Chị Trương Thị Hoa, ở Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội bị gẫy xương chân do tai nạn xe máy. Từ lúc ở viện ra chị thường ngồi và nằm lỳ trong phòng. Mỗi lần cố di chuyển với nạng, chị lại nhăn nhó vì đau. Vì thế chị ngồi yên một chỗ cho khỏi đau và cũng vì nghĩ “vận động có khi xương còn gẫy thêm”. Nhưng một hôm, có người quen làm trong ngành y tế đến thăm, nghe chị kể chuyện “ngồi một chỗ chán và mỏi người” thì người đó vội xua tay: Chị phải năng tập đi thì xương mới nhanh liền được.
Nghe bạn phân tích, chị Hoa mới tá hỏa. Từ đó ngày nào chị cũng yêu cầu con cái hỗ trợ để chị tập đi. Bác sỹ đã khen xương của chị chóng liền, sau 3 tháng đã ổn, trong khi đó, nhiều người phải mất 5-6 tháng với tình hình bệnh tương tự của chị.
Trên thực tế, có rất nhiều bệnh nhân gẫy chân, gẫy tay đã chọn cách ngồi ỳ, ít cử động như chị Hoa. Nguyên nhân là do họ thấy đau. Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn triệt tiêu hầu hết các cơn đau. Cho nên, như một phản xạ tự nhiên, người ta đều cho rằng nghỉ ngơi là giải pháp tốt nhất cho xương gãy chóng liền.
Nhưng bác sỹ Cao Hồng Phúc, Khoa Y học lao động, Học viện Quân y lại nhấn mạnh: Khi gẫy xương, bạn chăm tập đi, tập cử động sẽ giúp xương liền nhanh hơn. Nếu vận động đúng cách, bạn có thể rút thời gian liền xương từ 3-6 tháng xuống còn từ 2-3 tháng tùy loại xương gãy.
Những người ít vận động, thì sau một thời gian chỗ bị tổn thương dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo. Những trường hợp nằm lỳ một chỗ lâu ngày có thể gây loét tì đè, nhiễm khuẩn, giảm phản xạ đại tiện. Vì vậy sau bó bột người bệnh nên tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ để nhanh liền xương.
Vì sao vận động tốt cho xương?
Giải thích về tác dụng của vận động với việc liền xương, bác sỹ Phúc cho hay: Vì vận động làm tăng lưu chuyển máu tại ổ gãy giúp ổ gãy xương được cấp máu đầy đủ. Điều đó giúp cơ tại ổ gãy nhanh phục hồi và màng xương chóng phát triển, hai đầu xương gãy dễ bắt liền vào nhau. Tốc độ tuần hoàn ở người chăm vận động có thể tăng lên 1,5-2 lần so với người nằm ườn một chỗ.
Vận động còn có một tác dụng khác đó là tăng lưu chuyển máu vào xương. Sự tăng lưu thông máu vào xương sẽ làm tăng lắng đọng calci và nguyên tố cần thiết khác nên giúp nhanh liền xương.
Vận động cũng sẽ làm tăng vận chuyển các tế bào của mô liên kết đến ổ xương gãy. Các tế bào này là các tế bào chịu trách nhiệm tạo khung cho ổ gãy xương để giúp các tế bào tạo xương có điều kiện tạo xương.
Cách vận động đúng
Tuy nói vận động có lợi cho việc liền xương nhưng không phải loại vận động nào cũng được chấp nhận. Để vận động đúng cách, bác sỹ Phúc khuyên bạn nên ghi nhớ những điều sau:
Chỉ vận động sau khi đã bó bột: Vận động đúng là bận động sau khi đã cố định ổ xương nhằm giúp hạn chế tai biến do vận động gây ra cho ổ gãy xương. Vì khi được cố định hoàn hảo, sẽ làm cho các đầu xương hạn chế di chuyển. Cố định hoàn hảo có nghĩa là ổ gãy xương được bó bột chắc, và đã phẫu thuật kết xương.
Không được vận động trong điều kiện ổ gãy xương không được che chắn hay cố định gì. Vì khi đó vận động rất tai hại cho liền xương, thậm chí chống liền xương.
Cử động nhẹ nhàng: Bạn nên chú trọng bài gấp tay, gấp chân, nắm tay, co chân, bạn có thể gồng tay, căng cơ đùi…Tất cả đều là vận động và đều có ích cả. Ví dụ, bạn bị bó bột tay thì bạn hoàn toàn có thể vận động bằng cách nắm quả bóng cao su trong tay và bóp liên tục hàng tiếng đồng hồ. Khi bạn gẫy chân thì tập đi với nạng. Khi chân đã tháo bột thì bạn nên tập ngồi xổm, leo cầu thang bậc thấp. Bạn cũng nên kết hợp xoa bóp ổ xương gãy, chỉ cần xoa bằng tay không cần dầu, cao, cồn
Vận động theo chiều của xương: Là vận động theo chiều hướng gẫy của xương, nhằm làm hai đầu xương xích lại gần hơn. Ví dụ như gãy xương cẳng chân thì bạn cần tập đi để đầu xương trên chống lại, ấn vào đầu xương dưới. Nhưng bạn cần tránh mọi hình thức vận động nhằm phá ngang ổ gãy ví dụ hành động ngồi xuống và giơ chân hạ chân xuống.
Nên chia thành từng khoảng thời gian ngắn: Mỗi ngày bạn chỉ cần vận động chừng 1-2h đồng hồ và nên chia làm hai lần vào sang và chiều. Nên tập giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, khi cơ thể đã tỉnh táo. Không nên vận động quá nhiều, không có lợi cho cơ thể và cho ổ gãy.
Tập liên tục: Bạn cũng cần chú ý là vận động đều đặn, tức là ngày nào cũng tập, liên tục cho đến khi xương liền. Có như vậy, xương của bạn mới được nuôi dưỡng liên tục và nhanh liền. Bạn cũng cần chọn vị trí môi trường trong lành để tập vận động.
Giữ vệ sinh: Tuyệt đối không để mồ hôi, nước bẩn chảy vào ổ gãy xương. Như thế, nhiễm trùng có thể xảy ra và lợi bất cập hại.
Nam Phong
Chủ đề liên quan: