Tâm linh hôm nay

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.11)

Người tu Phật cần phải nhận thức rõ sự khác nhau giữa tưởng uẩn và thức uẩn nhằm giữ tâm luôn trên bình diện của ý thức tỉnh giác “đi biết đi, đứng biết đứng, nằm biết nằm, ngồi biết ngồi, thân thể sử dụng như thế nào thời biết rõ như vậy”, và biết chánh niệm chủ động sử dụng hợp lý, đúng thời các niệm và các tưởng có lợi (niệm từ, niệm bi, tưởng bất tịnh, tưởng vô dục...) để đoạn trừ các niệm và các tưởng có hại.

4.1.6 Một Vài Trường Hợp Quán Sai Cách


Như đã phân tích ở trên, cần phải phân biệt rõ các trạng thái của thân và tâm cùng những biện pháp đối trị thích đáng, từ đó mới đoạn trừ được các kiết sử và triền cái đúng pháp. Mỗi bệnh phải có Thu*c đặc trị riêng. Tuy nhiên còn phải biết điều trị đúng cách, đúng phương pháp thì Thu*c mới phát huy tác dụng, nhờ vậy bệnh mới thuyên giảm và khỏi hẳn.


Thu*c dù hay đến đâu nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì cũng không có hiệu quả. Ví như Thu*c thoa ngoài da lại đi chích vào người, Thu*c uống vào bụng lại đi bôi lên đầu thì hẳn nhiên không những không chữa được bệnh mà có khi còn nguy hại thêm. Nói chung, Thu*c HAY nhưng còn phải TRỊ ĐÚNG thời mới có kết quả.


Cũng vậy, Bốn Niệm Xứ là những phương thần dược nhưng cũng cần phải sử dụng từng liệu pháp theo đúng cách thức như bài kinh đã chỉ dạy mới mong chữa lành các phiền não, lậu hoặc. Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu cho các cách quán sai cách.


Người tu sĩ khi bị một tịnh tướng cụ thể ám ảnh khiến khởi dục tưởng nơi đối tượng đó, nhưng chỉ quán pháp bất tịnh chung chung, không quán tưởng bất tịnh thích ứng ngay trên tịnh tướng ấy, thì không thể diệt trừ được tham dục triền cái. Ngược lại khi bị tham kiết sử trói cột, do không có đối tượng với sắc tướng cụ thể, nên pháp quán bất tịnh không hiệu quả bằng pháp quán về sự nguy hiểm của tham dục.


- Một vị Tỳ-kheo thấy một ‘pháp tịnh tướng’ sống trong cảnh cô đơn trống vắng, nếu vị Tỳ-kheo cứ quán từ bi, thương cảm, tội nghiệp cho tịnh tướng ấy, hẳn sẽ dẫn đến tình cảnh bị ái kiết sử trói cột. Trong trường hợp này, chỉ cần nhắc nhở người thân, hàng xóm láng giềng, hoặc người hợp duyên với ‘pháp tịnh tướng’ quán từ bi giúp đỡ cho đối tượng ấy là tốt hơn.


- Khi bị đối tượng khác gây cho ta tức giận hiềm hận, tức bị sân triền cái chi phối, nếu tác ý quán từ bi thương xót mình, tội nghiệp cho mình thì sự buồn khổ tức giận càng tăng thêm. Ngược lại, nếu quán pháp bất tịnh tướng trên pháp chướng ngại (mặt mày kẻ đó hung dữ, xấu xí, ghê sợ…) thì càng dễ bị sân triền cái tác động. Hoặc giả khi đang tức mình, bực mình lại ngồi quán từ bi với kẻ khác chung chung sẽ không thể cắt đứt được sợi dây sân kiết sử.


- Khi hôn trầm thuỳ miên chi phối lại ngồi tu chỉ, hoặc tiếp tục duy trì tâm theo một định tướng, khiến tâm đã thụ động lại càng bị thụ động thêm, do đó buồn ngủ và ngủ gục càng tăng trưởng không thể đoạn tận được. Ngược lại, khi bị trạo cử lại dùng các pháp tà tinh tấn, hoặc tu quán sẽ khiến thân tâm càng bị dao động thêm.


Thực tế đã cho thấy, dù có Thu*c hay nhưng không điều trị đúng cách cũng không thể chữa được bệnh. Hẳn nhiên, không biết đến diệu dược, không sử dụng đúng diệu dược thì muôn đời cũng không thể chữa khỏi bệnh. Không biết vận dụng tu tập Bốn Niệm Xứ để điều trị, gột rửa năm triền cái và các kiết sử mà cứ ôm giữ chúng rồi tu thiền, đó là tà thiền. Còn bị các căn bệnh này hoành hành sai khiến dù có nhập được định, đó chỉ là tà định.


Với bài kinh Sandha, đức Thế Tôn có nhắc đến những đặc điểm cơ bản của chánh thiền, chánh định mà tất cả những ai muốn tu tập thiền định cần phải phân biệt rõ:


“- Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có với Thiền định của con ngựa chưa thuần thục.


- Và này Sandha, thế nào là Thiền định của con ngựa chưa thuần thục?


Con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, liền Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn”. Vì sao? Này Sandha, con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có nghĩ như sau: “Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp?”. Con ngựa bị cột vào máng ăn, chỉ Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn!”


Cũng vậy, này Sandha, ở đây có hạng người chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng, hay khi đi đến gốc cây, hay khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán; trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối... trú với tâm bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh, bị nghi hoặc chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán.


Người ấy Thiền tư, y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, Thiền tư y chỉ vào lửa, Thiền tư y chỉ vào gió, Thiền tư y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư y chỉ vào đời này, Thiền tư y chỉ vào đời sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều y chỉ vào đấy người ấy Thiền tư. Như vậy, này Sandha là người Thiền tư không thuần thục.


- Và này Sandha, như thế nào là Thiền tư như con ngựa thuần thục?


Con ngựa hiền lương, này Sandha, con ngựa được thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư:

“Cỏ ăn, cỏ ăn!” Vì sao? Này Sandha, con ngựa đã thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, suy nghĩ như sau: “Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp?” Con ngựa bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn!” Con ngựa hiền lương, này Sandha, được thuần thục, nhìn sự áp dụng cây gậy thúc ngựa hiền lương như là món nợ, như là trói buộc, như là một thiệt hại, như là một điềm xấu.


Cũng vậy, này Sandha, con người hiền thiện, thuần thục, khi đi đến khu rừng, khi đi đến gốc cây, khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm không bị dục tham ám ảnh, không bị dục tham chinh phục, như thật quán tri sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Vị ấy an trú với tâm không bị sân ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị si ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị trạo hối ám ảnh... Vị ấy an trú với tâm không bị nghi hoặc ám ảnh, không bị nghi hoặc chinh phục, như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên.


Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư.

Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:


Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người hiền, thuần thục,
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Con người bậc Thượng thủ,
Y chỉ gì Ngài Thiền,

Chúng tôi không được biết…”

(TC XI:10, tr.655 = [I.11.10])


Từ bỏ được năm triền cái và thành tựu năm chi phần (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) là những tiêu chuẩn để thể nhập vào Sơ Thiền. Điều này đã được Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời cho Tôn giả Maha Kotthita trong Đại Kinh Phương Quảng:


“- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ bao nhiêu chi phần và thành tựu bao nhiêu chi phần?


- Này Hiền giả, Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần và thành tựu năm chi phần. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỳ kheo thành tựu Thiền thứ nhất từ bỏ tham dục, từ bỏ sân, từ bỏ hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo hối, từ bỏ nghi; thành tựu tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Này Hiền giả, như vậy Thiền thứ nhất từ bỏ năm chi phần, và thành tựu năm chi phần.” (TB1, 44 = [Vd.1.22])


Một vị tu sĩ dù xuất thân từ bất cứ giai cấp nào, thuộc bất cứ thành phần nào nhưng đã đoạn diệt năm triền cái và thành tựu Năm chi Vô học, không những xứng đáng để chư Thiên đảnh lễ mà còn là ruộng phước rộng lớn cho những người thiện tín cúng dường bốn vật dụng. Đây là điều đức Phật đã dạy cho vua Pasenadi:


“- Cũng vậy, thưa Ðại vương, dầu cho một người có xuất gia từ một gia đình nào, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đoạn trừ năm chi và hội đủ năm chi. Bố thí cho một người như vậy có quả báo lớn.


Thế nào là năm chi được đoạn trừ? Tham dục được đoạn trừ, sân được đoạn trừ, hôn trầm thụy miên được đoạn trừ, trạo hối được đoạn trừ, nghi được đoạn trừ. Năm chi này được đoạn trừ.


Thế nào là năm chi được hội đủ? Vô học giới uẩn được hội đủ, vô học định uẩn được hội đủ, vô học tuệ uẩn được hội đủ, vô học giải thoát uẩn được hội đủ, vô học giải thoát tri kiến uẩn được hội đủ. Năm chi này được hội đủ


Chính một người như vậy, năm chi được đoạn trừ, năm chi được hội đủ, bố thí cho người như vậy được quả báo lớn.” (Bài kinh Cung Thuật (S.i,98) = [Su.9.23])


Tóm lại, ‘có những pháp ở đây’ là có những pháp thiện tương ưng để đối trị với các pháp bất thiện thuộc năm triền cái bao gồm: tham dục triền cái, sân triền cái, hôn trầm thuỳ miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Người tu tập Bốn Niệm Xứ phải ghi nhớ đầy đủ các pháp thiện thích ứng và sử dụng chúng để đoạn trừ từng pháp triền cái theo nguyên tắc quán pháp trên các pháp đúng với tinh thần của đoạn kinh:


“Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sinh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sinh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái”.

uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Năm uẩn cần phải được nhận thức phân biệt rõ ràng: “Đây là sắc… Đây là thọ… Đây là tưởng… Đây là hành… Đây là thức…”. Hơn thế nữa phải biết những phiền não liên quan đến năm uẩn, trong đó căn bệnh phổ biến nhất chính là Năm Thủ Uẩn.

Tỳ Kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


Pani Giới Pháp

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/giai-ma-kinh-niem-xu-chang-duong-thoat-khoi-kho-dau-p11-d22852.html)

Chủ đề liên quan:

giải mã khổ đau mã kinh

Tin cùng nội dung