Ngày 5/3, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 đã tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới phía Tây Nam.
Tại hội nghị, một số đại biểu Cục quản lý thị trường các tỉnh phía Nam cho biết, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã khiến các đối tượng buôn lậu chuyển hướng sang buôn lậu, vận chuyển các thiết bị y tế, cụ thể là khẩu trang y tế, qua biên giới Campuchia để kiếm lời.
Đại diện Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, đơn vị mới thu giữ hơn 41.000 chiếc khẩu trang y tế chuẩn bị đưa qua biên giới Campuchia tiêu thụ. Khi bị bắt, các đối tượng khai rằng, do chênh lệch giá bán khá cao giữa Việt Nam và Campuchia nên mới gom hàng mang qua biên giới bán kiếm lời.
Tương tự, đại diện Cục quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đơn vị vừa bắt giữ một số lượng lớn khẩu trang y tế được vận chuyển qua biên giới Campuchia theo đường mòn dân sinh. Theo đó, giá một hộp khẩu trang bán ở Campuchia hiện khoảng 23 USD (hơn 510.000 đồng), trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 160.000 đồng, nên các đối tượng buôn lậu qua Campuchia để hưởng chênh lệch.
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại các địa bàn trọng điểm phía Tây Nam có nhiều đường mòn, lối mở, ngõ tắt, kệnh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Theo đó, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức vận chuyển như vác bộ, sử dụng xe gắn máy, xuồng công suất lớn nên việc bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng được vận chuyển lậu qua biên giới đã xuất hiện thêm các mặt hàng mới như: M* t*y, các thiết bị y tế… bên cạnh các mặt hàng "truyền thống" như đường cát, Thu*c lá, bia….
“Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng trên, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, trước mắt các tỉnh Tây Nam cần tăng cường phối hợp, kiểm tra các mặt hàng y tế vận chuyển qua biên giới; tích cực phát hiện sớm để tránh đầu cơ nâng giá các sản phẩm y tế, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh COVID-19. Về lâu dài, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan thường trực tại địa phương, các lực lượng đang vào cuộc kiểm tra và phát hiện tới đâu xử lý nghiêm tới đó, để ngăn chặn các đối tượng buôn lậu đưa khẩu trang lậu vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa khẩu trang y tế ra nước ngoài tiêu thụ”, ông Thanh nói.
Chủ đề liên quan:
an giang biên giới biên giới Campuchia buôn lậu buôn lậu quan biên giới Cmapuchia campuchia khẩu trang khẩu trang y tế qua biên giới tây ninh tình trạng tp hồ chí minh trang thiết bị y tế