Sức khỏe hôm nay

Giá đỡ chống cận khiến mắt cận thêm

(SKGĐ) Tật cận thị học đường ngày càng phát triển nên các sản phẩm được giới thiệu là chống cận thị đang rất gặp mùa. Thiết bị đỡ cằm chống cận – một sản phẩm được quảng cáo và bán chạy bậc nhất trong số các sản phẩm được gắn mác “chống cận thị”.

Dạo một vòng qua các cửa hàng bán thiết bị, đồ dùng học sinh ở Q.1, Q.5 và trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp.HCM, đâu đâu cũng thấy treo biển quảng cáo cung cấp các thiết bị chống cận thị như đèn chống cận, bút chống cận, bảng chống loá, giá đỡ cằm...

Thời gian gần đây, thiết bị giá đỡ cằm chống cận cũng là một mặt hàng nổi trội, được các ông bố bà mẹ lựa chọn nhằm tránh các tật khúc xạ mắt cho con em mình. Những giá đỡ này được làm từ nhựa với nhiều kiểu dáng khác nhau và xuất xứ từ Đài Loan, Thái Lan… đến hàng Việt Nam. Một số hàng không có nhãn mác rõ ràng hoặc toàn tiếng nước ngoài. Nhưng chúng đều có điểm tương tự là: Giá đỡ được gắn vào bàn học ngay trước ngực học sinh; Khi cúi xuống viết, cằm của trẻ bị chặn lại bởi giá đỡ nên ngăn tình trạng không cho các em cúi xuống quá thấp khi đọc và viết.

Vì vậy chúng được giới thiệu là giữ tư thế ngồi, giữ khoảng cách nhìn chuẩn để tránh được cận thị. Các sản phẩm này được bán với giá từ 60-100.000 đồng. Một số lớp ở một số trường tiểu học hiện nay, phụ huynh và thầy cô giáo đã thống nhất gắn cho mỗi em một chiếc giá đỡ vào bàn.

Gác lên giá đỡ, con mỏi lắm!

Bé Nguyễn Thị Thanh Hoa, con chị Trần Thu Nguyệt ở Đường số 7, Tp.HCM cũng được mẹ mua cho hai giá đỡ cằm chống cận, một chiếc để ở nhà, một chiếc ở lớp. Khi ngồi học, bé Hoa phải tì sát cằm vào chiếc giá đỡ. Phần đỡ cằm được thiết kế cong cong, trũng xuống ở giữa khiến bé đã tì cằm vào là được giữ yên tư thế. Chị Thu thấy con ngồi tì cằm vào giá đỡ, giữ nguyên được khoảng cách với bàn thì tỏ ra yên tâm. Nhưng ngồi học với giá đỡ được hai tiếng thì con chị kêu: Mẹ ơi đau cằm và mỏi người lắm. Chị khuyên con nên tập cho con, sau này sẽ khỏi phải lo mang kính bên mình. Nhưng những ngày sau, hễ học với thiết bị này được khoảng nửa tiếng là con chị lại nhăn mặt kêu mỏi và đau. Chị Hoa cũng thử đặt cằm mình vào đó thì liền hiểu nỗi khổ của con. Từ đó chị không bỏ không cho con dùng nữa.

Mang câu chuyện của bé Hoa và thiết bị chống cận trao đổi với BS. Lương Ngọc Tuấn, Khoa Khúc xạ - Bệnh Viện Mắt Tp.HCM, bác sĩ nhận định: Các bậc phụ huynh tin vào những lời quảng cáo của các trung tâm, cửa hàng, nhà phân phối nên họ rủ nhau mua để nuôi hy vọng tránh được bệnh cho con.

Nhưng thực tế là các thiết bị này chỉ góp một phần nhỏ trong việc chống cận thị cho trẻ, giúp phòng tránh được các tư thế ngồi học sai cho trẻ mà thôi. Giá đỡ cằm sẽ khiến cằm và cổ bị giữ nguyên một tư thế, làm hạn chế sự phát triển của cằm và cổ, thậm chí dùng lâu ngày sẽ mắc bệnh cứng cổ.

Cẩn thận cận nặng hơn

Trong khi công dụng của thiết bị này còn chưa được kiểm chứng rõ ràng từ phía các chuyên gia, bác sĩ Tuấn còn đưa ra nhận định thêm: Việc phụ huynh quá tin tưởng vào các thiết bị này sẽ dẫn đến tình trạng quá lạm dụng các thiết bị, bắt con em ngồi học lâu, nghỉ ngơi không hợp lý. Hậu quả là khiến trẻ không những không tránh được cận thị mà còn bị nặng hơn hoặc tăng độ cận nhanh hơn. Hơn nữa, trẻ bị bò gó cằm và cổ vào giá đỡ sẽ ảnh huởng đến sự tập trung và chất lượng học tập của trẻ.

Bác sĩ Tuấn còn cho biết thêm ngày càng có nhiều trẻ bị cận sớm còn có nguyên nhân từ di truyền, bàn học không đạt chuẩn, nhìn sách, vở, máy tính hay xem tivi quá lâu cùng với chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc đôi mắt không đảm bảo. Do đó, giá đỡ cằm hay một số thiết bị khác như bút đèn, bảng chống cận đều không phải là giải pháp triệt để và tối ưu trong việc phòng chống tật khúc xạ này.

Dạy con tư thế đọc sách đúng:

   - Ngồi thẳng khi đọc sách

  - Mỗi 15-20 p cần nghỉ mắt, nhìn ra xa bằng cách chọn một vật cách trẻ khoảng 4-5m.

  - Khoảng cách giữa mắt và trang sách là 33-35cm. Màn hình vi tính cách mắt 60cm và dưới tầm mắt 10-20cm.

- Nhớ chớp mắt thường xuyên.

- Không ngồi lệch quá một góc 45độ so với màn hình ti vi

 - Nên thường xuyên tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động, vui chơi, giải trí ngoài trời, ở những không gian thoáng đãng để mắt thư giản hoàn toàn.

- Cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ các vitamin A, E, C, Lutein, các vi chất kẽm đồng... từ đa dạng loại thực phẩm.

 - Khám, kiểm tra mắt định kỳ hàng năm ở các cơ sở chuyên khoa mắt có chuyên môn cao, có uy tín.

Ngọc Luyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/gia-do-chong-can-khien-mat-can-them-6361/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY