Tâm linh hôm nay

Giá trị vi diệu của câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm

Từ bao lâu nay, mỗi lần nghe thấy hoặc nhớ đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, những mong mỏi trong tôi lại như thúc dục tìm hiểu kỹ ý nghĩa vi diệu của lời kinh này.

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thường được nhắc đến, tưởng như được nghe một câu thần chú gắn liền với chuyện về Lục Tổ Huệ Năng nhờ nghe được câu đó mà đạt đại ngộ. Vậy Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm từ đâu ra.


Đó là câu trong Kinh Kim Cương Bát Nhã khi Đức Phật giảng giải cho Tu Bồ Đề. Bản kinh đó nằm trong bộ Đại tạng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bộ Đại tạng kinh này do Đức Thế Tôn giảng giải ròng rã trong hai mươi hai năm (Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm) ở bốn đạo tràng: tại núi Linh Sơn thuộc thành Vương Xá, tại vườn cây Thái tử Kỳ Đà trong vườn Trưởng giả Cấp Cô Độc thuộc thành Thất La Phiệt, tại Điện Ma Ni Bửu Tàng nơi cung Trời Tha Hóa Tự Tại và tại bên ao Bạch Lộ trong Vườn trúc thuộc thành Vương Xá. Bộ Đại tạng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa này gồm 16 hội, 600 quyển với 25.000 chữ, là bộ kinh đầu tiên và chủ yếu của Phật giáo Đại thừa ra đời vào khoảng thế kỷ thứ nhất và thứ hai sau Công nguyên. Bộ Đại tạng kinh này đã được các vị Tổ rút gọn, tóm tắt thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tức Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay.


Bản Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa gọi tắt là Kinh Kim Cương nằm ở hội thứ 9 trong 16 hội của bộ Đại tạng Kinh Bát Nhã. Trọng tâm của bản Kinh Kim Cương này chủ yếu ở chỗ Đức Phật đã trả lời hai câu hỏi của tôn giả Tu Bồ Đề: Làm thế nào để trụ được chân tâm? và Làm thế nào để hàng phục vọng tâm?. Trong toàn bộ Kinh Kim Cương, Đức Phật nói đến nhiều vấn đề nhưng chỉ là để giải đáp hai câu hỏi trên và tóm tắt lại chỉ trong một câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nghĩa là “Đừng trụ vào đâu cả để mà sinh cái tâm”.

Rõ ràng toàn bộ bản Kinh Kim Cương đều toát lên một điều là Đừng trụ chấp vào đâu mà sinh ra tâm. Từ những điểu răn dạy trong Kinh Kim Cương ấy, cho ta hiểu phàm những gì có tướng đều là hư vọng, kể cả Phật, Pháp, quả vị Vô thượng Chính đẳng giác v.v.. đều còn nằm trong trạng tướng khi tâm chúng sinh phân biệt, chấp trước vào đó. Nên khi đã hiểu câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thì người tu hành phải thấy là không được trụ vào bất kỳ đối tượng nào, dù đó là Quả vị Giác ngộ Tối thượng Bồ đề. Khi đã nhận chân được thực tướng các pháp (mọi sự vật, hiện tượng) đều là phi tướng rồi thì ta phải hàng phục tâm, không để cho tâm chạy theo hay dính mắc với trần cảnh, trụ tâm ở chỗ không chấp, không vướng mắc, giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự sinh diệt, khổ đau vô thường của cuộc đời.


Sự phá chấp này của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng một khi tâm ta còn chấp ngã và chấp pháp, thì không thể nào vào được quả “Vô thượng Chính đẳng giác”. Vì vậy, hàng phục được tâm phân biệt vọng động chính là ta đang trụ tâm và do đó hàng phục tâm cũng chính là an trụ chân tâm.


Rõ ràng khi tâm ta không trụ vào đâu cả thì Phật tính tự nhiên hiển lộ và ta cảm thấy Phật tính phát sinh ra, kể cả không trụ vào tướng Phật. Điều đó trong Kinh Kim Cương, Đức Phật đã nhiều lần nhắc đến (Mục 7, mục 25, mục 53, mục 60, mục 61 rồi mục 64)


Hiểu được ý nghĩa của Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, người học Phật sẽ có những lợi lạc vô cùng :

1. Khi hiểu rõ được, người học Phật không bị kẹt vào bất kỳ đối tượng nào để sinh tâm thanh tịnh, dù đối tượng đó là Phật, là Pháp, là Vô thượng Chính đẳng giác.


* Không trụ tướng Phật mà sinh tâm vì trong ta sẵn có Phật tính. Phật tính vốn vô sinh, mà nói là sinh bởi vì khi đó tâm ta không trụ vào đâu cả, không trụ vào tướng Phật, thì ngay lúc đó Phật tính hiển lộ.


* Không trụ tướng Pháp mà sinh tâm vì “thuyết pháp là không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”. Đối với những đối tượng chưa có khả năng thấy được tính không thì Đức Phật tùy duyên vận dụng vô số phương tiện, ngôn từ giảng giải chính pháp, giúp chúng sinh tiếp cận chân lý. Nên pháp Phật chỉ là phương tiện đưa chúng sanh đến bờ giác ngộ. Chính vì vậy mà đức Phật từng phát biểu “trong 49 năm ta không nói một lời nào”.


* Không trụ tướng Quả vị Vô thượng Chính đẳng giác mà sinh tâm vì pháp Vô thượng Chính đẳng giác là chân như, là Phật tính, vốn không sinh không diệt, không đi không tới, không mất, cũng không còn. Nếu ta chấp có pháp Vô thượng Chính đẳng giác để chứng đắc thì không lẽ pháp Vô thượng Chính đẳng giác có sinh có diệt sao? Pháp Vô thượng Chính đẳng giác có đắc và không đắc thì đâu còn là pháp Vô thượng Chính đẳng giác vì pháp Vô thượng Chính đẳng giác từ xưa nay nó vẫn y nguyên như vậy, không mất, không còn, không sinh, không diệt nhưng vì do chúng sinh bị vô minh che lấp nên không nhận ra đó thôi.


2. Trong đời sống thực tế, nếu mọi người trong xã hội hiểu và thực hành câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của Kinh Kim Cương thì sẽ không còn bi quan và lo sợ trước những biến đổi của cuộc sống mà sẽ có một thái độ sống tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh.



Trong cuộc sống, ta thường thấy khổ đau, những đấu tranh trong xã hội, hận thù, rồi chiến tranh tàn phá cuộc sống. Tất cả là do con người ta còn tham đắm sắc tài danh lợi, ngũ dục lục trần. Vì còn chấp ngã, cái “ta” và cái “của ta” luôn luôn ngự trị trong cuộc đời vì thế họ chẳng bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, hạnh phúc lại như cái bóng khi họ vừa chạm tay vào nó, nó liền tuột mất, nhường chổ cho khổ đau xâm chiếm.

Vì vậy, nếu tâm không chấp ngã thì lòng tham không tồn tại, sẽ không có những thủ đoạn lọc lừa, những toan tính tàn ác ngự trị. Và khi đó câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của kinh Kim cương, sẽ là liều Thu*c giá trị cho cuộc sống làm cho con người ta thanh thản, lạc quan yêu đời. Họ sống với thái độ tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh. Thái độ sống xả ly trong tỉnh giác ấy không phải là sự trốn chạy hay buông lơi mà thể hiện tinh thần theo như lời Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

*

Tóm lại, Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là tinh thần cốt lõi của Kinh Kim Cương, một bản kinh được xem là trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Trong bản kinh này, Đức Phật tuy đề cập đến nhiều điều rộng lớn khác, nhưng hầu như toàn bộ kinh chỉ để nói lên yếu lĩnh cần có để an trụ chân tâm và hàng phục vọng tâm. Muốn thế hành giả không nên trụ chấp vào bất kỳ đối tượng nào dù đó là Phật, là Pháp hay quả vị Vô thượng Chính đẳng giác. Muốn thế hành giả phải thấy mọi sự vật và hiện tượng là hư ảo, là huyễn, là vô thường, vô ngã, không bị lạc vào đường chấp ngã mà phải nỗ lực thực hành sao cho chân tâm vô trụ, an nhiên tự tại. Cái an nhiên tự tại chính là tâm thanh tịnh, là tâm không vướng mắc, là tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài thơ kệ Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tác san hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền


Dịch thơ:

Ở đời vui đạo cứ tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Của báu trong nhà, tìm đâu nữa

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền


Có thể nói rằng câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là kim chỉ nam không chỉ giúp cho các hành giả đi theo con đường tu hành tỉnh giác, an trụ chân tâm để bước tiếp, nhanh chóng đạt thành chính quả tới bờ giác ngộ giải thoát, mà còn giúp cho các Phật tử nói chung có công năng chuyển hóa cái tâm để không bi quan trong cuộc sống, tự tin vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh.

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm từ gần hai thiên niên kỷ nay đã trở thành câu có ý nghĩa vi diệu gắn liền với cuộc đời tu hành của những người học Phật.


Chánh Tuệ Định Phạm Đình Nhân

Phạm Đình Nhân

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/gia-tri-vi-dieu-cua-cau-ung-vo-so-tru-nhi-sinh-ky-tam-d14850.html)
Từ khóa: giá trịhi sinh

Chủ đề liên quan:

giá trị hi sinh

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY