Kinh tế xã hội hôm nay

Giải mã bí ẩn: Khả năng ngụy trang tài tình, đổi màu trong nháy mắt của bạch tuộc

Bạch tuộc là một trong những sinh vật khó phát hiện nhất bởi khả năng tàng hình, biến đổi màu sắc giống môi trường xung quanh để ngụy trang.

Có khoảng 300 loài bạch tuộc đã được các nhà khoa học phát hiện trong thế giới đại dương rộng lớn. Và loài động vật không xương sống này ẩn chứa rất nhiều điều thú vị khiến chúng ta kinh ngạc.

Bạch tuộc thuộc bộ Octopoda, có cấu tạo cơ thể thân mềm gần giống với loài mực ống. Cấu trúc cơ thể bạch tuộc là loài không xương, không có vỏ ngoài cứng nên loài động vật này có thể dễ dàng len lỏi qua các khe đá nhỏ dưới lòng đại dương. Phần cứng duy nhất của bạch tuộc có hình dạng giống mỏ vẹt, nằm dưới đầu, giữa 8 cánh tay.

Bạch tuộc có ngoại hình trông giống như một cái mái vòm hay cái bát úp lên trên một đống râu mực cỡ lớn vậy. Nhưng thực tế thì cái mà chúng ta vẫn gọi là đầu của bạch tuộc đó lại chính là phần thân của nó, bên trong đó chứa tất cả những cơ quan nội tạng quan trọng bao gồm cả 3 trái tim, 2 tim bơm máu cho mang, còn 1 tim sẽ bơm máu đi toàn bộ cơ thể.

Trong tất cả các loài sinh vật biển, bạch tuộc được xếp loại là loài động vật thông minh nhất. Hệ thần kinh của chúng hoạt động khá phức tạp, hơn 2/3 nơron nằm trong những dây thần kinh ở các tua. Các tua bạch tuộc có những phản xạ phức tạp với sự điều khiển của ít nhất ba cấp độ của hệ thần kinh.

Những xúc tu trên tua của bạch tuộc có tác dụng giống như giác hút giúp bạch tuộc có thể giữ chặt con mồi đồng thời những xúc tu này còn giúp bạch tuộc xác định được địa hình và hình dạng của những thứ nó bám vào.

Các nhà khoa học đã khám phá được bạch tuộc có khả năng nhớ trong ngắn hạn và dài hạn. Chúng có thể phân biệt được hình dạng, bắt chước được mọi hoạt động của vật thể sau khi quan sát. 

Theo IFLScience, bạch tuộc luôn được xem là một trong những loài động vật ngụy trang tốt nhất dưới đáy đại dương nhờ khả năng đổi màu cơ thể giống với màu môi trường xung quanh. Khả năng “tàng hình” trong tích tắc này là nhờ những tế bào da chuyên dụng có thể thay đổi màu, độ mờ và tính phản chiếu của biểu bì. Nhờ đó, chúng có thể đổi màu cơ thể trong tích tắc và hòa vào môi trường xung quanh khiến những kẻ săn mồi khó mà phát hiện ra chúng. Chúng thường sử dụng khả năng này khi săn mồi hoặc chạy trốn kẻ thù.

Ngoài ra, bạch tuộc có thể phun mực vào đối phương khi gặp nguy hiểm. Mực tối khiến cho những kẻ tấn công này không thể nhìn thấy bạch tuộc và chúng dễ dàng tẩu thoát.

>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn loài động vật có vú nguyên thủy "dị" với 4 D**ng v*t còn sống trên Trái Đất

Phong Linh

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi bài viết Giải mã bí ẩn về thế giới xung quanh trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 21h hằng ngày.

Mạng Y Tế
Nguồn: Người đưa tin (https://www.nguoiduatin.vn/giai-ma-bi-an-kha-nang-nguy-trang-tai-tinh-doi-mau-trong-nhay-mat-cua-bach-tuoc-a467101.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY