của cuộc đời, rồi những năm tháng chiến tranh, vượt qua cả nỗi buồn khi con cháu ra đi trước. bí quyết sống thọ của cụ rất đơn giản: hay cười, tinh thần lạc quan, gia đình đầm ấm, con cháu đoàn kết.

"Tôi rất tự hào khi có người mẹ 100 tuổi rồi mà vẫn minh mẫn, sống vui sống khoẻ. Không mong gì hơn là cụ sống thọ, khoẻ mạnh và hạnh phúc bên con cháu", ông Quang tâm sự.

Clip: (Thực hiện: Việt Hùng)

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/gap-lai-cu-ba-100-tuoi-o-ha-noi-gay-sot-boi-nhan-sac-thoi-tre-tiet-lo-bi-quyet-song-tho-voi-chau-con-20211105104429577.chn)

Tin cùng nội dung

  • Nhật Bản-Bí quyết sống đến 105 tuổi của bác sĩ Shigeaki Hinohara là ăn uống, đi thang bộ, không về hưu sớm và hãy luôn đứng thẳng người.
  • Thống kê y tế cũng cho biết, 95% người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính và gây Tu vong cao, như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh gan, đái tháo đường, ung thư, vân vân. Làm thế nào để sống khỏe với: ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe, khi tuổi đã cao?
  • Trên thế giới có nhiều người nổi tiếng là trường thọ, nhưng đặc biệt hơn cả là cả gia đình có tuổi thọ đạt kỷ lục thế giới. Gia tộc trường thọ đó có bí quyết gì?
  • Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley nhận thấy rằng, việc ngủ ít ở người cao tuổi, là nguyên nhân dẫn đến việc tăng nguy cơ mất trí nhớ.
  • Thời tiết ngày Tết thường giá lạnh, nhiều khi còn gặp mưa phùn, gió bấc ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.
  • Sự suy giảm về các chức năng, đã làm cho cơ thể người cao tuổi, trở nên phức tạp và rất mong manh.
  • Trong cuộc sống hàng ngày, để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe, mọi người phải ăn uống, làm việc, học tập, nghỉ ngơi có thời lượng nhất định, bảo đảm giấc ngủ đủ, sống có kỷ luật, vân vân.
  • Ai cũng có tuổi xuân, ai cũng phải về già và trong quá trình phát triển, cơ thể con người diễn ra hàng loạt thay đổi, âm thầm và nhẹ nhàng đến mức, người trong cuộc ít khi nhận thấy. Trong số này có 7 phát hiện dưới đây, vừa được khoa học nghiên cứu, kiểm chứng.
  • Bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi, trung bình 65 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam.
  • Ngủ trưa đều đặn, chọn bạn khôn ngoan, lập gia đình, tạo thói quen đội mũ bảo hiểm và thắt dây an toàn khi lên xe, vân vân, là việc bạn dễ thực hiện, để kéo dài tuổi thọ.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY